Thứ Bảy, 21/9/2024
Sáng tác
Thứ Năm, 23/9/2010 11:30'(GMT+7)

Nam bộ kháng chiến và ngày chúng tôi lên đường

Nam Bộ Kháng chiến

Nam Bộ Kháng chiến

Sáng 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp được quân Anh giúp sức đã bất ngờ nổ súng đánh chiếm một số công sở của ta ở thành phố Sài Gòn. Lập tức, các đơn vị tự vệ, thanh niên xung phong đã chiến đấu đánh trả quyết liệt, ngăn chặn bước tiến của quân thù.

Những tháng cuối năm 1945 và đầu năm 1946, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã khẩn trương chi viện cho Nam Bộ kháng chiến. Đồng thời, Kiều bào ta ở Thái-Lan, Campuchia, Lào cũng tổ chức các chi đội hải ngoại về Nam Bộ chiến đấu.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đã ngăn chặn sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chín năm gian khổ mà oanh liệt.

Trong không khí sục sôi kỷ niệm sự kiện lịch sử ngày Nam Bộ kháng chiến, 38 năm trước cũng vào ngày 23 tháng 9 năm 1972, hơn 300 sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội đang sơ tán về Hà Bắc đã " Xếp bút nghiên theo việc đao cung" ( Chinh phụ ngâm)

Ngày ấy chúng tôi ra đi mà chẳng ai kịp về chia tay gia đình, người thân. Vì thế những người thân yêu nhất tiễn đưa chúng tôi ra đi chỉ là những người bạn cùng lớp. Trong sinh hoạt học tập, chúng tôi vẫn chía sẻ cùng nhau. Vẫn cùng nhau đói no, ấm lạnh. Tuy vậy vẫn không tránh khỏi có lúc bất bình với nhau. Nhưng từ ngày 20 tháng 9 những người nhận lệnh lên đường được người ở lại dành cho những tình cảm quý mến nhất.

Lúc tiễn đưa, cả lớp chúng tôi ôm nhau khóc và cùng hát trong nước mắt bài ca tình bạn :

"Đàn thân yêu dạo khúc ca xưa êm đềm.

Lòng ta còn nhớ năm nào thời niên thiếu cười đùa.

Dưới nắng xuân, chiếc phi cơ đang lượn bay

vượt qua làn mây mà tới phương trời xa.

Những chuyện xưa kia đã qua lâu rồi,

lòng ta đâu có lưu luyến gì.

Rồi ngày hành quân hướng về tiền tuyến cùng đi.

Mối tình bạn thắm thiết nhắc ta bước lên,

sưởi ấm tim ta, giục ta xông lên diệt quân thù..."


Hát và khóc.

Khóc và hát.

Chúng tôi đã làm cho những người qua đường cũng không ai cầm nổi nước mắt. Sau hai năm cùng học, hơn một nửa số nam sinh chúng tôi đã nhập ngũ. Các bạn còn ở lại hoặc đã xuất ngũ, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.

Lớp tôi, lần ấy có 9 người nhập ngũ . Ngày đi, Khải đã cố giấu gia đình, chân anh bị viêm sưng rất to, phải chống gậy tập tễnh. Bạn bè, mọi người khuyên nhủ thế nào anh cũng không chịu ở lại. Thế rồi... anh đã đi và đi...mãi... khô..ông về. Còn Minh - Cây violon của lớp và cũng là của trường ĐHTH Hà Nội đã ở lại với cao nguyên đất đỏ Đắc Nông. Các anh Niệm, Lực, Ngọc sau khi học xong đã bị các bệnh do chiến trường kéo về với đất.

Bây giờ chúng tôi chỉ còn lại 4 người. Tôi, anh Chân, anh Phương ở Hà Nôị. Anh Quang Hưng đang ở đâu nơi đất khách quê người. Quá nửa đời đi, quá nửa đời ngẫm Cay đắng, khổ đau, ngọt bùi đã quánh lại sau những tháng năm dài. Bây giờ là quãng cuối của cuộc đời, tôi muốn tìm sự thanh thản cho mình và cho những đồng đội tôi. Tuy chưa làm được gì nhiều nhưng tôi cũng đã góp một phần nhỏ vào việc tìm kiếm mộ của những liệt sĩ mà tôi biết. Hy vọng ở cái thế giới mà tôi sẽ tới ấy, các anh vẫn thấy lung linh một tình bạn.

Mỗi lần 23 tháng 9 chúng tôi lại nhớ về Nam Bộ kháng chiến, lại nhớ về bao đồng đội như một phần máu thịt không thể phân chia của mình.

Đêm

Nhớ thương

Không ngủ

Xin khắc tên từng người

Vào trong trái tim tôi !

Hoàng Liêm, CCB E271, Miền Đông Nam Bộ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất