Thứ Bảy, 21/9/2024
Sáng tác
Thứ Tư, 29/12/2010 16:37'(GMT+7)

Nơi mùa xuân vẫy gọi

Người Taỳ trong ngày hội

Người Taỳ trong ngày hội

Thuở bình minh đặt tên bản tên làng!

Lần theo câu từ trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Đô, chúng tôi như được trở về với miền đất này trong những buổi đầu lập tên đất, tên làng. Từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 17 vùng đất này được mang tên bản Luông, rồi Mường Luông, ranh giới gồm xã Nghĩa Đô và làng Hạ xã Vĩnh Yên ngày nay. Tên Mường Rãnh cho vùng người dân tộc Tày, Nùng, Thái tương đương với các đơn vị tổng của thời nhà Nguyễn. Đến cuối thế kỉ 17, do các tù trưởng của các tộc người tranh giành đất đai, cướp bóc tài sản đã nổi dậy, giương cờ hiệu cờ vàng, cờ trắng, cờ đen, chiêu quân đi triệt phá các vùng. Vùng Mường luông bị quân cờ trắng của thầy Tụ Ròng Giang tên là Triệu Phúc Tỉnh cướp phá, chém giết rất dã man. Hầu hết dân Tày Mường Luông phải sơ tán sang cư trú miền đất Hà Giang. Tả Khương chỉ tồn tại gần chục nhà, con cháu họ Hoàng ở bản Đon, do trước lúc nổi dậy ông Hoàng Văn Do kết tồng với tên phó quan của thầy Tụ. Mường Luông đổi tên thành Mường Khuông, giao cho ông Hoàng Văn Do làm tạo bản. gọi là bản Pắc Khuông, con ngòi Nặm Luông gọi là Nặm Khuông.

Đến đầu thế kỷ 19, bản khuông lại đông đúc như xưa, các bản trong nội đị được hồi sinh trở lại, mới chuyển sang tên mường khuông. Giữa thế kỷ 19 vào năm canh tuất, Mường Khuông lên trung Đô Bảo Nhai xin được đền về lập đền Mường và khu vực. Ngày 14/7 năm canh tuất (1850), nhân ngày khánh thành đền Mường mới đặt tên cho đền Mường là đền Nghiã Đô, Mường Khuông đổi tên thành Mường Nghĩa Đô.

Chiến thắng Nghĩa Đô mãi mãi vang xa…

Như một quy luật của bất kỳ một vùng đất nào trên đất nước Việt Nam, trong quá trình phát triển, Nghĩa Đô cũng không tránh khỏi âm mưu xâm lược của kẻ thù. Nặng nề nhất là giai đoạn thực dân Pháp đóng chiếm Nghĩa Đô, xây thành dựng lũy để âm mưu xâm chiếm cả vùng đất này. Trong những ngày đen tối ấy, nhân dân Nghĩa Đô đã đoàn kết một lòng, sẵn sàng đi theo ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ, kiên quyết bền gan, không hề lung lay ý chí trước những lời dụ dỗ của kẻ thù. Cả Nghĩa Đô vùng lên kháng chiến.

Sau khi quân Pháp và tay sai bị thất bại nặng nề trong chiến dịch Lê Hồng Phong (màn một), đặc biệt là trên mặt trận Phố Lu ngày 14/2/1950, địch tập trung quân củng cố cứ điểm Nghĩa Đô. Đây là cứ điểm quan trọng duy nhất tiếp giáp với Thủ đô kháng chiến... Từ ngày 10 đến 12/2/1950, Trung đoàn 165 (Liên khu X) được lệnh phối hợp với bộ đội địa phương tấn công Đồn Nghĩa Đô. Tiếp đó, ngày 23/2/1950 quân ta mở đợt tấn công thứ ba vào đồn địch. Thực dân Pháp hoảng loạn, điều ngay 400 lính Âu Phi nhảy dù xuống Nghĩa Đô. Cuộc chiến đấu giáp lá cà giữa bộ đội ta và lính dù Pháp diễn ra ác liệt, hơn 60 tên lính dù phải bỏ mạng dưới chân đồn Nghĩa Đô. Bị thất bại, lính Pháp bí mật rút lui lên Bắc Hà, bộ đội ta truy kích tiêu diệt thêm một số tên ở Đán Đăm (Tân Tiến). Sau chiến thắng Nghĩa Đô, Bác Hồ đã gửi thư khen nhân dân Nghĩa Đô đã hết lòng, hết sức ủng hộ kháng chiến, ủng hộ bộ đội...

Vẫn còn đây, di tích lịch sử chiến thắng Nghĩa Đô ngày đêm vang vọng. Đỉnh đồi Khau A với thành lũy bao bọc như một minh chứng cho lịch sử hào hùng của ngày hôm qua. Vẫn còn đó, hơn 40 ngôi mộ liệt sỹ vô danh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp như nhắc nhở thế hệ hôm nay về sự hy sinh xương máu của cha ông trong quá khứ cho cuộc sống vững bền hôm nay. Hàng ngày, các em học sinh ở Nghĩa Đô vẫn đến khu nghĩa trang để quét dọn, khói hương như là một sự tri ân với những con người đã xả thân vì quê hương bản làng. Nghĩa Đô có một thời như thế, hào hùng, anh dũng và đau thương…

Nghĩa Đô miền đất của văn hóa dân gian !

Hiếm có một miền quê nào như Nghĩa Đô, vốn văn hóa của người Tày nơi đây lại đậm đà và lâu đời đến như vậy. Một lần đến với Nghĩa Đô, hẳn du khách sẽ không sao có thể quên được kho trầm tích đang ẩn sâu trong lòng cuộc sống của người bản Tày nơi đây. Cuộc sống mưu sinh đầy những lo toan vất vả của đồng bào đã  sản sinh ra những câu ca, những phong tục, những món ăn, cái mặc mang đặc trưng riêng của người Tày. Lão nghệ nhân Ma Thanh Sợi, nguyên Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô đã và đang dày công nghiên cứu, tìm tòi, lưu giữ kho tàng văn hóa của Nghĩa Đô. Theo ông Sợi, văn hóa của Nghĩa Đô đa dạng và phong phú lắm. Phải tìm hiểu thật kỹ thì mới thấy điều đó.

Lần theo hành trình không mệt mỏi của ông Sợi trong việc tìm về kho báu của người Tày Nghĩa Đô, chúng tôi nhận thấy, đâu đây, trong đời sống của bản làng người Tày còn in đậm dấu ấn của các hình thức văn hóa khác nhau có từ lâu đời. Nói riêng về tục ngữ mà theo tiếng Tày gọi là câu Cắm tặt thì ở Nghĩa Đô có tới gần 400 câu. Những câu tục ngữ ở Nghĩa Đô mang đậm dấu ấn của tục ngữ Việt Nam và mang đặc trưng rất rõ của văn học truyền miệng. Hiện tại, ông Sợi đã sưu tầm được 18 truyện cổ, 322 câu tục ngữ, các phong tục làm nhà, cưới, sinh đẻ, các món ăn, các loại bánh, tập quán chữa bệnh... Ông dành nhiều công sức nghiên cứu về quê hương Nghĩa Đô với lịch sử ngôi đền, với các ngành nghề truyền thống, dân ca dân vũ. Tập sưu tầm nghiên cứu của ông đã dày tới 2.760 trang chép tay. Điều đó chứng tỏ rằng, mảnh đất Nghĩa Đô trong lịch sử hình thành và phát triển đã tạo dựng cho mình một vốn văn hóa mang đặc trưng của người Tày. Từ thực tiễn cuộc sống, người dân nơi đây đã xây dựng cho mình tài sản quý giá không lẫn với nơi nào.

Vẫn còn đây, những buổi hội bản hội làng, những dịp mừng nhà mới, lễ ăn cơm mới hay cưới hỏi vẫn vang lên những câu hát then Tày ở Nghĩa Đô. Câu then Tày không hề lẫn với then ở Văn Bàn hay then ở Hà Giang. Những câu ca ca ngợi tình yêu, cuộc sống và quê hương như được cất lên từ điệu tâm hồn của người Tày nơi đây.

Vẫn còn đây bộ trang phục cổ truyền của người Tày được chị em phụ nữ mặc trong cuộc sống thường ngày rồi ăn vận trong những ngày lễ hội. Từ chiếc khăn đội đầu đến chiếc áo, váy, yếm rồi những tình tiết thêu thùa trên khăn áo đều mang dáng dấp, suy nghĩ và tâm hồn của người Tày Nghĩa Đô.

Vẫn còn đó ở Nghĩa Đô những ngành nghề truyền thống nh­ư đan lát, dệt mành cọ, dệt thổ cẩm. Theo phong tục của ng­ười Tày, con gái trước khi về nhà chồng phải chuẩn bị chăn, gối để mang theo, nên ngay khi lớn lên, các em gái đều đư­ợc những ng­ười lớn tuổi truyền dạy nghề dệt, từ những đôi bàn tay khéo léo, các em đã làm nên những chiếc chăn, chiếc gối độc đáo.

Cho hôm nay ta hát một bài ca !

Nghĩa Đô hôm nay đang khoác trên mình chiếc áo mới, chiếc áo của ấm no, đoàn kết và tự tin hướng về phía trước. Sau nhiều năm hưởng lợi từ dự án của chương trình 135, đến nay, Nghĩa Đô đã hoàn thành và ra khỏi chương trình này. Kết thúc một chương trình cũng là sự khởi đầu cho những cái mới mẻ ở Nghĩa Đô.

Những hạng mục phục vụ cho dân sinh như điện, đường, trường, trạm đã hoàn thành. Trước đây, đường vào Nghĩa Đô trơn như đổ mỡ thì đến nay, con đường quốc lộ 279 như một mạch máu của đất nước đi xuyên qua trung tâm Nghĩa Đô mang lại thuận lợi cho người dân nơi đây. Đường đi vào bản Đáp, Nà Uất, Nà Mường, bản Ràng…đều được mở rộng, tạo điều kiện tốt cho việc đi lại của nhân dân.

Năm 2007, niềm vui lớn đến với Nghĩa Đô, điện lưới quốc gia đã đưa vào sử dụng, đến nay 100% số thôn bản có điện lưới sử dụng, làm cho cuộc sống nơi đây bừng sáng. Hiện nay, các cấp học ở Nghĩa Đô đã được xây dựng đầy đủ từ mầm non đến THPT. Con em nhân dân đã có điều kiện thuận lợi khi đến trường, được tạo mọi điều kiện để học hành.

Đến năm 2009, tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt 2.950 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 603,6kg/năm; thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/ người/năm, đạt 130% mục tiêu đại hội Đảng bộ xã đề ra. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá duy trì ổn định. Trong sản xuất lâm nghiệp, đã trồng được 402 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 34% (năm 2005) lên 55,8% (năm 2009).

Hạ tầng từng bước phát triển ổn định, đường giao thông mở rộng tới tận thôn bản, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương hàng hoá, 45% số hộ dân có xe máy. Hệ thống kênh mương hoàn chỉnh, đảm bảo tưới tiêu 100% diện tích canh tác hai vụ lúa. Mạng điện lưới quốc gia đã kéo về tận bản, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, sóng truyền hình đã phủ 90% số hộ trong toàn xã; có tới 30% số người, hộ có điện thoại để bàn và điện thoại di động…

Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở được quan tâm đúng mức. Trong 5 năm đã kết nạp được 43 đảng viên mới, chất lượng đảng viên ngày một nâng lên. Năm 2009, Đảng bộ đã biên soạn xong cuốn lịch sử Đảng bộ xã phát hành trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng bộ. Hệ thống chính trị cơ sở được quan tâm, hàng năm qua bình xét đánh giá đều xếp loại tốt, xuất sắc, vững mạnh toàn diện. Riêng Đảng bộ xã 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh (năm 2009 đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu).

Cuộc sống Nghĩa Đô hôm nay đã hoàn toàn đổi thay, diện mạo mới của một vùng quê nghèo trước đây nay đã bước sang trang mới. Có được điều đó là nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo toàn diện của Đảng và nhà nước, sự đoàn kết nhất trí của đồng bào các dân tộc Nghĩa Đô. Và điều đặc biệt quan trọng là vang vọng từ quá khứ, mỗi bước đi của người dân Nghĩa Đô luôn được sự thôi thúc của truyền thống dân tộc. Lịch sử tuy là những gì đã diễn ra hôm qua nhưng nó còn lưu giữ và phát triển biện chứng trong cuộc sống hôm nay và mai sau. Truyền thống đấu tranh hào hùng trong hành trình giữ làng giữ bản đã hun đúc ý chí tiến lên phía trước của người dân Tày Nghĩa Đô ở bất kỳ giai đoạn nào. Kho tàng văn hóa của Nghĩa Đô là điểm tựa cho nhân cách, tâm hồn và bước đi của mỗi con người nơi đây. Hiếm có một vùng quê nào, giá trị văn hóa tinh thần lại phong phú, giàu có và trở thành hành trang cho bước đi của người dân như ở Nghĩa Đô. Và hôm nay, người Nghĩa Đô tự hào, tự tin, vững vàng hướng về phía trước theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng.

Đứng trên đồi Khau A nhìn ra phía xa xa, xung quang lòng chảo Nghĩa Đô là cả một tấm thảm vàng của lúa mùa đang sắp sửa bội thu. Dòng suối Nậm Luông vẫn miệt mài chảy mãi với dòng nước mát lành bao bọc lấy bản làng. Thấp thoáng sau những lùm cây xanh là những mái nhà sàn bình yên chờn vờn khói tỏa. Đâu đó, tiếng hát then cất lên từ bản nào không biết làm cho lòng người xốn xang bồi hồi. Bất giác, chúng tôi bỗng phát hiện ra nụ hoa đào phớt hồng đang chúm chím trên cành cây khẳng khiu trong làn gió lẹ. Phải chăng đó là tín hiệu vẫy gọi của mùa xuân nơi đây.

Nguyễn Thế Lượng





Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất