Thứ Ba, 26/11/2024
Sáng tác
Thứ Sáu, 26/3/2010 7:1'(GMT+7)

Chồng tôi khóc

1. Anh là người đàn ông thứ hai tôi gặp và yêu sau một thời gian trái tim ngủ yên trong mùa đông băng giá. Mối tình đầu chỉ còn là kỷ niệm xa xăm. Những tưởng sẽ không bao giờ còn biết yêu, biết rung động trước một người đàn ông nào khác. Định mệnh hay duyên trời đã khép cuộc đời chúng tôi vào một chiều thu se lạnh, tại vùng trung du bạt ngàn đồi cọ, rừng chè. Anh không như những giọt gió tình ào ạt, sự ân cần, từ tốn và tấm lòng độ lượng của anh đã chinh phục trái tim khép kín nơi tôi. Anh là người bạn, người anh có ý nghĩa lớn trong bước ngoặt cuộc đời một giáo chức. Tôi thực sự hạnh phúc và bình yên khi có anh...

Chưa hẳn là cô gái dễ bảo, nhưng tôi biết chấp nhận yêu cầu của trường Sư phạm Hà Nội về nhận công tác tại trường cấp III, cách thị xã trung du gần cả trăm cây số đường đất. Bình - bạn trai tôi - người phố Cổ Hà Nội, đang công tác tại ngành Ngoại giao phản đối kịch liệt quyết định đó. Anh cho rằng tôi bướng bỉnh, dại khờ và quá lãng mạn khi không tuân thủ sự sắp đặt khôn ngoan của anh. Bình gây cho tôi mọi khó khăn, kể cả việc dùng mẹ để khống chế (vì biết tôi rất nghe và thương mẹ). Anh nói như quát: “Em định chết già ở vùng chó ăn đá gà ăn sỏi à? Em để mẹ lụi hụi một thân một mình hay sao? Sướng không biết đường sướng lại còn lao đầu vào chỗ khổ. Rồi xem em bướng bỉnh đến bao giờ. Yêu em nhưng không bao giờ anh lại rồ dại theo em để dấn thân ở nơi xa xôi hẻo lánh: điện không có, văn hoá nghèo nàn, người dân thì ít học... Có nhất thiết cứ phải chôn vùi tuổi thanh xuân ở đây không? Gia đình xin cưới vào cuối năm nay. Em muốn đi làm, anh chạy cho em chân coi giữ thư viện. Anh muốn em ở nhà trông nom nhà cửa. Buồn thì anh mở cửa hàng cho em ngồi trông, báu gì cái nghề bán cháo phổi, đồng lương còm cõi không đủ hút thuốc vặt...”.

Chúng tôi đã chia đôi ngả rẽ. Con đường tôi đi đã không có Bình. Anh nói yêu tôi nhưng vô tình bỏ qua sắc áo màu hoa tôi thích, không để tâm tới những nghĩ suy, mỏi mong tôi từng ấp ủ. Anh muốn biến tôi thành búp bê dễ thương chỉ để bày trong tủ kính, cách ly khỏi thế giới bên ngoài. Anh thường xuyên vắng nhà với những chuyến công tác nước ngoài dày đặc. Bạn bè và ngay anh luôn cổ suý cho mốt thời thượng là kiếm vợ giáo viên, nghề sạch sẽ, cao quý, có thời gian chăm sóc gia đình lại hiền thục, chung thuỷ…Sự đảm bảo bằng vàng cho một cuộc sống nhung lụa khiến nhiều cô gái mơ ước, ấy thế mà tôi lại dám từ chối. Có nhiều kẻ ác miệng đã gán cho tôi là kẻ ấm đầu, lãng mạn, thiếu thực tế. Tôi đành lặng lẽ ra ga, không có ai đưa tiễn. Bình “cấm vận” tất cả những mối quan hệ. Anh nghĩ một người con gái liễu yếu đào thơ như tôi làm sao có thể trụ được ở cái xứ sở anh cho là khỉ ho cò gáy.

Những ngày đầu, bao đêm tôi khóc. Phần vì nỗi nhớ mẹ, phần bị hẫng hụt, thất vọng với người mình trót gửi niềm tin. Thế mới biết sự đổ vỡ niềm tin thật khủng khiếp. Vẳng bên tai câu “Mất tiền là chưa mất gì, mất tình yêu là mất một nửa, mất niềm tin nghĩa là mất hết”. Tình yêu, niềm tin, mong ước cứ dần dần tuột khỏi. Tôi chới với...

Xuống tàu, ngồi vật bên một đống hành lý lỉnh kỉnh. Đứng lên định gọi xe thồ, đầu choáng váng, mắt hoa lên, mồ hôi tháo ra như tắm, mặt nóng bừng... Cựa mình, toàn thân đau nhức, đầu óc ngất ngư, ong ong, vảng vất như đang trên tàu. Nhìn quanh, mọi thứ đều xa lạ. Mình đang ở đâu thế này, ai đưa mình vào đây, hành lý đâu rồi, giấy tờ nhận công tác? Tôi hoảng hốt vụt dậy, ngơ ngác... Một người đàn ông cao lớn cầm trên tay cốc nước đứng trước mặt. Hoảng hốt, lùi sâu vào góc giường, thoáng tưởng tượng những điều khủng khiếp. Như đoán được ý nghĩ chợt đến ấy, anh dừng lại giải thích: “ Trưa nay, chị bị cảm và ngất đi ở sân ga. Tôi đi cùng chuyến tàu với chị. Rất may cơ quan ở gần ga, tôi đã nhờ xe đưa chị về trạm xá của cơ quan sơ cứu tạm thời và đưa chị nghỉ tạm ở đây. Chờ mãi bây giờ chị mới tỉnh”. Thở phào. Chẳng kịp cất lời cám ơn, tôi thảng thốt: “Thế hành lý của tôi?”. “Chị yên tâm! Tôi đã cất cẩn thận rồi”.

Chừng để tôi yên tâm, anh khệ nệ bê đống đồ đạc đặt trước mặt tôi. Anh bước đến gần hơn và đưa cốc nước cam: “Chị uống đi cho đỡ mệt. Tôi pha từ nãy chờ chị tỉnh lại”. Uống xong cốc nước, người dịu lại, đầu óc tỉnh táo dần. “Anh cất đi giùm tôi”- tôi đưa trả anh chiếc cốc. Lúc này, tôi mới quan sát. Căn phòng nhỏ ngăn nắp, gọn ghẽ. Chiếm diện tích lớn là tủ sách đặt bên cạnh chiếc bàn nhỏ. Những cuốn sách văn học sờn gáy, sỉn màu hẳn đã có "thâm niên". Như đoán được điều tôi đang nghĩ, anh nói: “Đây là...”.Nhà của cơ quan bố trí cho tôi chị ạ. Còn tuềnh toàng. Đàn ông chúng tôi vụng lắm, nên...”. Vừa nói, anh đi lại bàn sách sắp sắp xếp xếp lại vài thứ giấy tờ và ngồi xuống ghế. “Tôi công tác trong ngành bưu điện, cơ quan ở ngay cạnh đây”. Quay sang, thấy tôi chăm chắm nhìn vào giá sách, anh bối rối lật giở vài trang, rồi lại đặt lên giá: “Tôi là dân kỹ thuật những cũng mê văn chương lắm. Ông mất, tôi là đứa cháu duy nhất được trao lại toàn bộ gia tài này. Dự định viết, nhưng bận quá, tôi vẫn chưa thực hiện được. Lúc nào tôi cũng có cảm giác mắc nợ mảnh đất đã cưu mang, che chở tôi và đồng đội tôi…Mà chị đi đâu có một mình, lại nhiều đồ đạc thế? Nghe giọng nói, hình như chị không phải người vùng này?”

...Tôi vững vàng, lấy lại được niềm tin cũng nhờ anh. Anh chờ đợi trái tim tôi nóng lại khát vọng yêu. Anh là người đồng hương Kinh Bắc. Sau khi miền Nam giải phóng, anh được lệnh trở về trường tiếp tục học tập. Tốt nghiệp thủ khoa, anh trong danh sách đầu tiên được giữ lại trường. Lẽ ra vậy. Nhưng một hôm tổ chức gọi anh lên huấn thị: “Anh đủ tiêu chuẩn giữ lại trường, chuẩn bị ra nước ngoài đào tạo tiếp, nhưng chỉ có một suất, là đảng viên, là quân nhân anh phải gương mẫu...”. Cũng như tôi, anh nghiêm túc nhận lệnh của tổ chức. Còn chỗ lẽ ra của anh, chỉ sau khi anh nhận quyết định ít hôm đã có con vị cán bộ cao cấp thế chỗ. Nghe nói anh ta học rất xoàng,..

Quyết định neo đậu trong cuộc đời anh, tôi không ân hận về sự lựa chọn. Chúng tôi đã có nhau, bên nhau những năm tháng xiết bao hạnh phúc. Cuộc sống luôn mỉm cười từ khi có anh. Anh vẫn bảo tôi ở đâu có tình yêu thì nơi ấy đạt đựơc sự phi thường. Những bài giảng của tôi thấm đẫm cả hồn anh trong đó. Anh như người thầy nghiêm khắc với cô trò nhỏ và vui mừng trước những tiến bộ của tôi. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua của tôi đều có công của anh. Rồi cả hai chúng tôi được điều chuyển về thành phố. Tôi mãn nguyện trước hạnh phúc và yên ổn bên anh... nếu như, nếu như không có chuyện bất ngờ ấy...

2. Tôi tranh thủ xem lại giáo án trong giờ trống. Cô văn thư đưa cho tôi lá thư. Giật mình. Tai nóng ran. Linh tính mách bảo như có gì không ổn. Lâu nay, tôi không có thói quen viết thư. Vả lại, có viết cho ai đâu mà mong nhận. Gia đình ở gần, bạn bè đã có điện thoại. Lướt qua phong bì, chợt nghĩ bưu điện chuyển nhầm. Trường hợp trùng tên có gì lạ. Người nhận đúng tên tôi, chính xác đến tổ bộ môn, nhưng chỉ thiếu họ. Khó khăn lắm tôi mới lôi được bức thư dính chặt vào phong bì. Một bức ảnh rơi ra. Cầm lên, tôi giật mình. Một cậu bé chạc 16-17 tuổi khôi ngô, nét mặt thanh tú, đặc biệt có đôi mi mắt dài, cong giống con gái tôi. Lướt qua vài dòng, đầu óc tôi vẫn lú loá. Cố trấn tĩnh, đọc đi đọc lại, tôi lờ mờ bán tin, bán nghi. Tôi không dám tin, không thể có sự thật phũ phàng ấy: chồng tôi có con riêng...

Cả Hội đồng giáo dục nắc nỏm khen tôi có số sướng. Thầy Kiên gật gù tán thưởng "Kiểu người mỏng mày hay hạt, nét mặt ngời sáng, có dáng đi quý phái, chậm chãi; răng trắng muốt đều tăm tắp kèm thêm chiếc“mầm giềng” khiến cho miệng cười tươi như hoa thường là dáng của các quý phu nhân tôn quý". Hoa cùng tổ chuyên môn ngắm miết bàn tay của tôi phán như một ông thầy xem tướng số: “Bàn tay tiết lộ số phận. Cuộc đời cậu hiện hết ra bàn tay rồi. Nhìn bàn tay cậu ai cũng phải mê, bọn chúng mình đều muốn giấu quách bàn tay đen đúa của mình. Hèn chi mà thời sinh viên cậu có nhiều đối tượng dòm nom đến vậy. Nhưng cậu cũng lại là người đặc biệt, tiết kiệm tình yêu quá. Dại thật, phải cho tụi đàn ông chúng biết thế nào là đau khổ chứ?”. Thanh đang chấm bài cũng góp thêm chuyện: “Dại thật. Được như cậu, mình cho bọn đàn ông cứ gọi là gẫy ngoe, què cánh, khối anh chết, nhiều anh bị thương, vô số anh lóp ngóp xin nàng ban cho nụ cười duyên”. “Thôi đi các cậu chỉ khéo tán dóc”- Tôi quay quảy đứng dậy. Thế mà Hoa vẫn chưa chịu buông: “Mình biết cậu không chịu cho bàn tay yên, nào là đan lát, thêu thùa, may vá, rồi trồng rau, nuôi lợn. Thế mà bàn tay hay lảm hay làm ấy cứ mát rười rười, mềm như bún, từng ngón thon dài...”.

Ngượng quá, không biết giấu bàn tay đi đâu. Lần đầu trong tay nhau, Đức Phúc ngắm miết, nâng niu và ấp bàn tay vào ngực mình. Không dám nghĩ bàn tay đoán định được số phận. Ngẫm lại, cho đến thời điểm này, mình khá yên ổn và hạnh phúc bên cạnh chồng - một kỹ sư ngành bưu chính viễn thông và hai đứa con gái đẹp như tranh vẽ, học giỏi, ngoan ngoãn luôn làm mát mặt bố mẹ. Anh là người hiểu biết, tôn trọng việc làm và cả những suy nghĩ của tôi. Gần 15 năm chung sống, tôi luôn mãn nguyện, ấm áp khi có anh. Vắng anh chỉ ít ngày mà tôi đã cảm giác sự trống chếnh, hẫng hụt, thiêu thiếu. Bạn bè ngạc nhiên đến mức khó tưởng tượng sau bấy nhiêu năm gần nhau mà vẫn giữ được tâm thế như thời mới yêu - cái thời “đau răng trong trái tim”. Chưa bao giờ anh làm tôi buồn rầu, lo lắng. Minh Hằng - cô bạn gái thời sinh viên đã bỏ nghề dạy theo nghề báo tuyên ngôn xanh rờn “Đàn bà chỉ hạnh phúc khi có một ông chồng tuyệt vời. Anh ấy là quý nhân của cậu đấy”. Chưa hẳn tin lời của bạn bè, nhưng đến giờ phút này, tôi luôn cảm thấy an lòng, hạnh phúc khi bên anh. Duyên trời đã khéo sắp đặt, mang anh tới và ban tặng 2 thiên thần đáng yêu.

...Chỉ trước đó ít phút, tôi nhận được bao lời tán dương: số sướng, có quý nhân phù trợ...Thế mà... Mắt hoa đi, đầu óc quay cuồng, chân tay run rẩy, trước mắt tôi một đám mây đen vây bọc, tôi ngã gục xuống bàn khóc nức nở (đã lâu lắm rồi tôi mới khóc), nước mắt đẫm nhoà dòng chữ nguệch ngoạc của người phụ nữ chưa biết mặt, nhưng duyên kiếp trời định như đã ngầm gắn số phận cùng tôi. Chới với, uất hận, đau xót với cảm giác của người bị lừa; căm thù người đàn bà kia; giận người chồng yêu quý bội phản, lọc lừa. Chưa bao giờ tôi có cảm giác căm giận đến vậy. Tôi vò nát bức thư trong tay, ném tọt vào sọt rác như muốn bóp vụn, quăng quật người đàn bà xa lạ kia cho hả. Đi ra, đi vào, quay phải, quay trái, tiến trước, lùi sau. Nhặt lại cục giấy bị vò, vuốt lại. Tôi đưa ra những khả năng khác để biện minh cho anh, gỡ rối cho tôi “Không thể thế được. Ai đó nhầm chăng. Chồng tôi là một người đàn ông tuyệt vời nhất mà cuộc đời đã ban tặng. Không có chuyện đó. Anh yêu vợ con nhất. Tôi rất hiểu anh mà...”. Tiếng trống trường làm tôi thót tim. Trái tim rỉ máu như có ai bóp nghẹt. Thẫn thờ như kẻ mộng du, tôi đổ vật xuống khi vừa bước vào phòng y tế. Mọi người xúm lại lo lắng, tôi cố giấu. Ra nhà xe, chân run run muốn ngã khuỵu. Chếnh choáng, đau tức đến nghẹt thở. Bước chân vô định, loanh quanh mấy dãy phố mà không biết đi đâu... Bác hàng xóm mang cốc nước chanh sang, tôi mới hay mình ngã ra đường, may mà ôtô tránh kịp, chỉ xây xước nhẹ. Các con đi học chưa về, anh đi công tác TP Hồ Chí Minh đã hơn tuần, căn phòng bỗng rộng ra. Tôi rơi vào cảm giác cô đơn, hẫng hụt như người vừa bị lừa đánh cắp thứ quý giá nhất. Uống xong cốc nước mát, tôi mới trấn tĩnh đọc tiếp bức thư “Dù chưa biết tuổi chị, nhưng cho phép em được gọi chị là chị. Em có lỗi với chị và các cháu khi viết lá thư này. Lẽ ra em không nên, không nên một chút nào cho chị biết tin này. Em hiểu được trái tim đàn bà. Chị muốn trừng phạt em thế nào cũng được, nhưng chị ơi! bệnh tật đã không cho em được sống. Như thế là em đã bị trừng phạt rồi. Quả thật, em vẫn định lặng lẽ, ở vậy nuôi con mà không bao giờ cho ai biết về điều bí mật đã cất giữ gần hai mươi năm qua. Chị hãy tin em. Con chim sắp chết cất tiếng kêu thương, con người sắp chết thường nói lời phải. Em không muốn làm xáo trộn sự yên ổn, hạnh phúc của anh chị nếu như... nếu như trời thương tình cho em được sống, cho con em không thêm một lần nữa mồ côi. Em đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, sự sống với em chỉ còn tính được bằng tháng, bằng ngày. Điều đáng sợ không phải là cái chết. Vì ai trong đời cũng một lần phải chết. Nhưng cái chết làm em sợ bởi con em không có nơi bấu víu nương tựa. Cháu đã bước sang tuổi 18, chỉ còn mấy tháng nữa tốt nghiệp phổ thông, thi đại học. Chị ơi! Em là đứa trẻ mồ côi duy nhất sống sót một trận càn. Trận càn đó, em nhận nhiệm vụ đưa cán bộ về cứ. Trở về, mọi cái đã hoang tà. Em không còn thiết sống khi không còn ai thân thích. Chính lúc đó em đã gặp anh. Anh rất hay kể về quê hương Kinh Bắc và hát cho em nghe nhiều bài quan họ“Người ở dừng về”, “Bèo dạt mây trôi”... Chị đừng trách anh mà tội nghiệp, anh hổng có lỗi chi cả. Lỗi là ở em. Cuộc chiến tranh tàn khốc lắm. Sự sống cái chết chỉ trong gang tấc. Nó đến bất cứ lúc nào. Dễ lắm. Chúng em không dám chắc cái gì ở phía trước. Anh bị thương. Bọn giặc quây dữ qua, suốt mấy tháng ròng anh phải nằm hầm bí mật. Đã vậy, cơn sốt hành hạ không dứt. Người anh xanh rớt, tóc trút từng mảng, chân đi xiêu vẹo, duy có đôi mắt với cặp mi cong vút lúc nào cũng luôn cười. Em có hạnh phúc được chăm sóc, được gần anh và chẳng biết tự khi nào trái tim em đã thổn thức vì thương. Em tình nguyện dâng hiến đời người con gái mà không dám mong anh đoái thương... Một lần trong đời thoả mãn cơn khát cháy của đàn bà tích lại nguồn năng lượng tình yêu đủ nuôi sống một đời. Em thầm ao ước, sau chiến tranh được gặp anh. Đơn vị anh nhận lệnh chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Đơn vị đi gấp, em không về kịp, nhưng trái tim em đã găm sâu hình bóng ấy. Lặng thầm giấu một cái tên, một tấm hình nhỏ xíu để làm giàu thêm kho báu tình yêu cho mình. Em khóc bao ngày ròng vì nhớ, vì thương. Em đã nặng lòng yêu, nặng lòng nhớ, nhớ khủng khiếp - một mối tình đơn phương. Cuộc đời không cho em người em hằng yêu quý, nhưng lại tặng em một giọt máu hồng sinh nở mà em đã chủ động đánh cắp, bất chấp tất cả: đạn bom, sống chết, kỳ thị, đàm tiếu, tiết trinh đàn bà…Chị đừng cho em là người đàn bà trắc nết. Dâng hiến tiết trinh và chấp nhận sự phỉ báng của người đời. Em mang giọt máu của anh vào rừng mai danh ẩn tích…Em trở dạ cháu khi chưa kịp tìm lết đến buôn của người Thượng. Hai mẹ con loay hoay, gắng gượng, kiệt sức… trước lưỡi hái tử thần. Giữa lúc ấy mẹ con em gặp đơn vị bộ đội. Cháu sinh vào đúng ngày 30-4. Rồi em nhờ đơn vị hỏi giùm tin tức và nghe tin anh hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn trước vài giờ cả dân tộc hân hoan chiến thắng. Em như hoá đá. Ở vậy nuôi con, mặc vài đối tượng dòm nom. Em truyền thần lại tấm hình ảnh, lặng lẽ đặt lên bàn thờ, lặng lẽ nuôi con trong sự đàm tiếu của người đời. Em lấy tên anh đặt cho con và mang họ em. Hai mẹ con em sống cực lắm chị ơi. Bằng cấp chẳng có, lại khoác một lý lịch lem luốc: đảo ngũ, chửa hoang. Chẳng xin được việc, em đành làm thuê, làm mướn qua ngày nuôi con. Cháu là tất cả cuộc đời còn đoái thương đến em. Em hay ru con ngủ bằng bài dân ca ảnh đã hát tặng và đến khi Đức Phúc lớn lên thuộc làu những bài hát đó. Lục tìm miền ký ức xa xăm, tuy ít ỏi, sáng tạo thêm tình tiết mới để kể con nghe về cha. Con rất tự hào về cha. Cháu khoẻ mạnh lớn lên như củ khoai củ sắn, ngoan ngoãn, thương mẹ. Nhiều lần, con ao ước được ra Bắc thăm nội, đi tìm mộ ba. Thương con, em liều hứa: Chừng nào con thi đỗ, mẹ sẽ kiếm tiền tàu đưa con ra Bắc tìm nội. Đức Phúc sống trong âm hưởng của điệu dân ca ngọt ngào, trong niềm tin và hy vọng. Con thích nghe giọng Bắc. Thấy ai nói giọng Bắc con lân la làm quen, vè nhà tập giọng Bắc và đi dò tin ba Phúc. Em biết con mong mỏi có cha, có bà con nội tộc. Chị em mình là đàn bà, có những nỗi sướng khổ, sức chịu đựng giống nhau. Em rất hiểu khi chị nghe điều bí mật này. Một lần nữa em xin được tạ lỗi trước chị. Em tin nên gửi thư này mong chị nhận trước và hiểu cho em. Thời gian không còn nhiều. Quyết định là ở chị. Chị nhận tin này từ anh, khó hơn từ em. Em không muốn mang khó lại cho ai, nhưng lại đặt chị vào điều kiện không dễ dàng. Có thể chị sẽ nghĩ ảnh giấu chị liên lạc với mẹ con em. Không đâu. Thật là trời cũng thương mẹ con em. Con nhận phần thưởng học sinh giỏi, trong đó có cuốn tiểu thuyết của anh viết về quê hương em. Những chi tiết trong truyện là điều bí mật chỉ anh và em biết. Con thắc mắc sao ông nhà văn ni lại giống ba mình, tên hệt ba thế. Em choáng váng khi nhận ra anh qua tấm hình và lời giới thiệu. Chị có biết cảm giác của em lúc đó: buồn vui lẫn lộn, tự hào, nuối tiếc, yêu thương, mong nhớ... Nhưng em tự dằn lòng mình, không được làm khó nếu như anh sống đang yên ổn, hạnh phúc. Giấu một tin vui rất lớn với con khi ba Phúc còn sống, đang trở thành người nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết đậm chất nhân văn về một thời chiến trận hào hùng. Nếu như không có căn bệnh hiểm nghèo này thì suốt đời em biết vậy, dõi theo anh, một mình nuôi con và sống cho thật tốt. Em nhờ người ở Hội Văn nghệ tỉnh tìm thông tin về nhà văn, xác nhận lại sự thực. Em chực oà khóc khi người ta cho biết sau khi ra Bắc học, anh đã về quê em. Nhiều ngày tháng dò la, nhưng anh không biết nơi mô tìm. Em cứ ngỡ anh đã quên. Nhưng những kỷ niệm tưởng như thoáng qua ấy khiến anh nặng lòng, muốn đáp nghĩa với mảnh đất đã cưu mang, đùm bọc, che chở mình bằng cuốn tiểu thuyết về một thời trận mạc. Em rất xúc động khi biết chuyện đó. Một lần, em đã liều gọi điện cho chị, nhưng lại gặp anh. Giọng em lạc đi. Cố trấn tĩnh, em giả là bạn của chị để hỏi thăm và biết nơi chị làm việc. Em đã tin chị và quyết định nói rõ sự thật với chị. Em tin vì chị là cô giáo, lại là cô giáo dạy văn sẽ có tính thương người. Em tin chị không nỡ vô tình với một người đàn bà đang cất tiếng kêu cứu như em. Chị ơi! Em gửi con lại cho chị, gửi lại giọt máu cho quê hương, gửi cho chị niềm tin của chính cuộc đời em. Cháu sẽ mất mẹ nhưng sẽ còn cha mẹ ngoài đó. Thế là con em không chịu cảnh mồ côi. Con là con của chị. Chị thương em hãy nhận con giùm em. Như thế em ra đi sẽ rất mãn nguyện...”.

Tôi không khóc nổi. Có khối chì đông cứng chẹn ngang cổ họng. Nước mắt lặn vào tim. Đau. Đau quá. Đau kinh khủng. Đau nghẹt thở. Tôi đấm vào ngực thùm thụp. Càng đau hơn. Nấc khan. Nuốt không được. Không ai xoa dịu được cơn đau. Trái tim loạn nhịp, rỉ máu. Xót như muối. Lặng di một hồi, những ý nghĩ vẩn vơ. Tôi biết anh khát khao có thằng con trai. Anh là con một. Dòng họ của anh ba đời nay chỉ có một con trai (độc đinh). Bố mẹ anh mong có thằng cháu đích tôn. Một vài lần mẹ anh mát mẻ xa xôi rằng nhà ít phúc, nên dòng tộc bị đứt, không có người nối dõi tông đường. Tôi có lỗi sao khi không sinh cho anh, dòng họ một đứa con trai? Thương tôi, anh cố gắng bình thường hóa “Em cứ nghĩ vớ vẩn. Trai mà chi, gái mà chi. Sống sao có nghĩa, có nghì thì nên”. Trời đã không cho tôi cái mà người đàn bà kia vội vàng đánh cắp được. Số sướng, có quý nhân phù trợ ư? Tôi đã làm gì nên tội để trời trừng phạt? Có phải đây là sự sắp đặt nghiệt ngã. Ông trời vốn rất công bằng, không cho ai hết và cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. Một “hạt mầm” đã không “nảy” trong tôi. Tôi thầm ghen với người đàn bà kia. Con gái tôi sẽ lấy chồng, chúng không được hưởng quyền lợi gì ư? Mẹ nó bảo gửi giọt máu cho quê hương, dòng họ, còn con tôi thì sao? Nó là cái rơm, cái rác chắc? Thằng bé kia ở đẩu ở đâu lại về nhà tôi ư? Mọi người sẽ nghĩ gì, lại bao lời đàm tiếu, đồn thổi... Tôi lại ngã khuỵu xuống. Người tôi nóng ran, lúc nóng toát, khi lạnh bao nhiêu chăn đắp không đủ, lúc như điện giật, khi như kim đâm. Các con hớt hải dìu tôi vào, đứa lấy nước, lấy khăn, đi gọi bác sỹ. Hơn một tuần, tôi vẫn như người mất hồn, lặng lẽ giấu điều bí mật, thấm thía nỗi đau của người đàn bà có cảm giác bị phụ bạc, bị đánh cắp đến trắng tay. Anh về, nghe nói vợ ốm đã lao ngay đến giường. Nhìn đôi mắt vô hồn, thẫn thờ, hoảng loạn, anh tưởng tôi mắc bệnh thần kinh. Tôi quyết định giữ chặt điều bí mật, mặc dù trước đó tôi định nói ra cho bõ tức, những ẩn ức, sẽ gầm gào lên, đập phá, bóp vụn cho hả giận... Nhưng khi anh ở bên, tôi không nỡ, không đủ can đảm... Tĩnh tâm lại, cố gắng lắm tôi mới nghĩ khác để biện minh cho anh. Anh có lỗi gì? Chiến tranh, chiến tranh, mọi cái đều có thể...

Bên tôi, anh tận tâm và ngơ ngác đến tội nghiệp. Xưa nay, chúng tôi ít có điều gì phải giấu nhau. Chị nói đúng. Tôi không thể không ghen. Tôi là đàn bà. Đàn bà có những nỗi niềm, chịu đựng, hy sinh chẳng khác nhau là mấy. Đàn bà trong cuộc đời người đàn ông muốn độc quyền trọn vẹn. Đã bao đêm tôi thức dậy ngắm anh trong giấc ngủ để rồi lại vật vã, đau đớn một mình. Nỗi đau vò xé, khắc khoải không yên. Anh nghỉ phép ở nhà mà không hết lo lắng. Anh bỏ chuyến đi công tác ở Mỹ để chăm sóc tôi và các con. Anh nằng nặc bắt tôi đi khám, đưa bác sĩ đến thăm bệnh. Tâm bệnh -Anh băn khoăn trước chẩn đoán của bác sĩ. Giá nói ra được cho lòng mình nhẹ nhõm hơn...

Mấy tháng nay tôi vẫn luôn sống trong cảm giác bị giằng xé. Không một ai biết chuyện này. Điều bí mật tôi vẫn giữ cùng người đàn bà kia. Tôi có thể im lặng. Bức thư kia chỉ là sự vu khống, bịa đặt. Tôi khước từ lời cầu cứu. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy đến. Anh mãi mãi yên ổn bên tôi. Không ai cướp Đức Phúc của tôi được... Có thể đó là sự thật. Một phút mềm lòng, giây phút bản năng giữa sự sống, cái chết kề cận gang tấc. Người phụ nữ ấy khao khát được yêu. Chiến tranh liên miên chưa biết ngày kết thúc. Sống. Chết. Ranh giới mỏng manh. Chị ấy triền miên trong cô đơn. Ao ước trong đời có một lần, dù chỉ một lần được bàn tay người đàn ông xoa dịu nỗi thèm khát. Được trở thành đàn bà đích thực. Chị ấy chủ động. Sự chủ động và quyến rũ của đàn bà... Khó mà từ chối. Đàn ông chứ đâu phải gỗ đá. Tuổi trẻ, đam mê hừng hực, cháy bỏng. Sẽ không lạ điều ấy xảy ra. Cố gắng vượt khỏi mình, tôi mới nghĩ thoáng được vậy. Thế mà vẫn chưa thanh thản. Cả anh và người đàn bà kia có lỗi không? Chiến tranh. Cứ đổ lỗi cho chiến tranh đi, sẽ thấy lòng bớt trĩu nặng...

Tôi chờ đợi thư chị. Một tháng, hai tháng, ba tháng.... Có thể tự trọng, chị ấy không dám đề nghị khi chưa thấy phản hồi của tôi. Chị ấy và thằng con của chị, con của chồng tôi, anh của hai con gái tôi đang cầu cứu, trông chờ vào sự độ lượng của tôi. Có hèn nhát không khi tôi im lặng, vô tình trước lời khẩn cầu của một người đàn bà, sự sống đang đếm từng ngày, đau đớn phải xa con trong khi nó không nơi bấu víu? Tôi thực sự sốt ruột. Đức Phúc sắp thi tốt nghiệp.

Mọi dự định tôi không cho anh biết. Nhân anh đi công tác, tôi xin nghỉ coi thi, nhưng nói dối đi giám sát thi ở miền Trung, nhờ mẹ sang trông nhà. Chuyến tàu gặp bão. Bão đến sớm. Miền Trung oằn mình trong bão. Đất đá sạt lở. Chuyến tàu trễ vì nhiều đoạn đường sự cố, khắc phục chưa kịp. Ruột gan như có lửa đốt. Tôi vẫn mắc kẹt ở giữa đường trong khi ngày mai bắt đầu ngày thi đầu tiên. Tôi bỏ tàu, tăng bo từng chuyến... và kịp đến vào đúng trống lệnh thi môn văn. Tôi chạy như bay vào căn nhà tuyềnh toàng của hai mẹ con nằm nép mình dưới rặng phi lao. Dấu tích một trận bão còn in hình trong căn lều ọp ẹp. Thằng bé từ ngoài cổng ập vào. Tôi nhận ra nó. Phúc là bản sao của anh khi tôi gặp hơn 15 năm trước. Nó lén nhìn tôi ngơ ngác. Biết tôi từ Bắc vào, nó sung sướng ôm chặt tôi, nước mắt đẫm ướt vạt áo “O ơi! sao bây giờ 0 mới tới. Má con hổng qua nổi o ơi”. Ôm giọt máu của anh vào lòng, một cảm giác trong tôi thật lạ. Vừa xa xôi, bí ẩn, lại vừa gần gũi, thân thương... Nhìn thằng bé mếu máo, tôi không kìm nổi. Tức tưởi. Mình mắc tội với mẹ con chị. Lẽ ra, tôi phải quyết định sớm hơn. Lau nước mắt cho Phúc “Con ơi! Cô vào lo thu xếp đón hai má con ra thăm ông bà đây. Nhưng đến giờ thi rồi, cô và con chào má rồi phải đến trường ngay”. Thằng bé nấc lên “ không kịp rồi o ơi. Má con đang đau... Đau lắm! Má không nói được...”.

Tôi theo thằng bé vào nhà. Người đàn bà khốn khổ đang hấp hối. Chị linh cảm người đến là tôi - rúm ró, run lên bần bật, đau đớn, tràn trào nước mắt. Tôi trở thành vị cứu tinh. Thằng bé lén nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ hoe. Tôi kéo thằng bé lại phía mình. Đã quá giờ thi, nó cứ quanh quất bên mẹ. Chị nấc lên từng hồi và ú ớ chỉ đồng hồ rồi nhìn Đức Phúc. Tôi hiểu ngôn ngữ từ đôi mắt đờ dẫn của chị, đỡ con dậy “Muộn giờ đi thi rồi con ơi! Nghe cô đi con. Nếu con không thi má không vui đâu”. Đôi mắt chị rực sáng chừng như tôi đã dò đúng kênh của chị. Nó chạy lại áp má vào mẹ “Phúc nghe o, nghe má đi thi. Má ráng chờ Phúc đi thi về nghen má? Phúc sẽ thi tốt má ơi”. Đôi môi chị khẽ mấp máy, một gịot nước mắt lăn nhanh trên má.

Mải miết đưa Đức Phúc đến trường. Khó khăn lắm khi nghe trình bày và lời cầu xin trong nước mắt của tôi, Hội đồng thi đặc cách cho cháu vào phòng thi riêng (đề thi đã bóc). Tôi đôn đáo trở về bên chị. Chị run rẩy ra hiệu cho tôi lấy từ dưới gối một bọc nhỏ. Chị muốn gửi lại cho tôi như một niềm tin cứu cánh. Tôi mở ra. Trong đó có một ít tiền, một chiếc ảnh khi anh nhập ngũ, một số giấy tờ quan trọng. Chị vật vã, đau đớn như đang đấu tranh quyết liệt trước lưỡi hái tử thần. Bà chị họ kéo tôi ra ngoài “Chắc chị ấy không qua nổi để chờ con về mô. Nhưng hình như còn điều gì đó thì phải. Chị nói chi cho chị ấy yên lòng đi”. Trở vào, chị nhìn tôi trân trân, như muốn nói điều gì hệ trọng. Tôi rất hiểu điều day dứt trong chị, cầm bàn tay chị hồi lâu, tôi thì thầm “Đức Phúc ngoan lắm, con sẽ thi tốt. Em hứa với chị...”. Không đợi tôi nói hết câu, người đàn bà nấc lên, đôi bàn tay yếu ớt chới với chút sinh lực cuối cùng, dướn cong người lên, đổ phịch, buông thõng. Đôi mắt không chịu khép, lăn chầm chậm giọt nước. Trên khuôn mặt ấy sáng lên tia nắng rớt lại trong ráng chiều. Khuôn mặt khắc khổ ánh lên lên nét thanh thản, mãn nguyện. Tôi đặt cánh tay lên giường và vuốt mắt cho chị...

Trở lại trường đón con. Thằng bé đang thi môn văn. Con có dự cảm điều gì không? Hình ảnh vật vã cuối cùng của chị ám ảnh tôi không yên. Em không phải người đàn bà cao thượng như chị đã nghĩ, nhưng em sẽ thay chị chăm sóc con, chăm sóc hòn máu của anh... Tự nhiên, nước mắt chảy giàn giụa. Tôi khóc đang khóc cho ai: cho chị, cho anh hay cho mình? Đức Phúc ra sớm, nét mặt rầu rầu. Tôi chạy lại ôm con “Con làm bài thế nào? Sao ra sớm thế! Còn hai mươi phút nữa mà”. Nó không trả lời. Đứng như trời trồng. Im lặng. Không biết phải bắt đầu với con thế nào. Linh tính mách bảo, đi được vài bước nó quay nhanh sang tôi, ráo hoảnh “Má con đi rồi phải không o?”. Tôi chưa kịp định hình. Nó vụt chạy. Tôi chạy theo đến nghẹt thở, đôi chân líu díu, khựng lại. Phủ phục bên thi hài mẹ, thằng bé oà khóc tức tưởi. Con cứ khóc đi. Nước mắt sẽ dần xoa dịu nỗi đau của con người và tôn lên yêu thương. Ôm con vào lòng. Hai thực thể xa lạ gắn kết. Lúc đó, nhìn chị, trên môi còn vương một nụ cười - nụ cười của một người phụ nữ đã mãn nguyện ra đi, nhưng nơi khoé mắt vẫn còn đậu lại giọt nước mắt hiếm hoi, sót lại như giọt nhựa dù lìa khỏi thân cây, vẫn cố bám đậu. Chỉ có tôi mới hiểu lòng người mẹ trong nét rạng ngời đó. Thằng bé ngoan ngoãn thương mẹ, nghe tôi thi tiếp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

3. Lúc này, tôi mới gọi điện gấp cho anh. Anh đã kịp đến nghĩa trang vào giờ phút cuối của người đàn bà xấu số, mà dấu ấn của một thời tuổi trẻ, chiến tranh, bom đạn, sống chết... có thể đã ẩn sâu trong tiềm thức xa xăm. Miền ký ức trở lại. Cái thời 20 nông nổi, dại khờ, đam mê, thăng hoa của những người lính tài hoa ra trận...Anh ngạc nhiên, sửng sốt, run rẩy... Ôm chặt tôi và thằng bé vào lòng, anh tràn trào nước mắt. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh khóc...

                                                                                                   Lê Thị Bích Hồng



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất