Vụ cháy công ty Rạng Đông xảy ra vào lúc 18h5phút ngày 28/8 với tổng diện tích nhà kho, xưởng xảy ra cháy khoảng 6.000m2. Sau khoảng 6 tiếng đồng hồ, đám cháy mới được dập tắt. Đám cháy đã tạo ra lượng lớn khói bụi và các chất độc hại, từ đó tiềm ẩn nguy cơ nguy hại đến sức khỏe người dân xung quanh.
Ngay sau đó, ngày 29/8, Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân đã gửi thông báo tới người dân sống ở khu vực xung quanh, khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ ảnh hưởng từ khói bụi của vụ cháy.
Tuy nhiên, sáng 30-8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình đã ký quyết định thu hồi văn bản với lý do “không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. Thậm chí, lãnh đạo phường còn phải "kiểm điểm nghiêm khắc" về việc đó.
Chiều 30-8, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân có văn bản khẳng định các chỉ số quan trắc nhanh quanh khu vực cháy ở công ty Rạng Đông vẫn trong ngưỡng cho phép. Quận Thanh Xuân dẫn thông tin từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết các chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy kiểm tra nhanh đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.
Nhưng ngay sau đó, chính Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế và Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phủ nhận cung cấp kết quả quan trắc cho quận Thanh Xuân, bởi vẫn đang trong quá trình phân tích.
Sáng 31-8, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát đi thông cáo về tình hình xử lý sự cố sau vụ cháy ở công ty Rạng Đông với cảnh báo đây là sự cố cháy nổ có liên quan đến hoá chất có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Cũng trong sáng 31-8, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và 2 tổ quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã đến hiện trường tiến hành đo, kiểm tra tại khu vực nhà kho Rạng Đông.
Chiều 31-8, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có báo cáo nhanh liên quan đến tình trạng môi trường sau vụ cháy tại kho của Công ty Rạng Đông.
Ngày 2-9, Ban Giám hiệu Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) gửi thông báo đến cán bộ giáo viên, sinh viên của nhà trường về kết quả đánh giá môi trường quanh khu vực nhà trường sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. Kết quả phân tích môi trường cho thấy, hàm lượng thủy ngân trong các mẫu đại diện đều dưới ngưỡng cho phép theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành.
Như vậy, chỉ trong mấy ngày sau khi xảy ra vụ cháy, những thông tin về vụ việc và khắc phục hậu quả sau vụ cháy do các cơ quan chức năng cung cấp không đồng nhất. Nghiêm trọng hơn, những nội dung này cũng không trả lời được câu hỏi mà người dân đang quan tâm: môi trường sống bị ảnh hưởng như thế nào, “an toàn hay không an toàn”, “trong ngưỡng cho phép hay vượt ngưỡng”...
Song song với các cơ quan báo chí chính thống, trên mạng xã hội, các diễn đàn trên Internet cũng xôn xao về vụ cháy với những lời lẽ “cháy khủng khiếp tại nhà máy phích nước Rạng Đông”, “cháy nhà máy phích nước Rạng Đông, tin tức mới nhất”, “hít đủ hơi độc cả đêm”… càng gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng trong người dân.
Thực tế, công ty Rạng Đông đã không có những khuyến cáo cần thiết cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, cán bộ, nhân viên nhà máy tại hiện trường, người dân trong khu vực biết. Chiều 30/8, công ty ra một văn bản thông báo đã "nghiên cứu, sử dụng loại Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016" nhằm làm “nhẹ” đi vụ việc.
Hơn thế nữa, việc khuyến cáo liên quan đến sức khỏe của người dân trong khu vực lân cận vụ cháy phải có sự đánh giá liên ngành giữa ngành Tài nguyên & Môi trường với ngành Y tế. Trong thời gian kể trên, ngành Y tế chưa có động thái nào.
Để hướng dẫn và trấn an tâm lý người dân, thực tế này đòi hỏi, cần phải có tổ công tác liên ngành được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm nghiệm, đánh giá sự cố, công bố thông tin trung thực, khuyến cáo các giải pháp bảo vệ sức khỏe.
Đến ngày 4-9, sau 1 tuần xảy ra vụ việc, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân mới thông tin chính thức về các thông tin quan trắc liên quan đến vụ cháy nhà máy Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Cũng tại phiên họp báo này, Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp liên ngành, đưa ra các giải pháp khắc phục vụ việc với sự phân công cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan có liên quan.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nêu rõ, vụ cháy xảy ra ở công ty Rạng Đông là sự cố cháy nổ, mất an toàn về hóa chất và môi trường, được đánh giá quy mô ảnh hưởng mức độ trung bình.
Tuy nhiên, vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản và không khí, cũng như nước mặt, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và môi trường xung quanh. Các hoá chất gây tác động chủ yếu là thuỷ ngân và một số kim loại nặng phát sinh trong quá trình cháy. Các chất ô nhiễm này một phần phát tán vào không khí, một phần phát tán vào nguồn nước trong quá trình dập lửa.
Từ kết quả phân tích môi trường trên với các khuyến cáo của WHO cho thấy, phạm vi có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân trong bán kính khoảng 500 m tính từ hàng rào của kho bị cháy.
|
Chiều 5-9, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc họp bàn, chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy nhà xưởng công ty Rạng Đông với sự tham dự của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan. Tại cuộc họp, đại diện cư dân bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp nhanh chóng xác định nguyên nhân cháy, thiệt hại, khắc phục hậu quả, bảo vệ sức khỏe, ổn định tư tưởng nhân dân...
Như vậy, sau 1 tuần khi vụ việc xảy ra, thông tin mới được chính thức đưa ra và các giải pháp khắc phục được tiến hành thực hiện. Diễn biến của vụ việc không khiến dư luận băn khoăn “khi chưa có kết quả quan trắc ở công ty Rạng Đông, sao đã có thông báo an toàn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”?
Chắc chắn rằng, để khắc phục hậu quả của vụ việc, các cấp, ngành của Trung ương và thành phố Hà Nội cần có sự phối hợp, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ chung, tránh gây hiểu lầm, hoang mang trong người dân. Các cơ quan chức năng, chuyên môn cần nghiên cứu, thống nhất các quy chuẩn, tiêu chuẩn để có khuyến cáo phù hợp. Thành phố Hà Nội cũng như các địa phương khác cũng cần rà soát lại các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, yêu cầu hoàn thiện cơ sở kỹ thuật trong bảo quản, sử dụng đúng quy chuẩn.
Có thể thấy, đối với vụ cháy ở công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, các cơ quan báo chí đã kịp thời thông tin vụ việc; nêu rõ những nỗ lực, cố gắng của các lực lượng chức năng trong việc khống chế và khoanh vùng đám cháy, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do vụ cháy gây ra; kiểm tra ảnh hưởng đối với môi trường nhằm có những khuyến cáo thích hợp cho người dân trong khu vực có các biện pháp phòng tránh đối với các vấn đề về sức khỏe và môi trường; đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, khống chế đám cháy…
Tuy nhiên, chính sự không thống nhất của các cơ quan chức năng trong việc thông tin và tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội đã gây ra tâm trạng hoang mang trong dư luận.
Như vậy, trước những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, cần kịp thời định hướng thông tin; các địa phương, các ngành chức năng thuộc các lĩnh vực liên quan đến vụ việc cần thống nhất trong việc cung cấp thông tin để cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền trung thực, khách quan. Từ đó, góp phần định hướng nhận thức, thái độ và thống nhất hành vi trong giải quyết các vấn đề liên quan.
Thực tiễn đã chứng minh, trước những vấn đề bức xúc trong dư luận, dù độ phức tạp đến đâu, nếu được thông tin kịp thời, đúng đắn, thống nhất, làm tốt định hướng thông tin thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, bức xúc trong xã hội sẽ được giải tỏa.
Để tránh tình trạng thông tin không chính xác, tin giả (fake news), nhiễu loạn thông tin, các cơ quan chức năng cần minh bạch hóa thông tin, phối hợp và cung cấp cho các cơ quan báo chí thông tin chính thống.
Về phía các nhà báo, cơ quan báo chí, khi thông tin một vấn đề, cần phải chủ động thông tin, chính xác, kịp thời, trách nhiệm, có tính nhân văn để định hướng dư luận xã hội, tránh gây sự hiểu lầm hoặc hình thành những tin đồn, dư luận không đúng sự thật.
Để làm được điều đó, các nhà báo cần kiên trì nguyên tắc kiểm chứng thông tin, không phát tán tin đồn, cần chú ý lắng nghe các ý kiến đa chiều, không đưa ra nhận định theo ý kiến chủ quan.
Cần phải thừa nhận một thực trạng, hiện nay, trên mạng xã hội và các diễn đàn trên Internet, tin xấu thường lan truyền nhanh hơn tin tốt. Đối với các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, việc kiểm soát thông tin càng khó khăn hơn. Điều này dẫn tới việc những thông tin tiêu cực có cơ hội phát triển và thu hút sự nhiều hơn chú ý từ công chúng.
Vì vậy, cần đề cao tính trách nhiệm của mỗi người trong việc viết nội dung, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Cần có những hình thức xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin, trục lợi, vi phạm quy định trong sử dụng internet và mạng xã hội.
Thu Hằng