Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 23/8/2009 19:4'(GMT+7)

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo với “Hồn thiêng sông núi”

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy dàn nhạc tập luyện cho buổi biểu diễn sắp tới.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy dàn nhạc tập luyện cho buổi biểu diễn sắp tới.

Nguyễn Thiện Đạo sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 1953, ông sang Pháp du học. Năm 1963 ông thi tuyển vào Nhạc viện Quốc gia Pa-ri và ngay năm học đầu tiên, Nguyễn Thiện Ðạo đã nhận giải nhất của Nhạc viện với tác phẩm khí nhạc “Thành đồng Tổ quốc” (thơ Tố Hữu).

Nguyễn Thiện Đạo đã sáng tác trên 80 tác phẩm nhạc giao hưởng, thính phòng, opera... và trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới. Những giai điệu say đắm lòng người trong mỗi tác phẩm của ông chính là âm hưởng cuộc đời ông hiến dâng cho Đất Mẹ. Nhưng chính Đất Mẹ cũng ban tặng ông một tình cảm đặc biệt, để ông kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa âm nhạc phương Tây với ánh sáng huyền diệu của âm nhạc phương Đông, dệt thành những âm thanh kỳ ảo, tinh tế, từ tài năng và trải nghiệm bản thân.

Nhắc đến Nguyễn Thiện Đạo, những người yêu âm nhạc đều trân trọng trước một tài năng xuất chúng. Với những giải thưởng quốc tế, Giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã có tên trong 2 cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp: “Le Petit Larousse” và “Le Petit Robert” cùng một số cuốn khác như “Who’s who?” (Mỹ) và “Who’s who in music” (Anh). Trong cuốn từ điển “Le Petit Larousse” danh giá, chỉ có 3 người Việt Nam được ghi danh là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo.

Nguyễn Thiện Ðạo đã trở thành hiện tượng trong nghệ thuật âm nhạc hàn lâm thế giới, bởi vậy mà nhạc sĩ thiên tài Olivier Messiaen (thày dạy nhạc của Nguyễn Thiện Đạo tại Nhạc viện quốc gia Pa-ri) từng nhận xét: "Nguyễn Thiện Ðạo là người nhạc sĩ lớn nhất cuối thế kỷ 20".

Luôn hướng về nguồn cội không chỉ bằng những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, Nguyễn Thiện Đạo còn thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Với những cống hiến lớn lao cho quê hương đất nước, ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch) trao Huy chương Chiến sĩ Văn hóa.

Tác phẩm “Hồn thiêng sông núi” (trích từ bản nhạc phim “Chuyện của Pao”) là sự kết hợp nhạc cụ dân tộc và dàn dây châu Âu vừa mạnh mẽ, vừa trữ tình thể hiện một khía cạnh sáng tác ít ai biết... Tác phẩm đã được Nguyễn Thiện Đạo phối lại theo cách đảo lộn diễn biến các chương để bản nhạc có tính gợi mở lớn lao hơn. Tác phẩm gồm 5 chương. Chương 3 sử dụng dàn trống như trống trận Tây Sơn trong tinh thần hùng ca dân tộc, nên có thể mở đầu và̀ kết thúc cho bài nhạc và cũng có thể xem như tác phẩm không bắt đầu hoặc kết thúc mà vẫn bất khuất mãi như tinh thần dân tộc; chương 1 độc tấu sáo trúc và chương 5 là sopano solo mang tính dân ca trữ tình; chương 2 dựa trên cách ngâm thơ cổ truyền do sáo trúc dân tộc biểu diễn cùng dàn nhạc vi vút ở nơi xa ….với ngôn ngữ hiện đại; chương 4 là sáo trúc diễn đạt điệu dân ca Mèo.

Trở về Việt Nam và chỉ huy chính cho dàn nhạc biểu diễn lần này, trong căn phòng tập chật chội của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam toạ lạc tại ngõ Núi Trúc, Hà Nội, cùng với các loại nhạc cụ to, nhỏ, 100 nghệ sĩ diễn viên nhễ nhại mồ hôi trong cái nắng đầu thu, Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo bộc bạch, ông rất xúc động trước tài năng cũng như sự say mê luyện tập của các nghệ sĩ Việt Nam. Nhiều năm nay, đã đi nhiều nơi và tiếp cận nhiều dàn nhạc giao hưởng trên thế giới, ông vẫn đánh giá rất cao trình độ của các nghệ sĩ trong nước. Nhưng trong điều kiện hiện tại, họ gần như không có nhiều cơ hội làm nghề, điều kiện luyện tập khó khăn, thù lao ít, những buổi hoà nhạc thính phòng giao hưởng dành cho các nghệ sĩ trong nước hầu như rất ít ỏi. Tuy nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cũng đánh giá cao sự đầu tư tài trợ của các doanh nghiệp, khi họ bỏ ra số tiền không nhỏ để tổ chức nên những chương trình hoà nhạc giao hưởng dành riêng cho tác phẩm và tác giả Việt Nam. Ví như trong chương trình hoà nhạc này, HPT đã trân trọng các nghệ sĩ tài năng hoạt động trong bộ môn nghệ thuật đỉnh cao.

Ông Ngô Vi Đồng, Tổng giám đốc HPT cho biết, chương trình hoà nhạc “Hồn thiêng sông núi” lần đầu tiên được tổ chức này là sự khởi đầu một thái độ, một tinh thần bảo trợ cho dòng nhạc thính phòng đang gặp nhiều khó khăn đứt đoạn. Ông bày tỏ tham vọng những chương trình này sẽ luôn được các doanh nghiệp trong nước ủng hộ, để tổ chức nên những chương trình tương tự như Toyota hay Hennessy Concert, mang những tác phẩm giao hưởng thính phòng đặc sắc của thế giới đến Việt Nam, thì HPT sẽ mang chính những tác phẩm đặc sắc của Việt Nam đến với công chúng trong nước.

Ngoài tác phẩm của Nguyễn Thiện Đạo, chương trình còn hội tụ những tác phẩm lừng danh của nhạc sỹ Đỗ Nhuận- “Du kích sông Thao”; “Đất nước” của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc, lời thơ Nguyễn Đình Thi; Hợp xướng A Cappella “Bốn mùa” của Đặng Hữu Phúc.../.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất