Nhiều đồng
chí Ủy viên Trung ương khi thảo luận cũng làm rõ thêm một số vấn đề, dẫn thêm
nhiều câu chuyện sống động ở cơ sở.
Đúng là lâu nay chúng ta đã chú ý
làm công tác quy hoạch cán bộ từ cơ sở lên cấp huyện, cấp tỉnh, cấp
Trung ương. Việc chuẩn bị đội ngũ kế cận được làm bài bản, kỹ lưỡng, dân
chủ. Đây là một bước chủ động về nhân sự. Tưởng đến đại hội sẽ chả còn
chuyện gì phải lo. Chỉ việc lựa chọn mấy đồng chí trong quy hoạch mà bầu
vào cấp ủy, thường vụ, bí thư.
Thế nhưng đại hội càng đến gần thì càng
lo. Lo ở mấy nhẽ: Tuy đã tính trước nhưng nhìn lại thấy số cán bộ đến
tuổi về hưu, cán bộ không còn đủ tuổi vào cấp ủy khóa sau khá nhiều.
Đúng là "chuối chín cả nải". Mà lớp sau thì "dàn hàng ngang đi đều", lọt
vào vòng ngắm đấy nhưng không thấy ai thật nổi trội. Người học hành cơ
bản, "mác mỏ" đầy đủ thì năng lực, kinh nghiệm thực tiễn còn mỏng quá.
Người mạnh mẽ, quyết đoán, dám làm dám chịu lại còn "nợ" cái khoản ngoại
ngữ, tin học, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh. Người
được cấp trên "ngắm" nhưng cấp ủy cấp dưới lấy phiếu tín nhiệm lần nào
cũng thấp.
Hỏi vì sao thế thì thấy đủ thứ lý do "tế nhị". Anh quyết
đoán, miệng nói tay làm, bị gán cho tội làm liều. Anh năng động đưa đơn
vị từ chỗ làm ăn bí bét lên khá giả, báo chí cổ vũ, bị quy vào "bệnh
thành tích". Anh thận trọng, chắc chắn bị coi là bảo thủ. Anh lắng nghe,
tôn trọng ý kiến của dân thì có người đánh tiếng: "Cậu này ảnh hưởng
chủ nghĩa dân túy" (!)... Nhưng tất cả những điều đó không đáng lo bằng
mấy anh giỏi "chạy".
Có câu "đi nặng về nhẹ, đi không về không" lan
truyền lâu nay. Đi đâu vậy? Đi đến nhà cấp trên trực tiếp và cấp cao
hơn. Đi hết ngõ này ngách kia đến với những cơ quan có quyền tham mưu,
đề xuất về việc đề bạt, bổ nhiệm. Thậm chí, đi đến nhà một anh cùng
trong diện được xem xét bổ nhiệm, "bác nhường em đợt này nhé, em vào sớm
để còn cơ hội lên cao hơn, chứ bác tuổi nhiều rồi, chỉ được mỗi "đoạn"
này, em lên rồi sẽ ủng hộ bác". Còn "đi nặng", "đi nhẹ" thì ai cũng
hiểu. Thậm chí râm ran khắp nơi câu chuyện muốn ngồi cái ghế phòng, cục,
tổng cục... ấy thì phải bỏ ra bằng ấy, bằng nọ. Thật buồn! Thật là trăm
năm bia miệng. Những người có đức có tài, ai lại làm những chuyện ấy!
"Đi" với tốc độ chóng mặt, lại không thể đi người không, người ta định
danh là... "chạy".
Vào đại hội lần này, quan điểm của Trung ương là rất rõ, kiên quyết
phát hiện những người chạy chức, chạy quyền, chạy là dứt khoát không
dùng. Còn chạy ai, chạy cách nào lại là câu chuyện dài dài hồi sau xin
bàn. Đúng là vì có những anh chạy, những người "chống lưng" nên công tác
nhân sự mới thêm phức tạp, mới khiến thời gian bị xé vụn. Cấp ủy, rồi
ra đại hội, nếu không thận trọng, tinh tường sẽ chọn nhầm người bất tài,
cơ hội, bỏ sót người tài đức.
Còn một vấn đề đáng chú ý là "các công việc thường xuyên" bị bỏ bê
vào cuối nhiệm kỳ. Là do tư duy nhiệm kỳ. Là do cán bộ chủ chốt, nhất là
người đứng đầu nhiệt tình công tác đã xuống chân dốc, vì mình sắp đến
hồi "hạ cánh", vì mình nằm ngoài quy hoạch, vì mình bị xếp nhầm chỗ, vì
mình cần phải lặng im, không dám đụng việc khó, dễ mất phiếu... và nhiều
lý do khác.
Trong mọi công việc thường xuyên, điều quan trọng nhất là thúc đẩy
phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế đi lên, năm sau tăng trưởng cao hơn
năm trước, người dân ăn đủ ngủ yên, ấy là bối cảnh rất tốt để Đảng và
các tổ chức chính trị-xã hội bước vào đại hội. Có đồng chí Bí thư Tỉnh
ủy nói mộc mạc: chọn cán bộ cấp dưới cứ ngắm nơi nào kinh tế khá giả,
nội bộ không có điều ong tiếng ve là đã yên tâm một nửa rồi. Phải xem
anh ấy, chị ấy thực hành đạo đức ra sao chứ không cần người rao giảng
đạo đức. Người thực đức thực tài chả cần chạy xuôi, chạy ngược, chả cần
"xin gặp riêng" bí thư làm gì. Chúng tôi cần đồng chí, chúng tôi phải
mời đồng chí ghé vai cùng gánh vác chứ!,/,