Trần Huy Liệu (1901 - 1969) là một trí thức tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ XX; một nhân chứng và là người trực tiếp tham gia làm nên những sự kiện lịch sử trọng đại trong thời kỳ vận động cách mạng và buổi đầu Dân quốc.
Ông quê làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh, một vùng quê đời đời đều sinh ra những danh nhân, hào kiệt như Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo); nay riêng một xã Liên Minh (Hào Kiệt) cũng đã có biết bao nhiêu người nổi tiếng như Văn Cao, Vũ Cao, Văn Ký, Nguyễn Cơ Thạch...
Làng Vân Cát nổi tiếng nhất vùng vì đó là nơi được coi là quê Bà chúa Liễu Hạnh, tức là nơi lần đầu tiên nữ giáng thế. Liễu Hạnh (Mẫu Liễu) là một trong "Tứ bất tử" của Việt Nam (gồm Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Ðồng Tử và Liễu Hạnh).
Làng Vân Cát giáng sinh thần nữ
Cõi trời Nam bất tử hòa thân
Vốn xưa Ðệ nhị cung tiên
Phong lưu công chúa ở trên thiên đình...
(Văn chầu Thánh Mẫu)
Mẫu Liễu, cô tiên Liễu có lắm phép lạ, xuất hiện khắp nơi để trừng trị kẻ gian tà, bất chính nhưng cũng hay chòng ghẹo người đời. Cường Bạo đại vương, Tam Bành... những nhân vật truyền thuyết thường rất nóng tính hay dùng "giải pháp mạnh" (cường bạo, nổi cơn Tam Bành...) cũng được coi là người Vụ Bản, trong danh sách "Thiên Bản lục kỳ"...
Ðó là cái nôi, là nơi Trần Huy Liệu có được sở học đầu tiên và chịu ảnh hưởng sâu sắc về mặt tính cách.
Có những thời kỳ lịch sử tạo ra những con người kết tinh được nhiều năng lực, năng lực nào cũng xuất sắc.
Trần Huy Liệu là một người như vậy. Và cội rễ của mọi khả năng, trước hết là lòng yêu nước, là tinh thần yêu chuộng văn hiến.
Ở phương diện là một người yêu nước, ông biết yêu ngôi làng nhỏ của mình, yêu người thân và từng câu ca dao, tục ngữ; yêu những câu chuyện về những người anh hùng cứu nước. Năm 1927, ông bị thực dân Pháp bắt về tội có các hoạt động chống chính quyền thực dân phong kiến. Năm 1928, ông tổ chức Cường học thư xã, tự viết và chuyên xuất bản các sách cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong cuốn "Một bầu tâm sự" do Cường học thư xã in ở Sài Gòn, Trần Huy Liệu đã chỉ ra những nguyên nhân mất nước: "Chính trị làm mất nước: Vua càng quý (được đề cao) bao nhiêu thì dân càng (bị coi) hèn bấy nhiêu... Hai mươi mấy triệu người tôn một người lên rồi bảo rằng phải trung với người ấy. Người ấy bảo sống được sống, người ấy bảo chết phải chết... Vì vậy mà ngôn luận không được tự do, mà ý kiến bế tắc... Văn học làm mất nước: Người Tàu bày ra lối thi cử nghiệp. Người mình cũng bắt chước theo; không phải học để làm người mà chỉ học để làm quan... Luân lý làm mất nước: Trong đạo vua tôi có dạy rằng: Bầy tôi thờ vua phải lấy trung, vua là cha, mẹ của dân, vua sai bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung. Luân lý dạy như thế, người trong nước tin theo như thế, gây nên cái chính thể chuyên chế, gây cho quốc dân một lũ tôi tớ chỉ biết trung với vua mà chôn mất bao người trung với nước...".
Về chính trị, từ một thanh niên yêu nước, ông đã đến với chủ nghĩa cộng sản; là người kiên trung, bất khuất, trải mọi lao tù từ Côn Ðảo, đến Sơn La; Bí thư (Thư ký) Tổng bộ Việt Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, người viết bản Quân lệnh số 1, là Bộ trưởng Tuyên truyền đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn của Chính phủ cùng Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận đi nhận ấn kiếm và sự thoái vị của vua Bảo Ðại...
Về Sử học, ông là Trưởng ban Nghiên cứu Sử - Ðịa - Văn trực thuộc Trung ương Ðảng năm 1953, sau đổi thành Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Ðịa, tiền thân của UBKHXH, Viện KHXH ngày nay; Viện trưởng Viện Sử học đầu tiên; có nhiều công trình xuất sắc, tiêu biểu là "Lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam" 12 tập;"Lịch sử 80 năm chống Pháp" 2 tập, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Giáo sư Ðinh Xuân Lâm đánh giá: "Trần Huy Liệu là một trong những nhà sử học lớn nhất của thế hệ mở đường, khai sáng nền sử học Việt Nam hiện đại".
Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật lịch sử có tầm cỡ ấy, và cả những câu chuyện tình cảm của một người, như tự nhận xét của ông, "nặng về tình cảm và khổ vì tình cảm", được kể lại một cách khá chân xác (có cứ liệu, tài liệu) và sinh động bởi ngòi bút của chính con trai ông, nhà báo, nhà văn Trần Chiến (Báo Hà Nội mới).
Bên cạnh văn phong khoa học của một người chép sử nhân vật, Trần Chiến còn có giọng văn khá hoạt bát, có phong vị bi tráng hợp với bạn đọc trẻ tuổi của NXB Kim Ðồng, nơi in cuốn sách này. Chẳng hạn, đoạn Trần Huy Liệu vào nam: "Liệu cứ tưởng mình lẫm lẫm ra đi được ngay, nếu vợ níu lại thì rút gươm cắt phăng ngay vạt áo mà tiến vào sương gió. Dễ như bỡn. Nhưng đâu có thế. Anh thấy mình cũng yếu mềm, lâm ly thổn thức như thói thường" (trang 46). Hay là cách Trần Huy Liệu trả lời tên mật thám Pháp Phlơ-tô sau khi tù Côn Ðảo về tham gia làm Báo Ðời mới ở 17 Hàng Khoai, Hà Nội:
-" Thôi, anh tìm vào cái ổ cộng sản rồi!
Phlơ-tô, tên mật thám Hà Nội nửa đùa nửa thật bảo thế khi Liệu trình diện.
Anh đáp:
- Cộng sản hay không cộng sản thì cũng phải ăn. Tôi cần làm báo để sống, còn đề phòng cộng sản là việc của các ông" (trang 115)...
Ðọc Trần Huy Liệu - cõi người, ta có thể hiểu thêm và kiến giải được một phần các hiện tượng lịch sử đã qua và càng thấm thía trách nhiệm to lớn của người trí thức trước vận mệnh đất nước./.
(Theo: Nguyễn Sĩ Đại/Nhân dân)