Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 9/6/2010 15:37'(GMT+7)

Tăng tỉ lệ phát sóng và chiếu phim Việt: Cơ hội đã có, chỉ lo nguồn phim và chất lượng phim

Cánh đồng bất tận”, bộ phim do tư nhân sản xuất được giới thiệu tại LH phim Cannes 2010

Cánh đồng bất tận”, bộ phim do tư nhân sản xuất được giới thiệu tại LH phim Cannes 2010

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị định nhằm hỗ trợ cho điện ảnh Việt phát triển. Các đơn vị sản xuất  mừng vì “có cửa” cho phim ra. Còn các rạp và các đài TH thì lo vì để  đảm bảo tỉ lệ quy định, nguồn phim và chất lượng phim là bài toán không dễ giải lúc này.

Các đài truyền hình: Vừa mừng, vừa lo

Là một trong hai đơn vị sản xuất phim truyền hình lớn nhất nước, số lượng phim sản xuất của  Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN (VFC) mỗi năm  ước đạt khoảng 300 tập phim. Số lượng này chỉ đáp ứng được 1/4  yêu cầu phát sóng theo quy định. Về điều này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC cho biết: “Chúng tôi không có tham vọng ôm hết phần sản xuất phim vì luôn hiểu rõ: Để số lượng tăng, cần biết khả năng thực tế của đội ngũ sáng tác hiện nay thế nào. Đã coi việc làm phim là nghề nghiệp gắn bó cả đời thì không ai muốn “làm lấy được”, nhất là sáng tạo văn hóa nghệ thuật, không phải cứ cố ép là sẽ ra được cái hay. Vì vậy, sự lo lắng về chất lượng là điều mà chúng tôi nghĩ đến nhiều hơn và sau đó là tính chuyên nghiệp của việc sản xuất phim và năng lực chuyên môn của các thành phần làm phim phải được quan tâm, ngày càng coi trọng hơn. Tất nhiên đi kèm với nó là mức thù lao cần thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp”.

Cũng theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải thì bất cứ một ngành nghề nào đều phải có các yếu  tố cần và đủ để phát triển, sau đó lại có một thời gian để triển khai, dựa trên thực tế điều chỉnh, nâng cao chất lượng và phát triển vững bền, hiệu quả. Phim truyền hình cũng vậy vì nó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như kinh tế, kỹ thuật và đặc biệt là yếu tố con người. Đến bây giờ, khi cả nước sản xuất khoảng 4-5.000 tập phim/năm để phát sóng trên các đài TH thì đội ngũ được đào tạo làm phim truyền hình  chuyên nghiệp vẫn chưa có, chỉ là sự truyền nghề qua kinh nghiệm làm phim từ cái gốc đào tạo điện ảnh.

Một số trường quay cho phim TH xây dựng thời gian qua là của tư nhân và hầu hết chỉ đáp ứng mục đích sản xuất “tạm thời”. VFC hiện đang được UBND thành phố HN xem xét, cấp đất để xây dựng khu trường quay cũng chỉ khiêm tốn khoảng 2 ha và nhanh nhất cũng phải 1-2 năm nữa mới có được. Đó cũng là một trong những lý do để không thể tự nhiên vươn mình lớn mạnh một cách nhanh chóng.

Trong khi đó, nhu cầu xem phim và trình độ cảm nhận của khán giả liên tục được điều chỉnh và nâng cao do tiếp cận hằng ngày với các tác phẩm điện ảnh nước ngoài, phim TH của các quốc gia phát triển được chiếu trên các đài TH. Do vậy, cũng không nên quá khắt khe và đòi hỏi nền phim THVN phải phát triển vũ bão cả về số lượng và chất lượng, đồng thời cũng cần nhanh chóng đầu tư sâu và bài bản hơn về các khâu sản xuất trong khi chờ đợi các tài năng mới được đào tạo để tham  gia lĩnh vực làm phim truyền hình.

Đón nhận cơ hội cho phim Việt, các đài truyền hình địa phương cũng đón nhận những thách thức mới  khi đội ngũ làm phim tại chỗ đang ở mức khủng hoảng thiếu, chưa kể đến bài toán về kinh phí sản xuất và nguồn thu cân đối trong hoạt động của các đài TH địa phương. Hiện nay, giải pháp mà các đài TH địa phương lựa chọn là mua lại bản quyền các bộ phim đã phát sóng để phát lại nhưng khi sóng TH của VTV, HTV đã phủ rộng thì việc phát lại ít hiệu quả. Vì thế, một trong những giải pháp được nghĩ đến là khuyến khích các đơn vị xã hội hóa vào cuộc. Thời gian qua, sự nhập cuộc của các đơn vị xã hội hóa đã góp phần làm phong phú diện mạo của phim Việt trên truyền hình. Bên cạnh những cái được nhìn thấy- nguồn phim đa dạng, vẫn còn nhiều cái chưa được của phim xã hội hóa như: chất lượng chưa cao, đề tài na ná nhau. Nên có lý do để lo  việc sản xuất ồ ạt của các đơn vị xã hội hóa có thể tạo nên một thị trường làm phim hổ lốn, dùng các chiêu thức quảng bá, bớt xén công đoạn thay vì tập trung vào nội dung và nghệ thuật. Nhưng dù thế nào thì qua một giai đoạn phát triển nhất định, những đơn vị làm phim có uy tín, đề cao chất lượng sẽ trụ lại để gắn bó lâu dài, còn những kiểu làm chụp giật  cũng sẽ bị đào thải.

Và nỗi lo của các rạp

Nếu tính cả phim do các đơn vị  tư nhân sản xuất, số lượng phim Việt sản xuất hiện tại chỉ khoảng 10 phim/ năm và chủ yếu tập trung vào dịp Tết Nguyên đán. Nên khi được hỏi “có sẵn sàng chiếu phim Việt”, hầu hết các rạp đều “gật”  kèm theo câu hỏi: Liệu có đủ nguồn phim cung ứng cho các rạp? Liệu chất lượng phim có trụ được ở rạp? Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia nói: “Quy định  rạp phải chiếu 20% phim Việt/ tổng số buổi chiếu, thì cũng phải có chế tài rõ ràng, nếu không đảm bảo tỉ lệ này thì phải chịu phạt ra sao? Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại nguồn phim quá ít; chất lượng  không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người xem, chưa đủ sức cạnh tranh với phim ngoại nếu “áp” tỉ lệ này và phạt ngay... thì các rạp sẽ gặp khó khăn. Vì thế, cần phải có những chính sách khuyến khích khu vực sản xuất phim; các đơn vị sản xuất phim cần nâng cao chất lượng phim và mở rộng thời gian phát hành ra khỏi phạm vi “Phim Tết”. Nếu nguồn phim tăng gấp 2-3 lần; chất lượng phim được nâng cao,  mỗi phim trụ được từ 10-30 ngày, thì tỉ lệ 20% phim Việt chiếu rạp  không phải là không thực hiện được”.

Đồng quan điểm với ông Dương, hầu hết các chủ rạp đều tuyên bố  sẽ chờ sự thay đổi về nguồn phim và chất lượng phim. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất phim tư nhân thì vẫn dè dặt trong việc công bố kế hoạch sản xuất. Với tư nhân, làm phim là phải lãi, nên giải pháp sản xuất vẫn là nhỏ giọt để nghe ngóng thị trường. Còn các hãng Nhà nước thì vì nhiều lý do, một số kịch bản đã được duyệt vẫn chưa được triển khai quay, hoặc quay xong vẫn chưa có kế hoạch phát hành. Khó khăn thì nhiều nhưng trước cơ hội đã có, thiết nghĩ, ngành Điện ảnh và Truyền hình nên có những kế sách phối hợp đồng bộ giữa khâu sản xuất và phát hành, đồng thời  đưa ra những kiến nghị về lộ trình thực hiện tỉ lệ việc phát sóng và chiếu phim để chớp thời cơ, giành lấy thị trường  đã từng bị mất cho phim ngoại.

Chu Thu Hằng-Vanhoa0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất