Tôi đã đến bản Lao Khô - Phiêng Khoài thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La hai lần để tìm hiểu về một sự kiện tiêu biểu cho mối quan hệ đặc biệt Việt Lào trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lao Khô tên của một con người nay đã trở thành tên gọi một địa danh đã khiến tôi suy ngẫm về một mối quan hệ. Nơi đây vào những năm 1948 đến năm 1950, đồng chí Cayson phomvihane, cùng Ban xung phong Lào - Bắc được bà con nhân dân bản Lao Khô cưu mang, giúp đỡ hoạt động xây dựng căn cứ địa của cách mạng Lào.
Và cũng từ đây những người con yêu nước của cách mạng Lào trong đó có đồng chí Kayson Phomvihane (Chủ tịch nước CHDCND Lào) đã cùng Ban xung phong Lào - Bắc xây dựng căn cứ địa của cách mạng và thành lập Quân bản Itsala, tiền thân của quân đội nhân dân Lào ngày nay.
Tại nơi này vào tháng 4 năm 2012 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ni Ya-thô-tu bấm nút khởi công xây dựng Khu di tích Lao Khô.
Di tích lịch sử Lao Khô minh chứng và khẳng định mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt - Lào đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào gìn giữ, bảo tồn và phát triển.
Vào một buổi sáng tháng 6 tôi bắt đầu hành trình của mình. Dọc quốc lộ 6, đến ngã ba Cò Nòi thuộc Huyện Mai Sơn - Sơn La rẽ phải theo đường tỉnh lộ 103 khoảng 40km tôi đến được trung tâm xã Phiêng Khoài. Từ trung tâm xã Phiêng Khoài tôi tiếp tục lần theo con đường nhỏ rốc, tìm đến trạm kiểm soát Biên phòng Keo Muông thuộc đồn biên phòng 461, cách trung tâm xã khoảng 6km để hỏi đường đến Lao Khô và cùng với lãnh đạo đồn 461 được thăm khu di tích Lao Khô ,và hang Thẩm Mế thuộc địa phận Xiềng Khọ - Lào. Khi đến trạm Keo Muông thì đã đến giữa giờ chiều, tôi tham quan trạm đến xế chiều thì gặp một cơn mưa.
Cơn mưa đã làm cho con đường miền núi khó đi lại càng khó hơn cộng thêm sự âm u của rừng thiêng vào buổi tối nên tôi mạn dạn hỏi chú Thâng - Trạm trưởng để xin một bữa cơm buổi tối và được ngủ qua đêm vì đường đến Bản Lao Khô còn xa và rất khó đi. Chú Thâng là một đồng đội của Cậu tôi ngày còn ở đồn Pa Háng - Mộc Châu Sơn La thấy tôi ngỏ ý vậy nên đã vui vẻ chấp nhận, chú nói với tôi: “Tối mày ở đây uống rượu với anh em ở trạm, có món nấm rừng hay lắm”.
Anh em và các chú ở trạm có sáu người nên sống như một gia đình. Có lẽ cũng ít khi có người lạ đến thăm nơi này nên mọi người rất vui vẻ. Làm quen các chú và hai anh em đi lính nghĩa vụ tên là Vũ và Võ tôi thấy thật ấm lòng khi đến đây gặp hoàn cảnh khó khăn mà lại được tiếp đón như vậy.
Đến bản Lao Khô…
Cách trung tâm xã 13km, vượt qua cánh rừng già và những đoạn đèo dốc quanh co, ở độ cao trung bình gần 1.000 m so với mặt biển, bản Lao Khô hiện ra trong một thung lũng nhỏ sát biên giới, trông thật đẹp.
Bản Lao Khô có vị trí địa lý hết sức quan trọng. Phía Đông giáp với trung tâm xã Phiêng Khoài, phía Nam và Tây giáp nước Cộng Lào Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, phía Bắc giáp xã Chiềng On. Đây là một bản vùng núi cao về phía Tây của xã Phiêng Khoài, tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ (tỉnh Sầm Nưa - Lào). Địa hình hiểm trở, núi cao, có nhiều thung lũng sâu, khu rừng rậm rạp, có dòng suối Mơ Tươi chảy qua. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc đóng quân và hoạt động bí mật của các Ban du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đứng trên mỏm núi đầu bản Lao Khô nhìn xuống, con suối Mơ Tươi vẫn chảy hiền hòa qua lũng nhỏ Phiêng Sa, nơi cách đây 63 năm về trước được chọn làm điểm tập kết của Ban xung phong Quyết Tiến Sơn La và Ban xung phong Lào-Bắc. Tại đây, huyện Yên Châu và huyện Xiềng Khọ của nước bạn Lào đã cùng nhau xây dựng khu căn cứ du kích, cơ sở bí mật đầu tiên từ bản Phiêng Sa, Đin Chí (Việt Nam) đến Lao Hùng (Lào), tạo tiền đề cơ bản để phong trào kháng chiến vùng Thượng Lào phát triển.
Tìm hiểu qua người dân bản Lao Khô đặc biệt là các già làng tôi hiểu được lịch sử của cụ Tráng Lao Khô: Cụ Tráng Lao Khô (1890-1990) quê ở xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, Sơn La. Khoảng đầu năm 1930, gia đình cụ chuyển từ Vân Hồ về Phiềng Sa, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu sinh sống. Năm 1949 cụ Tráng Lao Khô là ủy viên ủy ban mặt trận tổ quốc huyện Xiềng Khọ thuộc tỉnh Hủa Phăn của CHDCND Lào.
|
Cụ Lao Khô (người ngồi) chụp ảnh cùng ông Tráng Lao Lử năm 1970 |
Ban đầu chỉ có bốn gia đình cho nên bản không có tên, nơi đây hoang vắng, chỉ có đường mòn, ít người qua lại, sau này người ta quen gọi bản của cụ Lao Khô, từ đấy cái tên ấy được gắn làm tên bản cho đến bây giờ.
Ngôi nhà ngói đỏ tươi của gia đình ông Tráng Lao Lử nằm trên mỏm đồi giữa bản. Ông Lử năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn hồng hào và khỏe mạnh, ông là con trai của cụ Tráng Lao Khô - người có công nuôi dưỡng, giúp đỡ đồng chí Cayson phomvihane (sau này trở thành Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCN Lào) và cán bộ trong Ban xung phong Lào Bắc hoạt động cách mạng.
Chuyện kể về Lao Khô qua lời kể của nhân chứng lịch sử…
Bước chân vào gia đình già Lử (con trai cụ Tráng Lao Khô) tôi ngỡ ngàng trước cách bài trí trên bàn thờ gia tiên, khi ở vị trí trang trọng nhất của bàn thờ có cả di ảnh của chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ tịch Cayson phomvihane - hai vị lãnh tụ của Việt Nam và Lào. Chiếc tivi còn mới là do phu nhân và con trai của Chủ tịch Cayson phomvihane mua tặng gia đình. Điều này đã làm tôi nghĩ rằng chắc hẳn gia đình ông đã có một tình cảm thiêng liêng với gia đình chủ tịch Cayson phomvihane và cách mạng Lào anh em.
|
Bàn thờ gia tiên gia đình cụ Tráng Lao Khô (8/2012) |
Núi rừng và con người ở Lao Khô đều tự nhiên và thật trong sáng. Đến nhà già Lử tôi có nhận được lời mời:“Tối nay ở lại uống rượu với già nhé!”. Tôi nhận lời ở lại vì đường xa tới đây được sự tiếp đón nhiệt tình của già Lử, vừa đáp lại phong tục tập quán Tây Bắc quê tôi.
Trong bữa cơm tối, biết chúng tôi muốn tìm hiểu về câu chuyện nuôi giấu cán bộ cách mạng hai nước Việt - Lào đã từng hoạt động ở đây của dân bản Lao Khô, già Lử cùng anh Tra (Bí thư Chi bộ bản) vừa dùng bữa cơm vừa bàn công việc chuẩn bị cho ngày hôm sau đi thăm nơi này.
Sau bữa tối, tôi và mấy người bạn quây quần bên già Lử nghe già kể về người cha của mình và những thành tích của bản trong thời kỳ kháng chiến; mặc dù tuổi cao, nhưng những gì người cha của già kể lại già vẫn nhớ như in: Năm 1948, Ban xung phong Lào Bắc gồm 14 người, ông Cayson phomvihane được cử làm Trưởng Ban, ông Thạo Hanh, Phó Trưởng ban từ bản Mơ Tươi (Lóng Phiêng, Yên Châu) lên bản Phiêng Sa để vận động bà con tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ hai nước dừng chân ở bản trong thời gian kháng chiến chống Pháp.
|
Tráng Lao Lử (con trai của cụ Tráng Lao Khô chụp tháng 4 năm 2012) |
Ban được giao nhiệm vụ liên lạc với Ủy ban kháng chiến và Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La với Ban xung phong Trung Dũng định kỳ sinh hoạt để thống nhất hoạt động và có sự tương trợ lẫn nhau trong khi cần thiết với bộ đội Sơn La (Trung đoàn 148). Ban xung phong Lào Bắc đã xây dựng vùng căn cứ cách mạng tại bản Phiêng Sa (nay là bản Lao Khô), xã Phiêng Khoài (Yên Châu), đây trở thành khu căn cứ cách mạng Việt - Lào chuẩn bị mọi điều kiện cho Ban xung phong Lào Bắc phát triển các căn cứ cách mạng trên đất nước Lào vào khoảng thời gian từ năm 1948 -1950.
Tại khu căn cứ này ông Cayson phomvihane phái người sang đất Lào để nắm tình hình và có những kế hoạch trước khi tiến sâu vào đất Lào. Trong thời gian hoạt động ở Lao Khô năm 1948, Ban xung phong Lào Bắc đã đặt căn cứ hoạt động tại hang Thẩm Mế thuộc Lao Mãng (Lào) và huấn luyện quân sự để trở về xây dựng khu căn cứ địa tại huyện Viêng Xay. Trong thời gian này ông Cayson phomvihane đã được tổ chức bố trí đến ở nhà cụ Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa. Đồng chí đã được gia đình cụ Tráng Lao Khô giúp đỡ, cưu mang, nhận làm con nuôi. "Nhau xi lu, tùa xí nho" (tạm dịch là: Thương cùng nhau, chết cùng nhau). Cái lý của người Mông đã nói là làm, khi đã hiểu nhau, coi nhau là anh em thì không điều gì có thể thay đổi được. Theo phong tục của người Mông, gia đình cụ Tráng Lao Khô và đồng chí Cayson phomvihane làm lễ cắt máu ăn thề. Lễ cắt máu ăn thề này được xem như "bản cam kết" giữa các thành viên trong gia đình, từ nay nguyện thề sống chết có nhau, giúp đỡ lẫn nhau, coi nhau như ruột thịt. Già Tráng Lao Lử dẫn chúng tôi đi xem cái cối đá và chiếc ninh đồng còn giữ từ ngày ấy. Chính chiếc cối đá đó này đã xay ngô, làm mèn mén nuôi sống gia đình già và đồng chí Cayson phomvihane.
Ban xung phong Lào Bắc được đồng bào bản Phiêng Sa nuôi giấu và cho mượn đất để xây dựng cơ sở trong những năm hoạt động bí mật. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng dân bản Phiêng Sa đã hết lòng giúp đỡ cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như tiền của giúp Ban xung phong Lào Bắc mua sắm vũ khí phục vụ chiến đấu. Nhiều lần, cụ Lao Khô đã trực tiếp dẫn đường đưa đoàn cán bộ vào rừng hoạt động, cùng hoạt động ở đây hồi đó còn có đồng chí Bằng Giang (cán bộ Việt Minh), đồng chí Hoàng Chiến (cán bộ Việt Minh). Hằng ngày cụ trực tiếp mang lương thực, thực phẩm vào hang Thẩm Mế nuôi cán bộ của ta và nước bạn Lào.
Nhiều lần gặp nguy hiểm, nhưng với sự mưu trí, dũng cảm của cụ Lao Khô nên đoàn cán bộ của Ban luôn được an toàn. Kể đến đây, ánh mắt già Lử nhìn ra xa như để nhớ lại một điều gì đó đã rất lâu mà già không nhớ chi tiết. Rồi bất chợt già kể tiếp: Một lần vào năm 1949 tên chỉ điểm đã dẫn giặc Pháp ở Xiềng Khọ lên bản Phiêng Sa truy tìm những cán bộ Việt Lào ở hang Thẩm Mế, khi được hỏi có Việt Minh ở đó không ông bảo: “Có đấy, nhưng họ bỏ đi từ lâu rồi, không còn ai ở đó đâu, đường tới đó thú rừng cũng không đi được, các ông có muốn đi không để tôi đưa đi…”Thấy thái độ của ông như vậy, bọn Pháp không còn nghi ngờ gì nữa và bỏ đi. Sự mưu trí của cụ Lao Khô còn thể hiện tinh tế hơn khi ông còn chủ động cho cả giặc Pháp ngủ ở trong nhà để tạo niềm tin của chúng, trong khi đó cán bộ của ta lại được ông cho làm…“người ở”. Có những lúc giặc Pháp truy lùng gắt gao, ông liền sai “người ở” đi vào rừng cắt cỏ ngựa cho ông, nhưng thực tế người đồng chí đó đã chạy thoát vào rừng…
|
Nơi ông Cayson phomvihane chủ trì thành lập Quân bản It-xa-la, tiền thân của quân đội nhân dân Lào |
Già Lử ôn tồn kể về tình cảm anh em giữa cụ Tráng Lao Khô và Chủ tịch Cayson phomvihane: Năm 1949 biết cách mạng của nước Lào còn khó khăn cụ Lao Khô đã gửi liên lạc của Chủ tịch Cayson phomvihane 50 đồng bạc trắng, trong bức thư có viết: “Tôi không có gì cả, chỉ có 50 đồng bạc trắng ủng hộ cho cách mạng Lào, đó là tấm lòng của tôi giành cho cách mạng nước Lào ông hãy giữ lấy để mua súng đánh tây”. Nhờ số bạc này sau khi chủ tịch Cayson phomvihane về nước mua được một khẩu súng và ba mươi viên đạn và đã viết thư cám ơn cụ Lao Khô đã giúp đỡ cách mạng Lào trong lúc hết sức khó khăn. Sự giúp đỡ ấy với cá nhân đồng chí Cayson phomvihane nói riêng và cách mạng Lào nói chung không phải là lớn. Nhưng cao hơn hành động và nghĩa cử của cụ Lao Khô như tiếp thêm sức mạnh, tiếp lửa cho cách mạng Lào, cho họ một niềm tin: Cuộc kháng chiến của họ không đơn độc, họ có cả một hậu phương là nhà nước và nhân dân Việt Nam anh hùng luôn và sẽ ủng hộ, sẻ chia, đi đến cùng với nhân dân Lào anh em.
Già còn kể chuyện về việc cụ Lao Khô giúp đỡ Chủ tịch Cayson phomvihane cất tài liệu vào ống lứa dấu ở hốc cây gần nhà. Ngôi nhà đang ở bây giờ là do Chủ tịch Cayson phomvihane khuyên ông Lao Khô chuyển đến vì ở đây có nguồn nước và ít dịch bệnh. Năm 1990 khi ông Lao Khô mất, chủ tịch Cay Xỏn đã viết thư chia buồn với gia đình kèm theo 20m vải và 50000 đồng gửi Đại sứ quán Lào tại Hà Nội. Nhận được thư và đồ viếng Đại sứ quán Lào đã chuyển về Tỉnh ủy Sơn La, bà Tòng Thị Phóng (Phó Chủ tịch Quốc hội hiện nay) Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã trực tiếp cầm thư và đồ viếng đến chia buồn với gia đình. Ông Lử phấn khởi kể chuyện cho tôi về việc gần đây được phu nhân của chủ tịch Cayson phomvihane và con trai sang thăm. Vừa kể ông vừa chỉ tay về chiếc tivi mà phu nhân của Chủ tịch Cayson phomvihane tặng gia đình. Chính tại đây khi hòa bình lập lại họ đã ôn lại những kỷ niệm về tình anh em, tình đồng chí giữa cụ Lao Khô và Chủ tịch Cayson phomvihane. Tôi có cảm nhận rằng đây không phải chuyến viếng thăm mang tính chất ngoại giao mà thực sự đó là một tình cảm gia đình, họ quan tâm đến cuộc sống hiện tại của nhau và cùng tưởng nhớ đến tình anh em của những người đã khuất như tri ân lại quá khứ đã qua.
Chuyện kể về hai anh hùng Pa-thét…
Khi được hỏi về bức chân dung trong tủ, già Lử nhớ lại câu chuyện về hai anh hùng Pa - thét Lào trong kháng chiến.
Ông Tếnh Lao Lô và ông Tếnh Lao May là hai người em con dì con già([1]) (1)với ông Lao Khô, trước kia ở bản Mông Lạm - xã Mông Lạm - huyện Xiềng Khọ thuộc CHDCND Lào. Đó là một xã gần Lao Khô, giáp đồn Biên phòng 465. Ông tự hào kể lại sự đóng của hai người chú của mình cho cách mạng nước CDCND Lào. Ông Tếnh Lao Lô là trung tá - Huyện Đội trưởng huyện Xiềng Khọ - Tỉnh Hủa Phăn, ông đã hy sinh và đã từng bị tù đày ở nhà tù Sơn La. Ông Tếnh Lao May là tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn thuộc CHDCND Lào, hiện nay ông đã nghỉ hưu và sinh sống tại thị xã Sầm Nưa của Lào. Với niềm tự hào ấy, hình ảnh người anh em của mình già Lử đã để bức ảnh chân dung ở một vị trí trang trọng trong tủ.
Ông Lử vui mừng kể lại với tôi rằng gần đây con gái của ông đã kết duyên với anh Tống Lao Ly con trai ông Tếnh Lao May. Hiện nay hai vợ chồng anh Ly đang sinh sống bên Lào. Nối nghiệp cha ông đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đất nước CHDCND Lào anh là Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Hủa Phăn.
Thật sự tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi đến thăm gia đình già Lử, ở đây không chỉ đơn thuần tồn tại tình hữu nghị Việt - Lào mà còn tồn tại tình cảm thiêng liêng cao cả đó là tình cảm gia đình, một tình cảm huyết thống mà máu của hai dân tộc Việt và Lào đã hòa quyện vào nhau. Gia đình già Lử người ngồi trước mặt tôi đây là gia đình người Việt Nam đã sống, chiến đấu và hy sinh cho cách mạng của CDCND Lào anh em.
Nhìn đồng hồ, thấy đã khuya già Lử giục chúng tôi đi ngủ để lấy sức mai còn đi bộ thăm nơi những người cán bộ cách mạng được nuôi giấu. Vùng trời Lao Khô về khuya thật lạnh, tôi ra ngoài cửa hít thở không khí trong lành, làn sương mù giăng khắp bản, đâu đó văng vẳng tiếng gà gáy báo hiệu sang canh, nhìn sang ngôi nhà bên cạnh vẫn thấy ánh đèn hắt ra cùng với tiếng trẻ bi bô tập đọc. Tôi cảm thấy ấm lòng bởi con người nơi đây thật chăm chỉ, gần gũi.
Thăm khu di tích Lao Khô
Ngày hôm sau, chúng tôi được ông Lử dẫn đi thăm quan khu di tích ở đầu bản. Đến khu di tích điều đầu tiên tôi nhận thấy là một vườn đào tuyệt đẹp. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Sơn La nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được thấy một vườn “đào mốc Tây Bắc” đẹp như vậy. Vẻ đẹp của những cây đào đã nhiều tuổi, những cây địa y và rêu mọc dài trên mỗi cành đào tạo lên một vườn đào hoang sơ rừng núi đầy rêu phong, cổ kính. Đối diện vườn đào rêu phong đã nhiều năm tuổi là ba ngôi mộ đang được xây cất chưa hoàn thành. Ở chính giữa khu lăng mộ, vị trí mà người qua lại có thể dễ dàng quan sát có đề dòng chữ “Đời đời ghi nhớ trân trọng những chiến sỹ Cộng sản đã hiến dâng trọn cả cuộc đời và tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng góp phần đặt nền móng cho tình hữu nghị Việt Nam - Lào”.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi được già Lử giới thiệu về ngôi mộ của đồng chí Khăm Nhọt. Tên của đồng chí Khăm Nhọt là một bí danh do đồng chí Cayson phomvihane đặt cho khi hoạt động cách mạng trên đất Lào, ngạc nhiên ở chỗ đồng chí Khăm Nhọt là cán bộ người Việt Nam lại mang tên của dân tộc Lào, không ai biết tên Việt Nam của đồng chí Khăm Nhọt là gì và quê quán ở đâu. Người bạn cùng trong khu lăng mộ của cụ Khăm Nhọt là đồng chí Nguyễn Tín quê ở Khoái Châu - Hưng Yên.
Chính hai ngôi mộ này đã được cụ Lao Khô tự tay chôn cất cách đây 60 năm. Năm 1990, trước khi qua đời, cụ Lao Khô đã giao lại cho già Lử cùng bà con dân bản chăm nom hai ngôi mộ. Nay họ đã được yên nghỉ nơi đất mẹ. Hòa bình lập lại, cách đây ít hôm có đoàn Cựu chiến binh Việt Nam tình nguyện sang tìm mộ liệt sỹ. Nhưng cả hai đồng chí đã không tìm thấy quê hương nên nhân dân bản Lao Khô và đoàn Cựu chiến binh Việt Nam cùng nhân dân nước bạn Lào đã đưa hai đồng chí về khu di tích để ngày ngày hương khói. Vừa nói ông Lử vừa nhìn về ngôi mộ thứ ba ở chính giữa và giải thích: “Đây là ngôi mộ tượng trưng của cụ Lao Khô được chôn cùng ngôi mộ của đồng chí Khăm Nhọt và đồng chí Nguyễn Tín vì ngày xưa hai đồng chí này thân thiết với cụ Lao Khô như người trong gia đình, khi hai đồng chí ngã xuống chính tay cụ Lao Khô đã chôn cất ”. Trong lòng tôi thật xúc động trước sự hy sinh của hai cán bộ cách mạng người Việt đã ngã xuống trên đất bạn, nằm lại nơi rừng núi thiêng liêng. Những cây đào kia lại nhiều năm tuổi và có vẻ đẹp rêu phong như chứng nhân cho tình đồng chí, đồng đội, keo sơn gắn bó “sống cùng sống, chết cùng chết” của họ.
Đó là vì đây là mảnh đất thiêng liêng, nơi các đồng chí cách mạng của ta yên nghỉ nên người H’Mông ở đây không ai bảo ai đã bảo vệ gìn giữ như bảo vệ gìn giữ “rừng ma” ([2]) của bản mình. Tôi thầm chúc các đồng chí hãy yên nghỉ, các đồng chí hãy yên tâm bên cạnh các đồng chí còn có nhân dân bản Lao Khô, bản Phiêng Sa (thuộc đất Lào) họ sẽ ngày ngày thăm nom và hương khói cho các đồng chí.
Thăm nơi thành lập Quân bản It-xa-la, hang Thẩm Mế…
Sau khi thăm khu di tích tại bản Lao Khô, đoàn chúng tôi lên đường thăm hang Thẩm Mế, trước khi đi già Lử cảnh báo chúng tôi rằng: “Đường khó đi lắm đấy !” Con đường tuy không còn dốc lên khúc khuỷu nhưng chiếc xe máy của tôi vẫn phải nhảy chồm chồm trên hơn chục km đường biên; trên đường thi thoảng bắt gặp vài cây hoa ban giữa sườn núi nở hoa trắng hồng. Đoàn xe dừng lại ở một thung lũng, ở giữa có một cây đa mọc trên một tảng đá rất to, chỉ vào tấm biển in bằng tiếng Lào, già Lử bảo: Đây là nơi ông Cayson phomvihane chủ trì thành lập Quân bản It-xa-la, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào.
Để xe lại thung lũng, chúng tôi bắt đầu đi bộ tới 3 cái hang, nơi nuôi giấu các cán bộ cách mạng. Già Lử là người dẫn đường, tiếp theo là người em trai ông Tráng Lao Tơ, một lần nữa các ông đã khiến tôi bất ngờ về kỹ năng vượt rừng, ông cứ thoăn thoắt vượt qua những tảng đá tai mèo, vừa đi vừa kể, như làm sống lại những hình ảnh người cha của mình. Hồi đó, đường không dễ đi như bây giờ, đi bộ từ bản Lao Khô đến những hang này phải mất cả nửa ngày, có những chỗ phải chui qua bụi cây chỉ vừa với người Phương Đông mới đi tiếp được, vì thế mà giặc Pháp không thể đến tận đây được. Phải mất 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được hang thứ nhất, hang Thẩm Mế, đây chính là nơi đoàn cán bộ Lào Bắc trú ẩn và hoạt động.
Cửa hang chỉ vừa một người qua, bên trong rộng khoảng hơn 300 m2 và có rất nhiều ngách; vào đến trong hang già Lử chỉ tay vào một phiến đá to, phẳng nằm ở vị trí cao nhất: Đây là giường ngủ của ông Cay-xỏn, cụ Lao Khô thường xuyên lấy lá chuối rừng làm đệm cho ông. Già Lử còn dẫn tôi xuống sâu một ngách nhỏ để chỉ cho tôi thấy lịch đi đường của ông Cay-xỏn do bà con dân bản Lao Khô hướng dẫn. Sau khi thăm hang chính, chúng tôi còn đi thăm hai hang còn lại, những nơi này dường như còn in những dấu tích của những người cán bộ trong Ban xung phong Lào - Bắc.
Con suối chảy qua bản Phiêng Sa nơi tập kết của Ban xung phong Quyết Tiến Sơn La và Ban xung phong Lào Bắc. Tại nơi đây hai huyện Yên Châu và huyện Xiềng Khọ (nước bạn Lào) đã cùng nhau gây dựng khu căn cứ du kích, cơ sở hoạt động bí mật đầu tiên từ bản Lao khô đến Phiêng Sa, Đin Chí, Lao Hùng…tạo tiền để cơ bản để phong trào kháng chiến vùng Thượng Lào phát triển…
Thăm các hang động Thẩm Mế nơi cụ Tráng Lao Khô và nhân dân trong bản đã từng nuôi dấu Chủ tịch Cayson phomvihane tôi ngạc nhiên nhận ra rằng: Nơi trú ẩn và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Cayson phomvihane và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hang Pác bó - Cao Bằng có nhiều tương đồng như các hình ảnh về cây đa, hang động, con suối… Không chỉ sự trùng hợp ngẫu nhiên của cảnh vật mà tôi nhận thấy sự gian khổ trong hoạt động cách mạng của các vị lãnh tụ hy sinh cho hòa bình của dân tộc.
Thăm cột mốc biên giới…
Sau khi thăm cây đa nơi Chủ tịch Cayson phomvihane chủ trì thành lập Quân bản It-xa-la, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào và hang Thẩm Mế nơi nhân dân bản Lao Khô nuôi dấu đồng chí Cayson phomvihane và cán bộ cách mạng tôi đã tìm đến thăm hai cột mốc biên giới ở gần đó là cột mốc biên giới số 235 và cột mốc biên giới số 236. Hai cột mốc biên giới lần lượt gần bản Lao Khô 1 và bản Lao Khô 2 cách trạm Keo Muông lần lượt là 4km và 10 km.
Mối quan hệ cuộc sống của người dân hai bên biên giới Việt - Lào tại đây không có sự cách biệt mà tình cảm, gắn bó như những năm tháng kháng chiến. Có đến những bản làng biên giới, mới thấu hiểu mối tình thâm sâu, gắn bó Việt - Lào luôn được thể hiện giản dị qua cách đối xử của nhân dân hai nước. Ở nơi biên giới, lãnh thổ của hai quốc gia được phân định rõ ràng bởi những cột mốc, những dãy núi cao vời vợi, nhưng tình cảm của nhân dân hai nước, đặc biệt là nhân dân vùng biên thì chưa bao giờ có giới hạn.
Kết thúc hành trình trở lại với gia đình ông Tráng Lao Lử tôi có tặng ông một cuốn “ Nhật ký Lao Khô” do mình viết khắc họa một phần nào đó những tình cảm mà nhân dân hai nước Việt - Lào dành cho nhau, mà con người và nhân dân bản Lao Khô - Phiêng Khoài - Yên Châu - Sơn La là chứng nhân lịch sử.
|
Ông Tráng A Lử và sinh viên Hoàng Văn Đông - tác giả "Nhật ký Lao Khô" |
Tôi cũng hứa khi tác phẩm của mình hoàn thành sẽ tặng ông cuốn Nhật ký hoàn chỉnh hơn nữa trong đó có những chi tiết mà tôi vừa khám phá trong chuyến đi. Chia tay già Lử, chia tay Bản Lao Khô, khu di tích Lao Khô, tôi thầm chúc gia đình già Lử, nhân dân bản Lao Khô, nhân dân nước bạn Lào luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, ấm no. Chúc cho tình hữu nghị Việt - Lào đời đời xanh tươi bền vững.
Tạm biệt Lao Khô tôi trở về trường học của mình sau một tuần nghỉ lao động nghĩa vụ. Đây sẽ là một kỷ niệm mãi mãi trong tôi khi đến thăm bản Lao Khô, khi được đặt chân lên mảnh đất nước bạn Lào để thăm di tích lịch sử. Đặt trên trên cột mốc biên giới mà tôi nhận thấy không có ranh giới tình cảm nào của nhân dân hai nước dành cho nhau.
Hồng Minh
--------------------------------------------------------------------------------
([1]) Con của hai chị em ruột trong một gia đình
([2]) Nơi chôn cất người chết của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc