Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông tin tổng hợp
Chủ Nhật, 23/12/2012 9:27'(GMT+7)

Ký ức không thể quên

Tượng đài “Đau thương - Căm thù – Chiến thắng”

Tượng đài “Đau thương - Căm thù – Chiến thắng”

Hàng năm cứ đến dịp Nô en, quê tôi đều tổ chức một cuộc cúng giỗ tập thể ngoài chùa làng. Các gia đình hầu như nhà nào cũng làm giỗ, có nhà giỗ đến 4-5 người cùng một hôm. Đài tưởng niệm đầu thôn tấp nập người mang lễ vật đến cúng. Có cả những người ở rất xa về thắp hương trong một ngôi mộ tập thể, trên bia có tên 1 cô giáo và 6 học sinh cấp 3 Hoài Đức đặt trong 1 góc của nghĩa trang liệt sĩ đầu làng. Đó là ngày giỗ các nạn nhân bị chết trong thảm họa B52 năm 1972, mà làng Yên Bệ, thuộc xã Kim Chung huyện Hoài Đức gần như bị hủy diệt hoàn toàn.

Lúc đó tôi chỉ là một cô bé 6 tuổi, đang học lớp vỡ lòng. Tuy còn bé nhưng chúng tôi đã được người lớn huấn luyện cách tránh bom, tập phản xạ khi thấy kẻng báo động và loa truyền thanh thông báo có máy bay là phải xuống hầm. Nhà tôi có 1 cái hầm chữ A ở góc vườn, cạnh đống rơm. Tôi chỉ nhớ hôm đó gia đình tôi vừa ăn cơm xong, bố mẹ tôi lại vội vàng đi trực chiến, tham gia đào thêm hầm trú ẩn bởi vừa nhận thêm một số người Nội thành Hà Nội về địa phương sơ tán. Các anh chị tôi đều đi học cả, chỉ có tôi và ông nội ở nhà. Vừa định mắc võng ra vườn nằm ngủ trưa thì kẻng báo động vang lên, rồi có tiếng loa nhắc moi người mau xuống hầm trú ẩn. Ông nội kéo tôi chạy ra hầm chữ A, che vội tấm cửa được kết bằng rơm. Hai ông cháu vừa ngồi yên thì bỗng có tiếng máy bay xé trời, rồi những tiếng nổ vang trời dậy đất. Tiếp theo là tiếng kẻng đánh liên thanh, tiếng người kêu khóc, và mùi khét lẹt, khói lửa mịt mù... Tôi sợ quá nép chặt vào ông... Khoảng nửa tiếng sau, khi kẻng báo yên gióng lên, hai ông cháu tôi chui ra khỏi hầm và ... tôi đã chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng, kinh hoàng chưa từng thấy: Làng tôi vốn bình yên là thế, vậy mà giờ đây đã bị cày xới tan hoang tiêu điều. Nhà cửa cháy ngùn ngụt, cây cối ngổn ngang, hố bom sâu hoắm chi chít, người chết nằm la liệt.  Kinh hãi quá... tôi vội chạy vào nhà. Một lát sau, bà Tam (mẹ tôi gọi là cô ruột) khóc mếu chạy đến báo với ông tôi: “nhà Phượng bị cháy rụi, hai đứa con nó bị bom chết rồi, không tìm thấy xác đâu cả...”. Trời ơi! Hai em gái sinh đôi của nhà cậu tôi (em Khuê, em Bích) mới lên 4 tuổi, trước bữa ăn trưa chị em chúng tôi vẫn chơi đồ hàng với nhau dưới gốc tre đầu làng, vậy mà trong phút chốc các em đã bị nát tan thân thể... Tôi ngồi chết lặng. Đầu óc non nớt của một cô bé 6 tuổi chưa thể nghĩ được chuyện gì to tát hơn, mà chỉ nghĩ ngay đến bố mẹ, anh chị mình hiện giờ ra sao. Tôi mếu máo và luôn miệng hỏi ông “Sao bố mẹ cháu mãi chưa về? Anh chị cháu đi học lâu thế?...”. Ông tôi thì cứ đứng ngồi không yên, miệng lẩm bẩm khấn trời phật cầu cho cả nhà được bình yên vô sự. Tôi biết ông nóng lòng lo các anh chị tôi (và các em nhà cô ở Yên Phụ về sơ tán) còn đang ở lớp học, bố mẹ tôi không có nhà. Lại còn gia đình bà ngoại tôi và cậu mợ hai cùng các em ở Khâm Thiên ra sao. Cô ruột tôi đang làm công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ sẽ thế nào? Lúc đó ông tôi đã 81 tuổi, chỉ biết lo lắng và cầu khấn trời đất chứ biết làm gì hơn. Sau trận bom, cũng may gia đình tôi còn đủ cả. Nhà tôi ở phía ngoài rìa làng nên không bị cháy. Nhưng tôi bị ám ảnh mãi cảnh làng xóm tan hoang sau trận bom: có những em bé chết trên tay mẹ trong hầm khi còn đang ngậm vú; có gia đình đang ăn bữa cơm muộn, cả nhà đều chết gục bên mâm cơm. Rồi tin bà ngoại tôi cùng hai em nhà cậu mợ hai ở 251Khâm Thiên tránh bom dưới cầu thang bị bom vùi lấp đã để lại trong tôi một nỗi kinh hoàng, có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên. Một điều thật khủng khiếp nữa: Tết năm đó, làng tôi tát ao đầu đình để chia cá cho nhân dân, thì vẫn thấy ở dưới còn rất nhiều sọ người cùng các ống xương chân tay... Lãnh đạo thôn phải huy động lực lượng thanh niên quy tập vào một ngôi mộ tập thể.

Sau này, nghe mẹ tôi kể lại, tôi mới biết rõ: Đúng 13 giờ 45 phút ngày 23/12/1972, giặc Mỹ đã huy động 16 lần chiếc máy bay F4H, 6 lần chiếc máy bay F111A ném 94 quả bom phá (loại từ 250 đến 500 kg) hủy diệt làng Yên Bệ với diện tích chưa đầy 1km2 và một số khu vực lân cận. Chỉ trong khoảng 15 phút, máy bay Mỹ đã sát hại 175 người dân thường, làm bị thương 54 người khác, trong đó làng Yên Bệ bị sát hại 74 người của 46 gia đình và 28 người bị thương (số còn lại là của người dân về sơ tán). Chúng phá hủy hoàn toàn 99 ngôi nhà, làm hư hỏng nặng 108 ngôi nhà khác; phá hủy 44 máy dệt vải, làm cháy hỏng 600 mét vải thành phẩm, 75 súc sợi nguyên liệu dệt vải, phá hỏng 12 mẫu mạ chiêm đến ngày cấy, mất hơn 5 tấn thóc, nhiều gia súc gia cầm bị chết vì bom đạn, hầu hết công cụ và vật dụng gia đình đều bị phá hỏng… Trong những người cùng làng, tôi biết có bác Nguyễn Đình Thị lúc đó là Chủ tịch UBHC xã, bác Nguyễn Trọng Khôi là Bí thư chi bộ thôn Yên Bệ cũng đã bị bom sát hại khi đang trên đường ra địa điểm họp. Nhà cụ Nguyễn Bá Kế ở cạnh nhà tôi có 7 khẩu thì 6 người bị chết, chỉ còn lại con trai là bác Nguyễn Bá Hồng. Gia đình bác Tuấn Nguyên Đức là sĩ quan quân đội lúc đó đang ở chiến trường miền Nam thì ở nhà bom Mỹ sát hại mẹ đẻ, vợ và 2 con mà hàng tháng sau bác Đức mới nhận được tin đau buồn khủng khiếp đó. Gia đình bác Tuấn Thị Vinh (lúc đó làm chủ nhiệm HTX Thủ công nghiệp Trần Phú) chồng là sĩ quan một đơn vị tên lửa đang chiến đấu bảo vệ Thủ đô, có 2 con bị trúng bom chết. Thảm thương nhất là có một cô giáo và 6 học trò cùng chết trong một căn hầm chữ A, trong tư thế cô giáo ngồi ngoài cửa hầm che chở cho các học trò của mình được yên ổn...

Trước đau thương mất mát đó, chiều 23/12/1972, Đảng bộ và Chính quyền xã Kim Chung đã được lãnh đạo Huyện ủy, UBHC huyện Hoài Đức cùng các ban ngành đoàn thể huy động sức người sức của, kêu gọi Đảng bộ và nhân dân các xã lân cận, các nhà máy xí nghiệp, các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn đến cứu giúp đưa những người bị thương đến các cơ sở y tế cấp cứu; lo chăn màn quần áo cho người già, trẻ em, cứu tế gạo, thực phẩm cho người dân làng Yên Bệ, lo hậu sự chu đáo cho những nạn nhân bị sát hại. Một phong trào “Đội bom đứng dậy” được phát động trong nhân dân đã xốc lại tinh thần, biến đau thương thành hành động cụ thể. Tiêu biểu là cô Công Thị Định bị bom cướp mất cánh tay phải, nhưng với tay trái còn lại, cô vẫn tiếp tục làm kế toán cho HTX nông nghiệp Đoàn Kết và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bác Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Nguyễn Khắc Xung đã động viên bà con nén đau thương để thu dọn nhà cửa, khai thông đường làng, cứu giúp người bị nạn. Nhiều người khác bị thương vẫn chắc tay súng vững tay cày như ông Nguyễn Đình Chân, Nguyễn Bá Mùi, Nguyễn Trọng Hồng, Tuấn Nguyên Bằng... đã cùng người dân xây dựng lại làng quê Yên Bệ.

40 năm qua đi, hôm nay người dân Yên Bệ lại đứng trước Tượng đài “Đau thương - Căm thù – Chiến thắng” đặt tại đầu làng, tưởng nhớ những nạn nhân bị hại trong trận bom năm xưa. Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, những mất mát đau thương dần cũng được nguôi ngoai theo thời gian. Yên Bệ quê tôi ngày nay đã khang trang đẹp đẽ trên con đường xây dựng nông thôn mới. Nơi những ngôi nhà năm xưa bị phá sập nay đã mọc lên những biệt thự khang trang. Cụm công nghiệp Kim Chung - Di Trạch là một điểm đến hấp dẫn của cửa ngõ phía Tây Hà Nội, đang mời gọi các nhà đầu tư. Thời gian đã xoa dịu nỗi đau, người dân Yên Bệ quê tôi đang từng ngày từng giờ chung tay xây dựng lại quê hương ngày một giàu mạnh, văn minh./.

Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất