Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Năm, 13/12/2012 21:11'(GMT+7)

Sức lan tỏa từ cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

 Những con số đó đủ nói lên tình cảm yêu quý đối với đất nước triệu voi  tươi đẹp,  thể hiện niềm tin sắt son về tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào anh em và giá trị trường tồn của nó, đúng như câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Việt - Lào hai nước chúng ta, Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".

Ngay từ cuối năm 2011, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng Nhân dân cách mạng Lào đã quyết định tổ chức Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam". Coi đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng "Năm Ðoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012".

Ở Việt Nam, Cuộc thi được chính thức phát động vào ngày 12-4-2012, ở Lào từ ngày 6-6-2012. Ngay sau Lễ phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi hai nước đã tổ chức phát động điểm nhằm tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Cuộc thi. Ở Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Tôn Đức Thắng... tổ chức Lễ phát động điểm trong thanh niên, sinh viên, lực lượng vũ trang...

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Tuyên giáo - cơ quan thường trực Cuộc thi đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tuyên truyền về Cuộc thi. Đi đầu trong việc phối hợp, tổ chức tuyên truyền Cuộc thi là các cơ quan báo chí như Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Công an Nhân dân, Vietnamnet, Tạp chí Tuyên giáo... Với hàng chục vạn trang tài liệu lịch sử cung cấp trên Tạp chí Tuyên giáo điện tử và trên các báo điện tử của các cơ quan báo chí phối hợp tổ chức Cuộc thi, nhất là thông tin hằng ngày về Thể lệ, chủ đề câu hỏi cuộc thi viết, câu hỏi, kết quả cuộc thi trắc nghiệm hằng tuần, đã thực sự phát huy hiệu quả tuyên truyền.

Có thể nói rằng, đây là một cuộc thi "đặc biệt", thể hiện ngay trong quy mô, phương thức chỉ đạo. Thực tế từ trước tới nay, hiếm có một cuộc thi nào mà cả hai Ðảng, hai Nhà nước cùng chỉ đạo, tổ chức chung. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên huấn Trung ương Ðảng Nhân dân cách mạng Lào là hai cơ quan thường trực đồng tổ chức Cuộc thi. Cuộc thi gồm hai hình thức: thi trắc nghiệm hằng tuần và thi viết.

Sau gần tám tháng phát động, Cuộc thi ở Việt Nam đã thành công ngoài sự mong đợi của Ban Tổ chức. Ðông đảo quần chúng nhân dân ở khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, từ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đến học sinh, sinh viên và các giai tầng xã hội, từ đồng bằng đến biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đều tích cực hưởng ứng Cuộc thi. Hàng chục triệu người thường xuyên tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; gần 600.000 người trực tiếp thi trắc nghiệm, 3.000.032 bài thi viết. Ðây là con số nói lên sự thành công của Cuộc thi. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An... là những nơi có số lượng bài thi viết dẫn đầu cả nước...

Còn trên đất nước hoa Chăm-pa, tuy không có điều kiện tổ chức thi trắc nghiệm, nhưng chỉ sau gần năm tháng phát động đã có hàng vạn giáo viên, sinh viên, học sinh hưởng ứng, viết bài dự thi với nhiều thể loại phong phú như thơ, ca, truyện ngắn...

Qua 31 tuần thi trắc nghiệm, có 215 giải thưởng, gồm 30 giải nhất, 30 giải nhì và 155 giải khuyến khích. Những người đạt giải thưởng ở Cuộc thi này cũng khá đặc biệt. Không như các cuộc thi trắc nghiệm khác, giới trẻ thường "nắm" các giải thưởng do khả năng trình độ công nghệ và khai thác thông tin, ở Cuộc thi này, trong số các giải thưởng hằng tuần có tới 20 cá nhân là các cô, bác, anh, chị đã qua tuổi 60. Trong số đó, có những cựu chiến binh đã từng chung vai sát cánh với đồng đội Pa-thét Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung trước đây, nay đang là doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên đất nước bạn Lào. Hoặc có đại gia đình từ trong nam tới ngoài bắc đã tích cực tham gia và nhận hơn mười giải thưởng của Cuộc thi trắc nghiệm.

Cuộc thi viết tuy "trầm lắng" nhưng lại hàm súc từ trong chiều sâu, sự xúc cảm của nó. Thật phong phú và đa dạng, trong số hơn ba nghìn bài dự thi gửi về Ban Tổ chức, mỗi tác giả của các công trình dự thi cũng có những điều đặc biệt và đầy cảm động. Có những tác giả là hai vợ chồng cựu chiến binh; là những thương binh nặng và từng là quân tình nguyện Việt Nam tại nước bạn Lào; là những sinh viên, những chiến sĩ trẻ đang học tập ở trong và ngoài nước...

Thật khó khăn cho Ban Tổ chức Cuộc thi trong những ngày đầu nhận bài thi gửi về từ Ban Tổ chức Cuộc thi các tỉnh, thành phố. Mặc dù, Thể lệ Cuộc thi đã ghi rõ "Bài dự thi gửi về  không quá 4.000 từ", nhưng trong số các bài dự thi do Ban Tổ chức Cuộc thi các tỉnh, thành phố gửi về, vẫn có những bài thi làm công phu như một công trình, tác phẩm đặc biệt, trọng lượng tới hơn 30kg. Nhiều cuốn sách ảnh, vi-đê-ô, minh họa bằng mô hình đẹp và công phu vẫn làm "say lòng" cả những anh bưu tá chuyển bài thi tới Ban Tổ chức.

Xúc động biết bao trước những tấm lòng, tình cảm của người dự thi với đất nước bạn và với lịch sử, tình đoàn kết đặc biệt anh em Việt - Lào. Có tác giả còn gửi kèm theo bài thi "đồ sộ" với bức tâm thư: "Biết là làm như vậy là sai với thể lệ Cuộc thi, nhưng tấm lòng của tôi với bạn Lào còn lớn  hơn nhiều lần so với bài dự thi này, mong Ban Tổ chức lượng thứ". Bài thi của Lê Ðình Hà (Nghệ An) đóng bằng bìa gỗ trắc, khảm trai, gửi kèm theo xạc pin và lưu ý người chấm: Khi mở bài thi sẽ có các điệu nhạc và bài hát của hai nước Việt-Lào, hết pin xin hãy cắm sạc. Sinh viên Hoàng Văn Ðông, Học viện An ninh nhân dân với bài dự thi "Nhật ký Lao Khô" ghi lại những trải nghiệm trong  một tuần lao động nghĩa vụ tại bản Lao Khô, Phiêng Khoài, thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Bài dự thi có đoạn: "Mối quan hệ của người dân biên giới Việt - Lào tại đây không có sự cách biệt mà tình cảm, gắn bó như những năm tháng kháng chiến. Có đến những bản làng biên giới, mới thấu hiểu mối tình thâm sâu, gắn bó Việt - Lào luôn được thể hiện giản dị qua cách đối xử của nhân dân hai nước. Ở nơi biên giới, lãnh thổ của hai quốc gia được phân biệt rõ ràng bởi những cột mốc, những dãy núi cao vời vợi, nhưng tình cảm của nhân dân hai nước, đặc biệt là nhân dân vùng biên thì chưa bao giờ có giới hạn". Biết  là Cuộc thi không có hình thức sáng tác âm nhạc, nhưng nhạc sĩ Phan Trần Bảng (Hà Nội) vẫn trực tiếp lên Ban Tổ chức gửi bài hát mới sáng tác về tình hữu nghị Việt - Lào. Ông say sưa ngồi hát, kể lại những kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu một thời...

Thật cảm động và khó có thể diễn tả hết những cảm xúc của các thành viên Ban Sơ khảo và Chung khảo Cuộc thi khi đọc các trang viết thấm đậm tình hữu nghị anh em Việt  - Lào. Trung úy Lê Văn Phong (Viện Lịch sử Quân sự) ghi lại trong bài dự thi của mình "Có ai đếm được bao nhiêu ngọn núi, khúc sông, bao nhiêu đỉnh đèo con suối mà các chiến sĩ, anh hùng của chúng ta đã vượt qua? Và làm sao đo được chiều sâu của tình nghĩa giữa hai dân tộc chúng ta trong cuộc trường chinh hơn ba mươi  năm đằng đẵng? Lớp cha trước, lớp con sau, mấy thế hệ Việt Nam và Lào đã nối tiếp nhau cầm súng chiến đấu chống kẻ thù chung để giành tự do, độc lập".

Những tác giả chủ nhân của các giải thưởng đã được quyết định, bao gồm một giải nhất, hai giải nhì, năm giải ba và 40 giải khuyến khích.

Cuộc thi đã chính thức khép lại. Lễ trao giải Cuộc thi  và giao lưu văn hóa đầy xúc động và chứa chan tình hữu nghị Việt - Lào đã diễn ra tại bản Ðông, huyện Sê-pôn, tỉnh Xa-vẳn-na-khệt, Lào, nơi in đậm dấu ấn lịch sử của chiến thắng đường 9 Nam Lào năm xưa, một trong những chiến công, biểu hiện sinh động của liên minh chiến đấu Việt - Lào trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung trước đây.

Có thể khẳng định rằng, Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam" đã thành công, sức lan tỏa và ý nghĩa to lớn. Cuộc thi đã để lại những dấu ấn mãi mãi không thể quên. Mỗi chúng ta như thêm hiểu biết, thấy tự hào hơn và cần có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, xây đắp, phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, đã được vun đắp bằng những tình cảm nồng thắm, bằng mồ hôi, xương máu  của các thế hệ đi trước của cả hai dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hôm nay. Kết quả Cuộc thi và quan trọng hơn là những tình cảm của hàng chục triệu đồng bào hai nước đến với Cuộc thi, cùng nhau tìm hiểu, ôn lại lịch sử truyền thống, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, đã trở thành điểm nhấn góp phần vào thành công chung của "Năm Ðoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012". Cuộc thi thật sự trở thành một trong những dấu mốc quan trọng, góp phần tô thắm, vun đắp thêm tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững ! ./.

TS BÙI THẾ ÐỨC,
 Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi
TS TRẦN DOÃN TIẾN,
Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất