Thứ Bảy, 21/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Bảy, 15/12/2012 21:54'(GMT+7)

Sẽ tiếp tục "truyền lửa" về tình hữu nghị đặc biệt Việt- Lào cho các thế hệ học trò

Các cá nhân đạt giải Ba của Cuộc thi - Cô giáo Hồng Duyên đứng thứ 6 từ trái qua phải

Các cá nhân đạt giải Ba của Cuộc thi - Cô giáo Hồng Duyên đứng thứ 6 từ trái qua phải

 Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa phóng viên TCTG với cô giáo Phạm Thị Hồng Duyên - Trường THCS Phù Lỗ, Hà Nội.

PV: Lý do gì thúc đẩy chị đến với cuộc thi đầy ý nghĩa này?

Chị Phạm Thị Hồng Duyên: Bác và chú ruột của tôi từng là bộ đội tình nguyện Việt Nam và chuyên gia làm việc bên Lào. Ngay từ khi còn bé tôi đã được nghe những câu chuyện của chú và bác về những người dân, về đất nước Lào, về tình cảm gắn bó thân thiết giữa nhân dân hai nước. Tôi cũng rất thích hoa Chăm Pa, cảm mến sự hiền hòa của những người dân nước bạn. Lớn lên, đọc nhiều sách báo, hiểu biết hơn, tôi càng thấm thía mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc. Vì vậy, khi biết có cuộc thi tôi và gia đình rất hào hứng, tôi đã quyết định viết bài thi dưới hình thức là một bức thư theo dòng cảm xúc để bày tỏ sự yêu mến, cảm phục, trân trọng của mình với dân tộc Lào anh em. Tôi cũng mong rằng qua bài thi sẽ góp phần nhỏ bé của mình vào việc củng cố và phát huy sự đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.

PV: Công việc của một cô giáo dạy Văn có giúp chị nhiều trong việc làm bài dự thi?

Chị Phạm Thị Hồng Duyên: Tôi nghĩ, đó là một lợi thế, từ cách tư duy, cách tìm hiểu tài liệu, sắp xếp bố cục bài viết sao cho vừa đủ ý nhưng phải đúng thể lệ cuộc thi gói gọn trong 4000 từ. Chính vì vậy tôi đã chọn cách thể hiện bài dự thi dưới một bức thư gửi người bạn Lào, qua đó thể hiện những tình cảm thân thiện, sâu sắc về đất nước, con người, văn hóa của đất nước bạn. Cách thể hiện này tạo sự gần gũi cho người đọc nhưng cũng lột tả hết xúc cảm của mình.

PV: Trước, trong và sau Cuộc thi, chị đã và sẽ làm gì để “truyền lửa” những cảm xúc của mình về đất nước và con người Lào cho thế hệ học trò?

Chị Phạm Thị Hồng Duyên: Là một giáo viên, ngay trong thời gian làm bài thi, tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các học sinh của mình. Ngay khi làm xong, tôi đã đọc lại nhiều lần cho các em nghe, kể cho các em về quá trình viết bài, sưu tầm tài liệu của mình... Qua đó, tôi cũng mong muốn các em hiểu biết thêm về tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai Đảng, hai Nhà nước. Thời gian tới, qua những tư liệu lịch sử tôi tham khảo, những câu chuyện sâu sắc về quá khứ không thể quên của chú và bác tôi trong những năm tháng tham gia tình nguyện ở Lào, rồi đến cảm xúc từ những ngày đi dự Lễ trao giải được gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện cùng những người dân Savanakhet thân thiện, gần gũi và mến khách, tôi mong muốn sẽ truyền cho các em những cảm xúc về đất nước và con người Lào. Tôi nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục "truyền lửa" cho học sinh bằng sự nhiệt tình đam mê tìm hiểu về lịch sử, về thế giới xung quanh...động viên các em có ý thức trách nhiệm hơn trong việc củng cố và phát huy sự đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt Lào... Xa hơn, tôi mong các em sẽ cùng tôi tiếp tục tham gia nhiều cuộc thi tìm hiểu lịch sử ý nghĩa như cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.

PV: Xin cảm ơn chị đã tham gia cuộc trò chuyện này.

                                  Trích bài dự thi của cô giáo Phạm Thị Hồng Duyên

Thidalath ạ! Trong chuyến đi sang thăm đất nước thân yêu của bạn, mình đã biết thêm và cũng chiêm nghiệm thêm nhiều điều. Đất nước Lào thật thanh bình, cảnh sắc thật tươi đẹp. Còn người dân Lào cũng thật dễ mến. Mình đã đến với That Luang, ngôi chùa nổi tiếng có hình nậm rượu, bên ngoài được dát vàng, là biểu tượng quốc gia, được in trên tiền giấy và quốc huy của Lào. Mình thấy đây là một công trình thật đặc biệt, đẹp như trong các truyện cổ tích mình đọc hồi thơ bé.

Mình cũng đến thăm Cánh Đồng Chum, nơi bố mình đã từng chiến đấu, khu vực văn hóa lịch sử với hàng ngàn chum bằng đá nằm rải rác dọc theo cánh đồng, từng là chiến trường khốc liệt nhất trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ của ba nước Đông Dương, vết tích còn sót lại đến bây giờ cũng khiến không ít người ngỡ ngàng.

Mình cũng đến với Luang Prabang thanh bình giống như cố đô Huế nước mình. Cố đô này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Mình cũng được ngắm bình minh ở Khải Hoàn Môn, ngắm hoàng hôn buông êm đềm bên bờ Mêkông. Đến đây, lòng người như lắng lại, yên bình. Mình đã đến nhiều nơi trên đất nước thân yêu của bạn. Tất cả đều rất tuyệt vời, rất ấn tượng! Không thể diễn tả hết những cảm xúc trào dâng trong lòng khi đến thăm những địa danh nổi tiếng của đất nước Triệu Voi xinh đẹp! Mình đi từ thích thú, ngạc nhiên này đến thích thú, ngạc nhiên khác. Mình đã chứng kiến cảnh trên đường phố từng dòng xe nối đuôi nhau chạy từ tốn, không một tiếng còi, không vội vã chen lấn… (Mình rất thú vị khi sang Lào mọi người kể chi tiết thừa nhất trên ôtô là… cái còi!) Tất cả tạo nên một nét rất đặc biệt, rất Lào. Đó là sự yên bình thật đáng mến. Đất nước của bạn là xứ sở của Phật giáo, theo mình biết thì đây là nước có tỉ lệ chùa cao nhất thế giới. Chùa gắn với trường học, gắn vói cả đời người. Người dân Lào thật thà, có niềm tin tuyệt đối vào

Đức Phật từ bi. Trong tâm khảm, họ tự răn mình phải sống ngay thẳng, thật thà; tránh xa điều dối trá vốn là nguyên nhân gây ra bất hạnh cho con người. Điều đó đã tạo nên một “tính cách Lào” không dễ pha trộn: đàng hoàng, tự tin, ung dung, tự tại…

Với nhân sinh quan và thế giới quan như vậy, người Lào ít khi cảm thấy mình bị thiếu thốn về vật chất, bức xúc về danh vọng, dẫu cho cuộc sống còn nhiều khó khăn…

Thidalath biết không? Mình ngạc nhiên và cảm phục ý thức tự giác đáng tự hào của người dân nước bạn. Đường phố thoáng đãng, sạch sẽ, xanh tươi, con người thân thiện. Mình thú vị khi nhìn thấy những thùng rác được đặt trên các đường phố. Người ta đã bóc lớp cao su ở lốp ôtô cũ để làm thành chiếc thùng rác hình tròn như những chiếc nồi đất lớn. Chân đế các thùng cũng được tạo ra từ vành tanh của lốp xe. Việc làm sáng tạo ấy đã khiến nước bạn giải quyết được hai bài toán về xử lý lốp ôtô cũ và thùng rác. Điều ấy khiến cho không chỉ riêng mình mà nhiều người khi đến thăm đất nước yên bình của bạn đều rất khâm phục.

Thidalath ơi! Còn điều này mình cũng thấy vô cùng gần gũi. Đó là món ăn Lào với các vị đặc trưng ngọt, chua, cay khiến mình cảm nhận được sự tương đồng về văn hóa ẩm thực ở các nước châu Á chúng ta. Đó là măng ngâm dấm, cơm lam dẻo thơm ăn với thịt nướng hay muối vừng quen thuộc, gần gũi mà đậm đà mùi vị núi rừng quê hương không thể nào quên. Rồi các món ăn chay ở Luang Prabang, chỉ được chế biến từ rau củ quả nhưng rất ngon và hấp dẫn, hương vị thì đậm đà, màu sắc thì vô cùng đẹp mắt…Ôi! Thật không sao diễn tả hết! Ngồi viết thư kể lại cho bạn nghe mà mình lại thấy thèm ăn rồi!Thidalath đừng cười mình nhé! Cảm xúc dâng trào và mình muốn chia sẻ cùng bạn. Mình muốn nói là rất yêu đất nước của bạn, yêu như yêu nước Việt Nam mình vậy. Nói thật là tuy lần đầu tới thăm nhưng mình không hề có cảm giác xa lạ mà thấy thật

gần gũi, dường như được trở về quê nhà sau một thời gian xa cách. Cảm giác vui mừng và bồi hồi cứ dâng lên trong lòng. Khi mình kể với bố điều này, bố bảo: “Con có cảm giác như vậy có lẽ vì từ lâu, cả gia đình ta đã coi nước Lào là Tổ quốc thứ hai của mình rồi, con ạ!” Mình thấy bố nói thật đúng!



Song Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất