Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 1/6/2018 10:14'(GMT+7)

Nguy cơ “học kỳ thứ ba”



Ảnh minh họa. Báo Thanh Niên

Khi lễ bế giảng năm học còn chưa diễn ra, tại các diễn đàn trên mạng của cha mẹ học sinh, chủ đề mùa hè cho con làm gì đã được nhiều người quan tâm. Đáng ngạc nhiên là thay bằng việc bàn tính thời gian biểu hợp lý, giúp con có được một kỳ nghỉ hè bổ ích, giàu ý nghĩa, như phần thưởng sau một năm học vất vả - điều mà chính trẻ em mong mỏi, háo hức chờ đợi mỗi khi hè đến, thì đối với không ít phụ huynh, việc “học” lại trở thành vấn đề được chú ý hơn cả. Theo đó, dù là nghỉ hè thì trẻ vẫn cần tiếp tục học. Con học còn chưa đồng đều các môn thì dịp hè là cơ hội củng cố kiến thức còn khuyết thiếu. Ngay cả với trẻ học giỏi đều các môn, nhiều bậc cha mẹ vẫn cho rằng cần tiếp tục học nâng cao các môn văn hóa, mà quan trọng nhất là ba môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, để trẻ không chủ quan, duy trì và phát triển lực học. Bên cạnh đó, là trào lưu cho con học các kỹ năng, các môn bổ trợ, nhằm giúp con phát triển toàn diện, tức là bên cạnh các môn văn hóa, cần bổ sung các kỹ năng khác như bơi lội, thể thao, nấu ăn, các môn nghệ thuật như ca hát, đánh đàn, hội họa, nhảy múa...

Cũng vì cho rằng, trẻ cần học cách tự lập, rèn ý thức kỷ luật, cũng như học cách đối mặt và giải quyết với các vấn đề khó khăn, cho nên những năm gần đây, trào lưu cha mẹ gửi con vào các lớp kỹ năng sống, “học kỳ quân đội” cũng tăng cao. aMùa hè bỗng trở thành “học kỳ thứ ba”, với đầy ưu tư, băn khoăn, lo lắng và áp lực đặt ra có khi còn gay gắt hơn cả hai học kỳ chính thức ở trường. Vì, chỉ với ba tháng ngắn ngủi, trẻ phải thực hiện các yêu cầu khắt khe của bố mẹ: củng cố chương trình đã học trong năm, học trước chương trình của năm học tiếp theo để vào năm học không bị tụt hậu, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần với các môn học phong phú, từ thể dục thể thao đến đàn - ca - nhạc - họa. Hoàn thành được các mục tiêu do người lớn đề ra, nhiều trẻ em đang phải gánh trên vai những gánh nặng quá sức.

Nắm bắt được nhu cầu của nhiều bậc cha mẹ học sinh, ngay từ đầu tháng 5, hàng loạt chương trình với những cái tên hấp dẫn như định hướng hè, vui học hè, mùa hè bổ ích,... đã nhanh chóng được quảng bá tuyển sinh. Điển hình là một trung tâm cam kết sẽ đào tạo trẻ em “trở thành một con người khác”, một học sinh “toàn năng”, trong thời gian ngắn sẽ đánh thức phẩm chất “thiên tài” của trẻ. Việc kỳ vọng quá lớn vào trẻ em huy động những năng lực mà chưa biết các em có hay không có, liệu có phải là cách thức đúng đắn? Về vấn đề này, các bậc cha mẹ cần hết sức tỉnh táo, thận trọng. Việc gây áp lực lên trẻ, muốn “đốt cháy giai đoạn”, đồng thời đặt kỳ vọng quá lớn rất có thể sẽ khiến trẻ rơi vào cảm giác hoang mang, sợ hãi, tự ti. Thực tế đã có học sinh rơi vào stress khi ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè, bố mẹ đã ấn vào tay một lịch học kín mít từ thứ hai đến chủ nhật.

Thậm chí, nhằm tạo điều kiện để phụ huynh không phải đưa đón nhiều, có lớp học còn tổ chức ăn bán trú. Do vậy, khái niệm nghỉ hè với nhiều em chỉ tồn tại trong ý niệm, hay chỉ có trong sách vở. Ngày hè đối với không ít trẻ em vẫn là tiếp tục dậy từ sớm để hối hả chạy đến các lớp học thêm, chỉ trở về nhà khi mặt trời đã tắt nắng. Mới đây, bức thư của cô giáo Nguyễn Minh Ngọc - giáo viên môn Ngữ văn tại TP Hồ Chí Minh, gửi học sinh trước ngày ra trường đã thu hút sự quan tâm cũng như để lại không ít băn khoăn, trăn trở của các nhà giáo dục và dư luận. Với khẳng định “con là một người bình thường”, cô giáo Nguyễn Minh Ngọc hoàn toàn có lý khi cho rằng: “Trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh làm vĩ nhân đổi thay thế giới, còn lại đa số chúng ta là những người bình thường”. Ý thức được điều này, trẻ em sẽ không bị áp lực với bản thân, “không đặt ra cho mình những điều to tát mà bỏ qua đi bao khoảnh khắc đáng trân quý mà một người bình thường cần trải nghiệm. Như ánh nắng lấp lánh sau cơn mưa, như nụ cười rạng rỡ của ai đó, như bữa tối quây quần bên ba mẹ, như một ngày mắt mẹ cười đã xuất hiện nếp nhăn...

Những cái nhỏ sẽ dần tích lũy theo tháng năm và tạo nên những cái lớn hơn. Kỳ tích không tự nhiên xuất hiện, nó là phần nổi của tảng băng trôi mà phần chìm là bao nỗ lực, khó khăn, bao thất bại, sai lầm ta phải trả, cho một thành công nào đó”.

Thực tế ở lứa tuổi của mình, phần lớn trẻ em đều non nớt, vụng dại, có những sở thích, mối quan tâm riêng, và cũng có sai lầm, khuyết điểm. Biết lắng nghe, chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng nhu cầu của trẻ, cân đối hài hòa giữa việc học với vui chơi lành mạnh sẽ giúp kích thích sự phát triển, khả năng sáng tạo, đồng thời góp phần hình thành nhân cách của các em. Ngược lại, việc áp dụng sai phương pháp giáo dục có thể gây ra hậu quả khó lường, thường là sự chống đối, bất hợp tác của trẻ với người lớn. Nghiêm trọng hơn là nguy cơ trẻ có những bất ổn về tâm lý, hình thành thái độ thù ghét, dễ nảy sinh hành vi tiêu cực.

Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp giáo dục đúng đắn đối với trẻ trong dịp hè có vai trò hết sức quan trọng, đòi hỏi sự thận trọng, sáng suốt của các phụ huynh. Trên bình diện xã hội, sự nóng vội, lo lắng thái quá ở một số cha mẹ đã tạo môi trường thuận lợi cho những kẻ cơ hội trục lợi. Đó là sự ra đời của hàng loạt “trung tâm ma”, “học viện giáo dục quốc tế” kém chất lượng. Để thu hút sự quan tâm của phụ huynh, với nhiều cách thức như phát tờ rơi, gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện chào mời,... các trung tâm này đua nhau quảng bá rầm rộ những chương trình giáo dục được cho là “bổ ích, thiết thực, ý nghĩa”, với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu nhằm thu học phí cao song nhiều khi thực chất chỉ là trò “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Thay vì được theo học chuyên gia, nhiều trẻ em chỉ được nhận hướng dẫn hời hợt, thiếu chuyên môn của một số giảng viên trẻ, non nghề hoặc tình nguyện viên. Thay vì được củng cố kiến thức, làm quen với chương trình học mới thì khi lên lớp, giáo viên chỉ phát phiếu bài tập in sẵn cho học sinh, rồi ai muốn làm thì làm, sau đó giáo viên sẽ đọc cho chép để về báo cáo bố mẹ. Thay vì được học tiếng Anh với chuyên gia từ nước ngoài, thì các em chỉ được học “thầy, cô Tây” vốn là khách du lịch muốn cải thiện thu nhập và không có kỹ năng sư phạm. Thay vì đưa con vào các “học kỳ quân đội” để rèn giũa, học cách tự lập thì có nơi trẻ em bị nhồi nhét vào một môi trường xa lạ, chưa đủ thời gian thích nghi, rồi hằng ngày bị quát mắng, thậm chí bị đánh đập cho “vào nền nếp”. Sau bảy đến 10 ngày bị đưa vào kỷ cương khắc nghiệt như vậy, khi về nhà, trẻ lại tiếp tục lối sống cũ...

Cũng nên nhắc tới sự kiện cách đây không lâu, một Trung tâm về kỹ năng sống ở Hà Nội tổ chức cho hàng trăm học sinh lớp 5 chuẩn bị lên lớp 6 “biểu diễn xiếc” bằng cách đi chân trần trên thủy tinh vỡ như là một cách để thử thách “dám thử nghiệm, dám đi đầu, có động lực, dám thay đổi suy nghĩ, kiên trì, giữ vững mục tiêu, đoàn kết, vượt qua nỗi sợ hãi và tự tin...” đã gây ra tranh cãi gay gắt. Bên cạnh nguy cơ gây thương tích cho học sinh, việc quy định em nào không dám chấp nhận thử thách này sẽ bị xếp vào đối tượng không có các phẩm chất được kể trên cũng khiến nhiều chuyên gia giáo dục phản ứng gay gắt, thậm chí cho đó là phản giáo dục.

Một mùa hè đã tới. Từ thực tế những năm gần đây, nhiều bậc cha mẹ tổ chức ngày hè cho con theo chiều hướng phức tạp, vô hình trung đẩy trẻ vào môi trường giáo dục thiếu khoa học, thiếu an toàn..., đòi hỏi đã đến lúc các bậc phụ huynh cần hết sức tỉnh táo, lựa chọn cách thức tổ chức nghỉ hè hợp lý, giúp trẻ có những ngày hè bổ ích. Chỉ có như vậy, con em mình mới thật sự có được một mùa hè đúng nghĩa, để những ngày hè không trở thành “nỗi sợ” đối với trẻ em./.

Theo báo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất