Thứ Ba, 26/11/2024
Sáng tác
Thứ Bảy, 21/12/2013 9:58'(GMT+7)

Nhà thơ cựu binh Mỹ và nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh

Nhà thơ Kevin Bowen và nhà văn Lê Minh Khuê

Nhà thơ Kevin Bowen và nhà văn Lê Minh Khuê

Trở về sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Kevin Bowen mang trong mình nỗi đau và sự ám ảnh với cái nguời ta gọi là hội chứng “Việt Nam”. Trí nhớ suy giảm hơn sau một lần tai nạn. Và nghệ thuật đuợc Kevin ví như sự cứu rỗi linh hồn để ông trở lại với cuộc sống. Tất nhiên, văn chương không ngoài phạm vi đó.

Những lần trở lại Việt Nam, gặp gỡ những con người trước kia từng ở bên kia chiến tuyến được Kevin Bowen ví như “tìm lại tuổi thanh xuân” của mình. Mới đây, ông đã tổ chức một cuộc triển lãm tại Hà Nội có tên gọi “Một gương mặt lịch sử” để bày tỏ tấm lòng trân trọng với những văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho đất nước, cho nghệ thuật và hòa bình hai dân tộc.

Có lẽ phải bắt đầu câu chuyện từ hơn 20 năm về trước. Ngôi nhà của nhà thơ Kevin Bowen tại bang Massachusetts, Mỹ là nơi những nhà văn, nhà thơ Việt Nam thuờng xuyên lưu đến. Họ đến đó sau một chặng đường dài và sau những khó khăn, phức tạp của việc xin visa vào Mỹ, truớc khi quan hệ hai nước đuợc bình thuờng hoá.

Họ đến đó như chẳng để làm chuyện gì to tát ngoài nấu ăn, chơi với trẻ con, cùng làm thơ, đọc thơ, hát và trò chuyện. Thế nhưng những truyện ngắn, trang tiểu thuyết, những bài thơ… ra đời từ ngôi nhà tinh thần ấy lại mang thông điệp ngoại giao, với hi vọng hoà bình và kết nối văn hoá.

Nhà thơ Lê Minh Khuê nhớ lại: “Đến nhà Kevin lúc đó, con gái ông mới đuợc 1 tháng tuổi nhưng ông vẫn thu xếp để đón bạn bè Việt Nam sang. Buổi tối, tất cả mọi nguời ngồi ngoài hành lang chuyện trò, sau đó nấu cơm. Anh Nguyễn Quang Thiều, anh Hữu Thỉnh cùng làm nem. Lúc đầu định mời ít người nhưng sau đó rất đông nguời đến. Những kỉ niệm đó không thể nào quên được”.

Hơn 20 năm sau, chủ nhân của ngôi nhà ấy - nhà thơ Kevin Bowen trở lại Việt Nam, mang theo 30 bức tranh sơn dầu được vẽ bằng sự hồi tưởng từ những cuộc gặp gỡ đầy nghĩa tình. Hiếm có cuộc triển lãm nào mà tác giả và những nhân vật của mình lại thắm thiết trao nhau những cái ôm thật chặt, những cái bắt tay nồng ấm.

Các tác phẩm hội họa như một cách để mỗi người đuợc soi lại chính mình, về một thời từng sống. Đó là hình ảnh nhà thơ Thu Bồn với nụ cười ôm lấy tất cả mọi người; đôi mắt sáng của nhà văn Nguyên Ngọc khi ông kể về cuộc đời gắn liền với núi rừng Tây Nguyên; nhà văn Tô Nhuận Vỹ với gương mặt của một nguời đàn ông biết rõ về nỗi đau và sự mất mát trong cuộc chiến…

Chân dung nhà văn Nguyên Ngọc

Nhà thơ Kevin Bowen chia sẻ: “Bản thân tôi là cựu chiến binh, những nhà văn - những người tôi vẽ chân dung cũng là cựu chiến binh, cho nên chúng tôi có nhiều điều để đồng cảm và chia sẻ. Thời gian có thể làm phôi phai nhiều thứ nhưng tình cảm của chúng tôi thì không thể. Tôi mong muốn được kết nối người dân hai nước, để lịch sử không bao giờ lặp lại những lỗi lầm”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: Kevin không phải là họa sĩ nhưng Kevin đã làm ra những chiếc gương bằng hình thức hội họa. Những chiếc gương này không giống những chiếc gương thông thường khác. Bởi những chiếc gương thông thường không soi được quá khứ. Còn chiếc gương của Kevin lại cho chúng ta thấy chúng ta đã từng là và đã từng sống như vậy.

“Những bức tranh này mang ý nghĩa đặc biệt hơn cả hội họa, đặc biệt hơn cả nghệ thuật và đặc biệt hơn cả việc giống hay chưa giống. Ông đã mang bức tranh này vào Việt Nam không phải để triển lãm mà mang chúng ta để trả lại về cho chúng ta. Trả lại những kí ức thật đẹp đẽ, những sự trong sáng, khát vọng của những nhà văn Việt Nam khi đến Mỹ. Họ mang đến một thông điệp đó là tình hữu nghị, tự do và hòa bình cho mỗi dân tộc.” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết.

Không chỉ có hội họa, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh của Kevin Bowen còn được thực hiện qua trung tâm William Joiner. Ở đây rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam và Mỹ được trao đổi dịch thuật và gửi đến bạn đọc hai nước.

Ông từng tâm sự: Việt Nam là một đất nước đặc biệt. Những nguời lính Mỹ đã từng nói với nhau: “Chúng tôi đánh mất tuổi thanh xuân của mình khi tham chiến tại Việt Nam. Khi trở lại Việt Nam để tìm hiểu kĩ hơn dân tộc từng một thời đối đầu, chúng tôi từ ngạc nhiên đến yêu mến, khâm phục. Từ yêu mến, chúng tôi tìm lại đuợc tuổi thanh xuân đã mất vì tình yêu và thi ca chính là tuổi xuân của tất cả mọi nguời”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng món quà và niềm kính phục mà Kevin Bowen dành cho Việt Nam thông qua văn học, nghệ thuật thực sự nhân văn và hiếu nghĩa: “Những người ở hai chiến tuyến, từng đọ súng với nhau mà sau khi kết thúc chiến tranh lại tìm cách đến với nhau, góp phần thiết lập giá trị mới. Đó là hữu nghị, văn hóa của sự hiểu biết. Thế giới cần được sưởi ấm, cần được tồn tại và phát triển trên nền tảng giá trị bền vững, đặc biệt bằng văn thơ, bằng văn hóa và tình hữu nghị”. 

Một nhà thơ đã nói rằng “Chiến tranh qua đi nhưng hoà bình không đến cùng ngày với sự im lặng của tiếng súng”. Có thể nói, những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ của hai nước Việt Nam và Mỹ chính là những sứ giả đầu tiên của hoà bình bởi người ta tin họ là những người công bằng với sự thật và luôn vươn tới những điều tốt đẹp./.

Phương Thúy/VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất