Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Hai, 3/1/2011 17:17'(GMT+7)

Người vay tiền ngân hàng đi tìm … đồng đội

Hát cho những người vừa ngã xuống … 
 
Chúng tôi có mặt tại xã Cẩm Hưng – quê hương của cố Tổng Bí thư Đảng Hà Huy Tập vào một buổi chiều đông muộn. Hai bên đường vào xã thưa thớt người qua lại. Dù vậy, không khó lắm khi tìm đường về nhà người lính già, vì hầu như ai trong làng cũng đều biết gia đình anh Trinh. Thậm chí, có người còn nguyện dẫn đường. 
 
Vừa gặp khách, không “vòng vo Tam quốc” anh Trinh bảo ngay: “Lạnh giá thế này, cứ lang thang ngoài đường chết cóng đấy. Vào nhà tớ mần bát chè chát cho ấm bụng cái đã. Có gì, tính sau”. 
 
Anh Trinh nhập ngũ đầu năm 1974, khi vừa mới 18 tuổi - nguyên chiến sĩ trinh sát đại đội 1, Tiểu đoàn 74, Cục Nghiên cứu Bộ tham mưu. Cũng vào thời điểm đó, cả nước đang chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công giải phóng miền Nam mùa xuân năm 1975. 
 
Là lính trinh sát - quân báo, ngày ấy anh Trinh luôn phải đột nhập vùng địch hậu vẽ sơ đồ các trận đánh, sau đó quay trở ra báo cáo Tổng cục. Dù đã “vào sinh, ra tử” không biết bao nhiêu lần, thậm chí năm 1975, anh Trinh còn bị thương nặng. Nhưng với anh, “tớ còn quay về với gia đình như thế này là tốt lắm rồi, trong đợt nhập ngũ cùng đợt với mình. Chỉ tính riêng huyện Cẩm Xuyên có hơn 50 người thì  nửa số đồng đội phải nằm lại nơi chiến trường”.
 
Rồi nét mặt anh chùng xuống, buồn hẳn.
 
Thương binh đi tìm liệt sĩ
 
Năm 1981, rời quân ngũ, anh quay về cuộc sống đời thường, nhưng vết thương thời chiến tranh lại tái phát đau nhức nhối. Năm này qua năm khác anh phải liên tục chuyển đi hết bệnh viện này, qua bệnh viện khác, thậm chí 13 lần. Gia đình ở trong tình trạng báo động. Ấy vậy, cuối cùng anh cũng được ra viện, dù không sung sức trai tráng như xưa, nhưng ít ra anh cũng còn may mắn hơn các đồng đội.
Một lần có thân nhân liệt sĩ, người cùng huyện nhờ tham gia đi kiếm hài cốt liệt sĩ cho gia đình họ. Bất chợt, anh nảy ra ý định, mình có điều kiện, sao không “đồng hành” cùng thân nhân liệt sĩ đi kiếm hài cốt của các đồng đội đang nằm rải rác trên các chiến trường, nơi anh đi qua. Nói là làm, năm 2006, anh lên huyện xin thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Tổng cục II. 
 
Từ đó, anh cùng các gia đình có thân nhân liệt sĩ hành quân, có lúc phải sang tận Campuchia để tìm hài cốt đồng đội. Nhiều lần, tổ công tác của anh phải hành quân ở rừng gần cả tháng, vì lạc đường. Đói rét xảy ra liên miên, thậm chí 3 ngày phải nhịn ăn (rừng Do Linh – Quảng Trị) nhưng anh và các đồng đội vẫn không nản, chỉ mong sao tìm được hài cốt đồng đội là các anh ấm lòng.
 
Vay tiền ngân hàng làm lộ phí tìm đồng đội
 
Đang say sưa  câu chuyện với anh, bất ngờ chị Vân – vợ anh đi vào nhà chen ngang: “Có điều các chú không biết đấy thôi, giờ gia đình tui đi vay ngân hàng không được nữa, tiền ăn hàng ngày đang còn khó, huống hồ chi tiền trả nợ cho ngân hàng”.
 
Thấy anh Trinh lườm, chị Vân nhoẻn cười: "Em vừa sang nhà chú thím vay tạm được mấy triệu. Anh xem đã đủ tiền đi Quảng Trị chưa? Nếu thiếu để mai em lo nốt chứ chạy tiền mệt chết đi được”.
 
Chuyện đang giữa chừng, chợt một bà hàng xóm sang nhà nhờ anh viết đơn xin giảm học phí cho cháu. Nghe chuyện, bà nói góp:  “Lâu nay, hầu như ngày nào anh Trinh cũng dành thời gian cho việc này. Không biết có được Nhà nước cho hưởng đồng nào không, chứ tui thấy gia đình anh nợ nần chồng chất, người thì ốm yếu, do vết thương thời chiến tranh cứ đẻo đẳng”. 
 
Chập choạng, gió thổi nhè nhẹ len vào nhà lạnh cóng. Anh Trinh co ro,  chắc vết thương lại bắt đầu tái phát. Một lát sau, cố nén cơn đau, anh Trinh lết lại phía tủ thuốc gia đình uống vội mấy viên thuốc giảm đau. 
 
Lát sau, anh xin phép khách, rồi sà vào chiếc bàn cá nhân, ngồi nghiên cứu tập hồ sơ quân nhân của gia đình liệt sĩ từ nơi xa gửi về nhờ đi tìm mộ, rồi đọc kỹ từng chữ, từng chi tiết…
 
Sang tuần, anh cùng đồng đội lại bắt đầu cho một chuyến hành quân vào Quảng Trị tìm mộ cho ai đó.
 
 Theo Bee.net

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất