Thứ Năm, 26/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 9/11/2010 10:20'(GMT+7)

Quan trọng là "đi đến đâu"?

(Hình minh hoạ)

(Hình minh hoạ)

Nêu thế để thấy: Một tác phẩm hay, nhiều khi không quá lệ thuộc vào hình thức. Hay nói một cách thật quen thuộc: Về cơ bản, nội dung thường sinh ra hình thức. Chắc chắn, chẳng có ai lại phán: Sở dĩ bài thơ này hay vì nó được viết theo thể lục bát hay thể tự do; truyện ngắn này hay vì nó được viết theo lối cổ điển hay hiện đại.

Trong nghệ thuật, có nhiều cách thức để đến đích. Và cách thức nào cũng có thế mạnh của nó. Người nào quá lụy vào một cách thức và cho rằng chỉ có cách thức mình theo đuổi mới là đúng, mới là hay, chưa chắc đã đúng, đã hay đối với nhiều người khác.

Mấy năm qua, có một số nhà văn, nhà thơ tự nhận mình thuộc nhóm những người cách tân đã sáng tác một số tác phẩm tự xưng là "tân hình thức", "hậu hiện đại". Mặc dù chưa được sự thừa nhận rộng rãi, nhưng giới sáng tác lẫn độc giả vẫn tôn trọng họ như tôn trọng quyền tự do sáng tác nói chung. Rồi họ vẫn công bố tác phẩm, vẫn in sách và cứ tồn tại theo cách tồn tại của họ.

Theo tôi, đấy là chuyện hết sức bình thường. Chỉ có chuyện không bình thường là đôi khi "quần tam tụ ngũ", họ lại nhìn những người mà họ cho là không "tân hình thức", không "hậu hiện đại" không ra sao và đầy chủ quan, ngạo mạn. Có lúc cao giọng, có người trong số họ còn nói thẳng tưng: Thơ của anh (hoặc văn của anh) có "tân hình thức" không? Có "hậu hiện đại" không? Không ư? Vậy thì khó nói chuyện với chúng tôi lắm. Tôi nhớ một hôm, có một người thích đùa (nói theo kiểu Adit Nêxin) bèn đọc một bài thơ làm bông phèng viết trong một đêm cho một nhà thơ "tân hình thức" nghe. Tôi nhớ bài thơ có mấy câu sau:

Cụ Tư cầm tay một con dao
quắm. Rồi quăng lên trời thăm thẳm
x
anh. Và rồi tự nhiên thì thào
rằng. Trên ấy sao nhiều mây trắng
thế! Sau đó cụ cúi đầu nhìn
đất. Hỏi cỏ làm sao tự nhiên
xanh? Hỏi cỏ làm sao tự nhiên xanh?

Nghe xong, nhà thơ "tân hình thức" gật gù:

- Có nhịp điệu. Có vần. Ngắt câu đâu ra đấy. Ít ra, cũng phải viết như vậy. Bài này có hơi hướm "tân hình thức" đấy. Nên tiếp tục làm thơ theo hướng này. Chỉ có hướng này, may ra…

Còn "người thích đùa" thì im lặng và nghĩ thầm trong bụng: Làm thơ "tân hình thức" dễ thế ư? Thế thì từ nay, mỗi đêm mình sẽ chịu khó "đẻ" dăm đứa con "tân hình thức" nữa.

Trong làng thơ, cũng có một vài nhà thơ hay chú ý cái "từ đâu đến" mà ít chú ý đến "đi đến đâu". Họ hay trình bày khá dài dòng về những gì ở ngoài thơ: Bài thơ này tôi viết mấy tháng mới xong đấy. Bài thơ này tôi viết trên cơ sở vọt ra từ nỗi đau. Bài thơ này tôi viết vì một xuất phát và một quan niệm về nghệ thuật hoàn toàn khác lạ. Bài thơ này chính là mồ hôi và máu từ những gì thuộc về mất mát của tôi. Bài thơ này tôi viết vì không viết thì không chịu được.

Nên nhớ, "từ đâu đến" không quan trọng bằng "đi đến đâu". Nhưng ngay cả "đi đến đâu" đôi khi cũng không còn quan trọng nếu "đi đến đâu" trên thực tế có khi chỉ là "đi không đến đâu cả"./.

(Theo: Đặng Huy Giang/Văn nghệ Công an)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất