Thứ Ba, 26/11/2024
Đảng trong cuộc sống hôm nay
Thứ Năm, 7/4/2016 11:1'(GMT+7)

Nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển văn hóa, xây dựng con người

1. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã dành một phần riêng cho nhiệm vụ “phát triển văn hóa, xây dựng con người”, coi đó là một thành tố quan trọng, góp phần trực tiếp, cơ bản và lâu dài cho sự phát triển nhanh nhưng phải bền vững của đất nước. Trong các văn kiện từ Đại hội IX về trước, phần văn hóa thường được xếp chung với giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ và chỉ nhấn mạnh văn hóa gắn với xã hội, còn phần con người được đưa vào mục chung của các văn kiện. Lần này, văn kiện không chỉ tách văn hóa thành một mục riêng mà còn gắn với nhiệm vụ “xây dựng con người”. Đây là điểm tưởng như không mới, song thật sự đặt ra hai vấn đề lớn - cả về lý luận và đặc biệt về thực tiễn.

Một là, đặt văn hóa có vị trí “ngang hàng” với các lĩnh vực trọng yếu của sự phát triển đất nước, đúng như quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa. Từ năm 1945, Bác đã khẳng định “trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề phải chú ý đến cùng, phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội” (Báo Cứu quốc, ngày 8-10-1945). Hai là, văn kiện yêu cầu, mọi hoạt động văn hóa, dù phát triển đa dạng, phong phú như thế nào đều phải hướng tới, phải quy tụ vào mục tiêu xây dựng, nuôi dưỡng con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phải tạo cho được các giá trị tốt đẹp, phẩm chất cao quý trong nhân cách con người Việt Nam. Đó không hề là sự áp đặt đối với văn hóa, mà là lý do căn cốt nhất của sự ra đời, tồn tại và phát triển của văn hóa nhân loại, như cách đây hơn 160 năm, C.Mác đã xác định, mục tiêu cuối cùng của sản xuất tinh thần là tạo ra các giá trị trong nhân cách con người, làm cho con người trở nên NGƯỜI nhất.

2. Cả hai điều cực kỳ quan trọng nêu trên, trong những năm qua, mặc dù chúng ta đã cố gắng đạt được những kết quả nhất định, song, còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Do đó, trước khi xác định phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới, văn kiện đã trình bày ngắn gọn, cô đúc tình hình phát triển văn hóa, xây dựng con người thời gian qua, coi đó là cơ sở thực tiễn quan trọng để những năm tới cần củng cố, phát huy những kết quả đã đạt được và đặc biệt phải kiên quyết, kiên trì vượt qua những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém kéo dài trên lĩnh vực này.

Trong phần này, tư tưởng chỉ đạo là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ, không bỏ sót nhưng ngắn gọn, cô đúc, có tầm khái quát cao cả kết quả và khuyết điểm, yếu kém. a. Về kết quả, có thể khái quát thành hai nhóm nội dung. Một là, kết quả chung của hoạt động văn hóa, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng con người có bước chuyển biến quan trọng, thể hiện ở các điểm nổi bật như gắn yêu cầu xây dựng con người với nhiệm vụ xây dựng đất nước - tức là con người Việt Nam của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từ đó, trong nỗ lực của mình, văn hóa đã bước đầu góp phần hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất: trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên. Lâu nay, chúng ta có tâm trạng lo âu về sự xuống cấp của văn hóa và nhân cách con người. Nhưng, nếu toàn xã hội chỉ có xu hướng đó thì, vì sao, 30 năm qua, sự nghiệp đổi mới lại tạo ra những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử? Không có câu trả lời nào thuyết phục hơn là do nhân dân ta với những phẩm chất đã và đang hình thành nêu trên là lực lượng vĩ đại, “là nhân tố quyết định” (văn kiện Đại hội XII) tạo nên thành tựu đó. Vì vậy, văn kiện khẳng định kết quả trên là đúng đắn, khách quan và thuyết phục.

Hai là, văn kiện chọn lọc và nhấn mạnh một số kết quả trong các lĩnh vực cụ thể của văn hóa, như các giá trị truyền thống của dân tộc được kế thừa; văn học, nghệ thuật có bước phát triển; truyền thông đại chúng phát triển nhanh về loại hình, quy mô, lực lượng, phương tiện kỹ thuật và ảnh hưởng xã hội; phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng; giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc… b. Đọc kỹ văn kiện, chúng ta nhận thức rõ hơn, tỉnh táo hơn khi văn kiện không hề né tránh, chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm trong lĩnh vực này. Nhiều nhận định đã có trong các văn kiện trước, trong các Nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản, song nhìn tổng thể, văn kiện mới này chỉ ra những khuyết điểm chung tác động đến toàn xã hội, đến sự phát triển của đất nước và những khuyết điểm của một số lĩnh vực cụ thể và quan trọng của văn hóa...

Trong bốn nguyên nhân dẫn tới những khuyết điểm, yếu kém mà văn kiện chỉ ra, có lẽ, cần đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này, lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Như vậy là trách nhiệm chủ yếu mà văn kiện đã thẳng thắn chỉ ra thuộc về các cấp ủy đảng và chính quyền, từ Trung ương đến địa phương.

3. Từ tư duy rất khoa học và minh bạch nêu trên, ngay ở đoạn mở đầu phần phương hướng, nhiệm vụ, văn kiện đã yêu cầu trước hết đối với các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng đặc biệt và mục tiêu cao nhất của văn hóa là “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Bốn từ trên là yêu cầu cao, nhưng là tất yếu và giá trị căn cốt nhất của con người Việt Nam thời kỳ mới. Từ “khoa học” được bổ sung nhằm làm rõ một giá trị mới cần có trong nhân cách con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi mà khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo thành nội lực của dân tộc thời kỳ hiện đại. Đây là mục tiêu lâu dài, cơ bản phải thực hiện liên tục, bền bỉ trong toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển đất nước, song thực tiễn đòi hỏi quán triệt sâu sắc và triển khai đồng bộ, có kế hoạch và bước đi cụ thể, kiên trì, sáng tạo ngay từ bây giờ. Có lẽ, không thể chậm hơn được nữa! Từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên chính là làm cho văn hóa của chúng ta thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội và là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc ta. Hai luận điểm trên đây bổ sung cho nhau, tạo thành quan điểm khẳng định mạnh mẽ vai trò và sức mạnh đặc biệt của văn hóa. Cần phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn theo tinh thần đổi mới nội hàm và ý nghĩa của quan điểm trên và đặc biệt, cần năng lực vận dụng tư tưởng sâu sắc đó của tất cả các cấp, các ngành để hiện thực hóa quan điểm này trong đời sống đất nước.

4. Chỉ nhận thức sâu sắc ba mục tiêu phát triển văn hóa và xây dựng con người trên đây mới có thể triển khai được bảy nhiệm vụ lớn và nặng nề, trong đó có những yêu cầu, nội dung mới mà văn kiện Đại hội đã xác định. Có mấy điểm cần lưu ý về các nhiệm vụ này. Một là, các nhiệm vụ bao hàm yêu cầu, định hướng và những nội dung chủ yếu cho toàn bộ các lĩnh vực văn hóa, có quan hệ chặt chẽ, biện chứng, không thể xem nhẹ nhiệm vụ nào. Vì thế, trong Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI), xác định sáu nhiệm vụ; vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đào tạo cán bộ, đầu tư cho văn hóa được đưa thành các giải pháp. Ở văn kiện lần này, các nội dung trên đã khẳng định đó là nhiệm vụ quan trọng. Hai là, các nhiệm vụ trên phải được thực hiện trong một thời gian dài, không có kết thúc, song theo yêu cầu, tính chất của văn kiện nhằm xác định nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 5 năm (2016 – 2021), tất yếu nó phải vừa là yêu cầu cần phấn đấu cao, vừa mang tính khả thi để đạt được một định lượng, một chất lượng xác định, khắc phục bằng được những yếu kém, khuyết điểm đã chỉ ra trong văn kiện và tạo được một hàm lượng văn hóa cao hơn trước trong con người và đời sống xã hội. Công việc này đòi hỏi tư duy, năng lực mới của các cấp quản lý, lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương vì lâu nay, nhiều nơi còn làm văn hóa đến đâu được đến đấy, vì cho rằng không ai “đo đếm” được kết quả của văn hóa, vì thế, văn hóa ở một số nơi chỉ còn là phần đuôi, phần “thêm vào” trong kế hoạch chung.

Trên cơ sở đó, văn kiện lần này đặt lên hàng đầu nhiệm vụ “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Để thực hiện nhiệm vụ nặng nề này, văn kiện đồng thời nhấn mạnh một cách biện chứng hai mặt không thể tách rời nhau trong thực tiễn hiện nay, một là, kiên trì, sáng tạo xây cái mới trong nhân cách con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với các giá trị cần có nhưng đang gặp nhiều nan giải trong quá trình phát triển về đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Hai là, kiên quyết không khoan nhượng chống, phê phán đến cùng cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, các hành vi sai trái “làm tha hóa con người”, đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, tỉnh táo “khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam” đang ngày càng bộc lộ rõ hơn trong điều kiện, đặc điểm ngày hôm nay. Nhiệm vụ xây và chống này đã được Bác Hồ khẳng định là “nhiệm vụ khổng lồ” trong Di chúc của Người.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai được xác định là “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Từ Đại hội IX đến nay, nhiệm vụ này luôn được coi là vừa cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài. Đại hội XI coi đây là nhiệm vụ thứ nhất, chứng tỏ tính cấp thiết, nóng bỏng và nhu cầu to lớn của toàn xã hội. Văn kiện lần này đặt nhiệm vụ nêu trên trong bối cảnh kinh tế thị trường đang phát triển mạnh và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và đi vào chiều sâu. Trong điều kiện mới đó, nội dung được bao quát rộng, toàn diện từ môi trường văn hóa trong từng gia đình đến các làng, bản, cộng đồng dân cư; từ các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đến toàn bộ hệ thống chính trị; từ trong Đảng đến toàn xã hội; từ miền núi, nông thôn đến các đô thị, thành phố; từ đồng bào không theo tôn giáo đến văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Đó là những công việc cụ thể, tỉ mỉ, sáng tạo liên quan đến tất cả chúng ta để có thể tạo một môi trường văn hóa trong sạch, nhân văn, dân chủ và kỷ cương. Phía trước, khó khăn còn chồng chất vì môi trường sống, môi trường xã hội, trong đó, môi trường văn hóa là cốt lõi, đang xuống cấp, nhiều năm chưa bị đẩy lùi. Song, vì một môi trường, trong đó con người cần được phát triển toàn diện, được tự do, được sống bình yên và hạnh phúc, không thể thoái thác nhiệm vụ mà Đại hội XII đã xác định, thể hiện sâu sắc nguyện vọng cháy bỏng của mọi người Việt Nam hôm nay và mai sau. Xin nhớ lại, cách đây gần 22 năm, Thủ tướng - nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh, coi nhiệm vụ đẩy lùi, giảm dần những tiêu cực trong xã hội đang hoành hành, đầu độc môi trường sống là cực kỳ quan trọng, có thể là điều kiện tiên quyết vì “nếu môi trường đó ô nhiễm thêm theo hướng như hiện nay, thì mọi người chúng ta sẽ sống làm sao, sẽ sống với ai và sẽ sống để làm gì?!” (Phạm Văn Đồng - Văn hóa và đổi mới - NXB Chính trị quốc gia, 1994, tr.86 - 87).

Gắn với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, văn kiện chỉ rõ một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt, đó là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, trong toàn bộ hệ thống chính trị… để đẩy lùi, khắc phục bằng được các căn bệnh đang làm giảm sút uy tín, sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức trên. Văn hóa trong kinh tế không chỉ là văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, mà quan trọng hơn là đưa hàm lượng trí tuệ, chất xám, hàm lượng văn hóa vào trong các sản phẩm kinh tế, kinh doanh, dịch vụ… Đó là một thách thức gay gắt đối với nền kinh tế nói riêng và sự phát triển nhanh và bền vững nói chung của đất nước.

Từ văn hóa đến kinh tế, trong kinh tế phải có văn hóa, phát huy ưu thế của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, văn kiện lần này chỉ ra nhiệm vụ mới: “phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”. Đã đến lúc phải coi đây là một nhiệm vụ tuy nhiều khó khăn nhưng phải làm để phát huy cho được thế mạnh của văn hóa Việt Nam và biết kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với công nghiệp, công nghệ, giữa giá trị tinh thần - văn hóa với giá trị kinh tế từ công nghiệp văn hóa. Tất nhiên, 5 năm tới, phải chọn bước đi phù hợp, biết xác định thế mạnh của văn hóa dân tộc, thí điểm một vài loại hình công nghiệp văn hóa để từng bước thực hiện nhiệm vụ này.

Từ nhiệm vụ chung của toàn bộ các lĩnh vực văn hóa phải thực hiện, văn kiện Đại hội XII chỉ ra nhiệm vụ cho từng lĩnh vực cụ thể của ngành văn hóa, trong đó tập trung xác định định hướng nhiệm vụ cho các ngành giữ vị trí quan trọng như huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa của các dân tộc thiểu số, những giá trị tích cực của văn hóa tôn giáo…; sáng tạo các giá trị văn hóa mới; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, khuyến khích tự do sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân; quy hoạch, sắp xếp hợp lý, phát triển lành mạnh, quản lý hiệu quả hệ thống báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, các loại hình thông tin in-tơ-nét… Lĩnh vực văn hóa đối ngoại được nhấn mạnh theo định hướng là chủ động hội nhập quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để đưa sự giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu và từ đó, giữ gìn, phát triển, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhiệm vụ cuối cùng, cũng có thể khẳng định là nhân tố có ý nghĩa quyết định, đó là “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa”. Ở đây, từ kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm qua, định hướng nhiệm vụ được khẳng định là, đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng vừa bảo đảm văn hóa phát triển theo đúng định hướng chính trị, tư tưởng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo, khắc phục tình trạng hoặc buông lỏng, hoặc mất dân chủ đối với sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật… Trong công tác quản lý nhà nước, văn kiện đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, một nhiệm vụ lâu nay triển khai chậm chạp, thiếu đồng bộ và khả thi. Trong công tác của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa, nhiệm vụ xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa phải được coi là có tầm quan trọng chiến lược, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành và cán bộ văn hóa ở cơ sở. Văn kiện chỉ nhấn mạnh “xây dựng chiến lược” phát triển đội ngũ này, song, để làm được điều đó, cần suy nghĩ, đổi mới sâu sắc tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, vì công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cần một tầm nhìn xa, một sự hiểu biết sâu sắc đặc trưng của văn hóa và cần một sự kiên trì, tâm huyết và trân trọng.

GS, TS Đinh Xuân Dũng
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất