Chủ Nhật, 22/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Hai, 3/9/2012 11:56'(GMT+7)

"Người Nhà nước"

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Với những người tuổi cao, trải qua nhiều biến động của đất nước trong cách mạng và kháng chiến, đã là người của đoàn thể, "người Nhà nước" thì mọi sự đều phải đàng hoàng, trong sáng, mẫu mực. Họ không dễ chấp nhận con cháu trong họ, ngoài làng mới hôm nào nứt mắt sinh ra, lại nghịch ngợm, trốn học, phóng xe gắn máy vù vù, trâng trâng tráo tráo ngoài đường, bây giờ lại là anh, chị cán bộ ở thôn làng, phường xóm, đội viên dân phòng, nhân viên trật tự…

Xã hội luôn vận động, đổi thay, con người cũng có điều kiện được học hành, bồi dưỡng, rèn luyện để đổi thay, tiến bộ, trưởng thành, nên cách nhìn người theo kiểu "một sự bất tín, vạn sự không tin", định kiến… nói chung không còn phù hợp. Tuy nhiên, sự khó tính, yêu cầu cao của dân chúng, của những người từng trải lại có cốt lõi gắn với chuẩn mực người cán bộ, người trong bộ máy công quyền, hệ thống chính trị, doanh nghiệp công… Đó là tinh thần và năng lực đảm đương trách nhiệm.

Khác với hoàn cảnh thời cách mạng và kháng chiến, bây giờ làm cán bộ, công chức, ngay cả vị trí nhân viên văn phòng, nhân viên bảo vệ cũng có lương, hoặc tiền bồi dưỡng, thù lao, trợ cấp, phụ cấp... Nghĩa là chưa biết hiệu quả công việc đến đâu, nhưng cứ vào được bộ máy Nhà nước là ít nhất tạm đủ sống. Cơ chế, cách thức quản lý, giám sát cùng chế tài thưởng, phạt, loại thải không rõ ràng, không nghiêm minh, không kịp thời cả trong khuyến khích và răn đe làm cho người trong bộ máy Nhà nước dễ tự bằng lòng với mình, thiếu đề cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động sáng tạo trong công tác, thậm chí làm kém, làm sai vẫn có thể yên ổn tại vị, hưởng lương. Đó là một trong những lý do chủ yếu dẫn đến môi trường làm việc của cơ quan Nhà nước rơi vào tình trạng cào bằng, hạn chế điều kiện phát huy tinh thần và năng lực trách nhiệm của cán bộ, công chức. Đó cũng là một trong những lý do thời gian gần đây các cơ quan, đoàn thể khó tuyển được người giỏi và không ít người giỏi, có chuyên môn tốt, có chí tiến thủ xin… chuyển sang các đơn vị, doanh nghiệp bên ngoài, hoặc tìm cách “chân trong, chân ngoài” để làm thêm, kiếm thêm. Ngược lại, người năng lực kém, thụ động lại tìm cách bám lấy vị trí đã có như “chui” vào chiếc chăn ấm, ăn đủ, ngủ ngon.

Khác với thời cách mạng và kháng chiến, bộ máy Nhà nước bây giờ phải chăm lo mọi mặt đời sống của đất nước, nhân dân, do vậy quyền hạn của "người Nhà nước" cũng rộng hơn, to hơn. Quyền hạn ấy liên quan đến đất đai, các loại tài nguyên, vốn liếng, nhân sự, đến mọi sự ăn mặc, ở, đi lại, an toàn, an sinh, học hành, y tế, đến tiến bộ, dân chủ, công bằng xã hội, phát triển đất nước. Người ở khâu nào, việc nào cũng có trách nhiệm, quyền hạn, có điều kiện phát sinh bệnh "cửa quyền", lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, tham nhũng.

Kể ra những điều trên để thấy chính cơ chế vận hành, quản trị bộ máy Nhà nước vốn còn nhiều điểm yếu, khiếm khuyết và kẽ hở, làm cho "người Nhà nước" hạn chế tính kỷ luật, năng động, sáng tạo, làm phát sinh nhiều tật xấu. Điều này hoàn toàn không nằm trong bản chất của chế độ và có thể hiểu được khi chúng ta xuất phát từ điều kiện xã hội phân tán, lạc hậu, lại vừa đi ra khỏi cuộc chiến tranh dài, vừa phải thực hiện nhiều công việc rất mới của sự nghiệp CNH, HĐH và bảo vệ đất nước, vừa bắt tay vào xây dựng Nhà nước pháp quyền. Phải nhìn rõ tình hình thực tế hiện nay là luật pháp và ý thức, cách thức chấp hành, thực thi luật pháp, chế độ trách nhiệm của cả công chức và người dân chưa được hoàn thiện, chưa được nâng lên đúng tầm mức yêu cầu.

Không có gì lạ, chính những điểm yếu, kẽ hở ấy là cái cớ để nhiều người vin vào, đổ tại cơ chế, thiếu chủ động khắc phục, rèn luyện. Thời nào, việc nào cũng có những khó khăn riêng, cùng các loại “tật bệnh”. Ít năm sau khi giành được chính quyền, trong cuốn "Sửa đổi lối làm việc", Bác Hồ đã chỉ ra hàng chục thứ bệnh của cán bộ, của đoàn thể. "Người cách mạng", "người Việt Minh", "người đánh giặc", "người của giải phóng" năm xưa đã vượt lên mọi gian khó, thử thách, hy sinh khắc phục những điểm yếu, tật bệnh bằng tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng xả thân cùng bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ mình, thì người cán bộ, công chức, "người Nhà nước" hôm nay với chí tiếp bước, xứng đáng với ông cha hoàn toàn có thể hoàn thành trách nhiệm của mình, từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém làm cho bộ máy Nhà nước ngày càng năng động, hiệu lực.

Không nhìn ở đâu xa, ngay bên cạnh ta, ngay trong chúng ta, hàng ngày có biết bao tấm gương hình ảnh người cán bộ, công chức trung thực, tận tụy, sáng tạo trong công việc. Biết bao người đã xông vào những nơi khó khăn gian khổ, những “điểm nóng” của cuộc sống. Biết bao nhà quản lý, cán bộ lăn lộn cùng dân, nhiều khi phải nhẫn nhịn trước những điều tiếng khó nghe, kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân… Thời nào cũng vậy, luôn phải có và đã có số đông "người Nhà nước" thực sự của dân, vì dân./.

(Nguyễn Mạnh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất