(TG) - Trong
tình thế cấp bách cần phải giải quyết khẩn trương mà cấp trên ra “khẩu
dụ” vì việc chung, vì lợi ích chung thì không có gì đáng nói. Nhưng thực
tế cho thấy, có những “khẩu dụ” thể hiện tính “nước đôi” - ẩn chứa sự
tính toán cá nhân...
Trong xã hội phong kiến, quan lại được ví như “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân). Đáng ra ở cái bậc vai vế “làm cha, làm mẹ” của dân thì quan lại phải có bổn phận, trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của dân chúng, nhưng trên thực tế, không ít “phụ mẫu” tuy mũ áo xênh xang, ăn cơm vua hưởng lộc nước, mà tác phong khệnh khạng, hách dịch, cửa quyền với dân, khiến dân vừa lo sợ, vừa khinh bỉ. Mỗi lần dân nhờ vả việc gì là phải trông cậy đến “cửa quan”. Nói đến “cửa quan” như nói đến một “cửa ải” đầy chông gai, mà không phải người dân nào cũng dễ dàng vượt qua nếu không đủ bản lĩnh cứng cáp, tâm lý vững vàng, thái độ bình tĩnh và nói năng khôn khéo để đáp lại những lời chất vấn của quan lại đưa ra. Thế nên mới có câu thành ngữ: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. Tóm lại, nhắc đến “cửa quan” là nhắc đến một điều gì đó vừa cao xa vời vợi, vừa bí ẩn khó lường, thậm chí có thể xảy ra bất trắc, rắc rối đối với dân chúng nào khi phải tới “cửa quan”.
Sau khi dốc bầu tâm sự như vậy, bạn tôi, một người làm thư ký cho mấy đời thủ trưởng cơ quan, hỏi: “Còn thời nay, không ít nơi, cậu biết cấp dưới ngại nhất khi gặp và xin ý kiến lãnh đạo là điều gì không?”. Tôi “vê vê” ngón tay cái và ngón tay trỏ với nhau, hàm ý nói là “tiền”, thì bạn lắc đầu, cười bảo: “Cao siêu hơn cả cái đó”. Tôi lẩm bẩm: “Cái gì mà cao siêu hơn cả tiền nhỉ?”. Bạn lại cười như muốn chế giễu tôi: “Là “ka-dê” cậu hiểu chưa?”. Thấy tôi “vò đầu bứt tai” vì không hiểu, bạn nói: “Ka-dê” (KD) là viết tắt của hai từ “khẩu dụ”.
Bạn cho hay, trước đây khi cơ quan tham mưu hay cán bộ cấp dưới muốn xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên thì soạn thảo văn bản, sau đó trình lên thủ trưởng xem xét. Nếu cấp trên đồng ý thì cứ “bút phê” kèm theo chữ ký vào góc trên cùng bên trái của trang văn bản đầu tiên. Chỉ cần có bút phê và chữ ký của lãnh đạo là cấp dưới cảm thấy yên lòng. Vì dù văn bản đúng - sai thế nào thì cũng đã có “nhân chứng, vật chứng” trên giấy trắng mực đen “bảo đảm” rồi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số quan chức đã khôn khéo né tránh, không trực tiếp “bút phê” vào văn bản, mà chỉ đạo gián tiếp bằng miệng. Người ta gọi đó là “khẩu dụ”.
“Khẩu dụ” thời nay được hiểu là khi cấp trên đã có ý kiến chỉ đạo qua lời nói rồi, thì cơ quan tham mưu và cán bộ cấp dưới cứ thế mà triển khai, thi hành.
Trong tình thế cấp bách cần phải giải quyết khẩn trương mà cấp trên ra “khẩu dụ” vì việc chung, vì lợi ích chung thì không có gì đáng nói. Nhưng thực tế cho thấy, có những “khẩu dụ” thể hiện tính “nước đôi” - ẩn chứa sự tính toán cá nhân mà không phải cấp dưới nào cũng hiểu mọi lẽ, mọi khía cạnh, nhất là có thể tiên lượng được, hậu quả có thể xảy ra sau này.
Phần vì tâm lý cả nể, phần vì sợ cấp trên, có những cán bộ cấp dưới phải “chiều lòng” thủ trưởng bằng cách ra những quyết định không đúng lúc, đúng chỗ, hoặc là thừa lệnh cấp trên ký vào những văn bản nhạy cảm nhưng thực tế lại có lợi cho thủ trưởng. Đến khi kiểm tra, thanh tra, kiểm toán vào cuộc soi xét tình hình nội bộ cơ quan, đơn vị (nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức, nhân sự, tài chính, kinh tế), nhiều người mới “tá hỏa” nhận ra thủ trưởng vẫn “bình chân như vại”, trong khi cấp dưới thì “chịu trận” “ăn đòn” bởi những liên lụy, vạ lây, thậm chí là vướng vào lao lý chỉ vì hồn nhiên tuân lệnh “khẩu dụ” của thủ trưởng!
Từ câu chuyện “khẩu dụ” đã và đang hiện hữu ở một số quan chức, anh bạn thư ký nói như “chốt lại vấn đề”: - Cứ tưởng thời nay không còn cái cảnh “cửa quan” nữa, nhưng vẫn có một bộ phận quan chức tìm mọi cách để lách luật, luồn qua khe hở của cơ chế, chính sách và dùng mưu mẹo cá nhân rất tinh vi để đưa ra “khẩu dụ” nhằm mang lợi lộc về mình, đẩy lỗi trách nhiệm cho người khác, đó là thái độ “siêu cửa quan”.
“Khẩu dụ” là một trong những biểu hiện mới rất đáng quan ngại của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thực dụng, vụ lợi. Thế nên, đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ triệt để “khẩu dụ” của một bộ phận quan chức hiện nay cũng là việc làm hữu hiệu để góp phần làm lành mạnh hóa thể chế chính trị, bộ máy công quyền và đạo đức công vụ./.
Thiện Văn
______________________________
(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 8/2019)