Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 28/11/2008 11:39'(GMT+7)

Tư duy biện chứng của F.Engels về con đường lên chủ nghĩa xã hội

Ðồng thời, thông qua hoạt động trực tiếp trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, hai ông đã đưa học thuyết đó thâm nhập phong trào quần chúng cách mạng, biến lý luận thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy sự phát triển xã hội loài người.

Engels không chỉ nêu tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng,  về sự gắn  bó máu thịt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, về nghị lực trong tự học, tự nghiên cứu với tư duy độc lập và ý thức phê phán, mà còn là hiện thân sinh động về tình bạn thủy chung trong sáng. Trong đó, tình bạn vĩ đại đã gắn bó hơn 40 năm giữa Marx và Engels là một minh chứng nổi bật.

Nhà lý luận cách mạng Engels đã có những cống hiến kiệt xuất đối với việc hình thành, phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Cùng với các công trình viết chung với Marx, Engels còn có hàng loạt tác phẩm lớn như: "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh", "Chống Ðuyrinh", "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước", "Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Ðức", "Biện chứng tự nhiên"... Trong đó, Engels trình bày một cách sâu sắc những vấn đề lý luận cơ bản về triết học, kinh tế - chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học. Ðồng thời, ông luận chiến đanh thép chống lại những quan điểm, luận điệu phản khoa học của giới học giả tư sản, cũng như của các phần tử cơ hội.

Các trước tác của Engels, một mặt thống nhất với quan điểm lý luận của Marx, mặt khác, ông làm phong phú thêm lý luận thiên tài của Marx, trở thành bộ phận hữu cơ của chủ nghĩa Marx. Về điều này, Lê-nin từng khẳng định: "Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Marx và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Marx, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Engels".

Bằng sự uyên bác và mẫn cảm khoa học, cộng với khả năng phân tích và tổng kết thực tiễn để khám phá lý luận, Engels đã xây dựng cho mình một phong cách tư duy độc đáo. Trung thành với tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Marx, song Engels luôn đấu tranh chống lại sự giáo điều. Người từng nhấn mạnh: "Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động".

Với bản lĩnh khoa học vững vàng và sự dũng cảm vượt lên mọi hoàn cảnh, đặc biệt sau khi Marx qua đời, Engels không ngừng phát triển lý luận cách mạng, hoàn thiện học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học, điều chỉnh, đề xuất đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp đấu tranh cách mạng trong điều kiện lịch sử mới.

Một trong những điểm nhấn sáng tạo của Engels trong chỉnh thể phép biện chứng duy vật mác-xít, là tư duy biện chứng về con đường đi lên CNXH. Theo Engels, quan niệm và thực tiễn con đường xây dựng CNXH luôn phải được bổ sung, hoàn thiện khi tình hình thay đổi và thực tiễn cuộc sống đặt ra những vấn đề mới.

Với tư duy biện chứng, Engels đã phát triển lý luận mác-xít về thời kỳ quá độ cùng với luận điểm "phát triển rút ngắn", mà sau này Lê-nin nêu thành khả năng "không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa" để tiến lên CNXH đối với các nước, các dân tộc chậm phát triển.

Nét độc đáo trong tư duy biện chứng của Engels thể hiện ở sự nhận thức về tính thống nhất phổ biến giữa cái tất yếu và cái có thể trong vận động của toàn bộ thế giới khách quan. Phép biện chứng duy vật mác-xít từng vạch rõ, tiến trình lịch sử nhân loại tất yếu phát triển từ thấp đến cao. Và do đó, xã hội cộng sản chủ nghĩa với tư cách một xã hội cao hơn, tốt đẹp hơn xã hội tư bản, tất yếu sẽ thay thế xã hội tư bản. Ðây là quy luật của lịch sử, là tiến trình lịch sử tự nhiên trong sự vận động của xã hội loài người.

Nhưng, do những điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị, truyền thống văn hóa khác nhau mà dân tộc này, hay dân tộc khác, có thể bỏ qua một hoặc một số bước phát triển nào đó. Loài người đi lên xã hội cộng sản bằng cách nào, vào thời điểm nào, tùy thuộc vào các yếu tố khách quan và nhân tố chủ quan cụ thể. Nhận thức của Engels về sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể trong sự vận động xã hội, là cơ sở phương pháp luận khoa học tiếp cận tính đa dạng, phong phú và nhiều vẻ của hình thức phát triển xã hội loài người.

Phát triển quan niệm về thời kỳ quá độ, Engels khẳng định, đối với các nước đang ở giai đoạn tiền tư bản hoặc chưa trải qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa đều "không những có thể mà còn chắc chắn... rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển của mình lên xã hội xã hội chủ nghĩa và có thể tránh được phần lớn những đau khổ và những cuộc đấu tranh mà ở Tây Âu... phải trải qua" (C.Marx và Ph.Engels: Toàn tập, Nxb CTQG, HN.1997, t22, tr.632). Tư duy biện chứng mang tầm vóc mở đường thời đại của ông vẫn nóng hổi tính thời sự đối với các Ðảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, trong đó có Ðảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Ðảng ta đã đề ra đường lối và phương pháp cách mạng phù hợp với đặc điểm dân tộc. Nhờ vậy, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sức mạnh dân tộc được khơi dậy và nhân lên, kết hợp với sức mạnh thời đại, làm nên những thắng lợi vĩ đại: giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo con đường XHCN.

Kiên định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx- Lê-nin, đồng thời từ tổng kết thực tiễn, Ðảng ta bổ sung vào lý luận Marx - Lê-nin những nhận thức mới. Hơn 20 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn.

Sự nghiệp đổi mới của đất nước chúng ta diễn ra trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Ðiều đó đặt ra những thách thức không nhỏ, nhưng cũng tạo ra thời cơ thuận lợi cho sự phát triển đất nước. Nó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển rất lớn về quy mô; cao hơn về chất lượng, các mối liên hệ và sự tác động tương hỗ giữa các nước gia tăng nhanh chóng; tạo ra nhiều tầng nấc các quan hệ mà nước ta có thể tận dụng để mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Ðây chính là những điều kiện nếu khai thác triệt để, sẽ đưa lại cơ sở hiện thực cho sự phát triển "rút ngắn" của đất nước.

Ðảng ta khẳng định, lấy chủ nghĩa Marx- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Chúng ta đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong thời đại ngày nay, nhân tố kinh tế mà trước hết là sự phát triển cao của lực lượng sản xuất, suy cho cùng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của CNXH.

Tuy nhiên, nhân tố chính trị, xét về mặt chủ thể lịch sử, lại có ý nghĩa quyết định trong từng bước đi trên con đường phát triển của dân tộc. Nhân tố chủ quan này, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, đang được nhận thức và hành động theo quy luật khách quan. Ðảng ta luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để thật sự trong sạch, vững mạnh, hành động một cách tự giác trên con đường đi lên CNXH. 

Giai đoạn mới của cách mạng đang đặt ra những yêu cầu cấp bách phải tiếp tục đẩy mạnh quá trình phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; góp phần bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong quá trình đó, việc nắm vững phương pháp luận, phép biện chứng của chủ nghĩa Marx - Lenin nói chung, tư duy biện chứng của Engels nói riêng về thời kỳ quá độ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đã đạt được qua hơn 20 năm đổi mới là những cơ sở thực tiễn khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là hợp quy luật và đầy triển vọng tươi sáng. Ði trên con đường ấy, nhất định đất nước ta sẽ tiến tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

 (Theo Nhan Dan)  PGS, TS NGUYỄN HOÀNG GIÁP
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất