Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Huyện ủy Văn
Chấn (Yên Bái) nghiêm túc nhận thấy nhiều chủ trương, nghị quyết đề ra
nhưng chưa thật sự đi vào cuộc sống, do năng lực, trình độ của đội ngũ
cán bộ còn hạn chế. Bằng nhiều giải pháp đào tạo, thu hút, luân chuyển
cán bộ, Văn Chấn đã từng bước giải quyết “nút thắt” này, góp phần đưa
Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tại chỗ
Đường về xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn tấp nập người đi thu hoạch chè Shan tuyết. Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Đằng cùng cán bộ đi kiểm tra quy trình sơ chế và bảo quản của các xưởng sản xuất chè trong xã, nhắc các hộ dân thu hái búp chè tươi đúng quy định. Anh cho biết, thời gian gần đây nhờ áp dụng các phương pháp kỹ thuật thu hoạch và đẩy mạnh khâu chế biến chè mà thu nhập của đồng bào người Mông trong xã tăng hàng chục triệu đồng/hộ so với vài năm trước. Anh tâm sự, trước kia, do cán bộ trình độ hạn chế, không dám nghĩ, dám làm. Xã có nguồn chè Shan tuyết nổi tiếng, 400 cây chè cổ thụ được vinh danh "Cây di sản Việt Nam", nhưng cứ loay hoay không biết làm thế nào để tăng thu nhập, cho nên đời sống đồng bào khó khăn.
Văn Chấn là huyện phía tây tỉnh Yên Bái, địa hình núi cao, giao thông khó khăn, trình độ sản xuất của đồng bào còn thấp và tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Nhưng, huyện có tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất chăn nuôi, trồng chế biến chè Shan tuyết, gạo nếp Tú Lệ và vùng cây ăn quả hơn 1.000 ha... Nhằm nâng cao đời sống nhân dân, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã triển khai nhiều chương trình, dự án về phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh từng vùng, từng địa phương. Tuy nhiên khi triển khai, kết quả không cao, do còn “mắc” ở đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở. Họ là những cán bộ nhiệt huyết, trách nhiệm nhưng năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn còn yếu, dẫn tới lúng túng trong triển khai tổ chức thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Khi tiến hành việc cần làm ngay theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Huyện ủy Văn Chấn xác định quyết tâm tháo gỡ “nút thắt” này bằng nhiều giải pháp; đầu tiên là tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở tại chỗ.
Văn Chấn có 28 xã và ba thị trấn. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, có khoảng 60% số cán bộ tại chỗ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Để có hình thức bồi dưỡng phù hợp, Huyện ủy cử cán bộ các phòng, ban chuyên môn ở huyện xuống trực tiếp bồi dưỡng kiến thức, đồng thời mở nhiều lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước… Từ năm 2010 đến nay, huyện liên kết với các trường đại học nông, lâm nghiệp mở lớp đào tạo cho cán bộ huyện và cấp cơ sở. Huyện ủy cũng chủ động mở lớp đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn. Sau đào tạo, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đã có sự chuyển biến tích cực.
Trình độ chuyên môn của cán bộ được nâng cao. Việc tổ chức triển khai nghị quyết của cấp trên thuận lợi hơn. Bí thư Giàng A Đằng mạnh dạn “thử nghiệm” mô hình sản xuất chè sạch đầu tiên tại xã. Trải qua thời gian tìm tòi, cải tiến, anh đã thành công với nhãn hiệu chè A Đằng có tiếng là sạch, thơm, mầu vàng sánh. Từ thành công đó, anh bàn với lãnh đạo xã vận động đồng bào Mông mở rộng diện tích trồng chè và chế biến chè sạch. Hiện xã có hơn mười xưởng chế biến chè mang thương hiệu Shan tuyết, cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với phát triển kinh tế, đội ngũ cán bộ cơ sở ở Suối Giàng chăm lo xây dựng đời sống văn hóa nhân dân. Chi bộ bản Pang Cáng, thôn sâu xa nhất của xã vừa được Ban Dân vận T.Ư tặng Bằng khen vì đã thành công trong vận động nhân dân đổi mới việc cưới, việc tang theo nếp sống mới.
Tăng cường cán bộ trẻ cho cơ sở
Đồng chí Hà Thị Thanh Uyển, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết, cùng với bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ cơ sở, Huyện ủy Văn Chấn chú trọng tăng cường cán bộ trẻ cho cơ sở bằng cách thu hút, luân chuyển. Anh Hà Văn Tuấn, sinh năm 1983, dân tộc Thái, mới tốt nghiệp Trường đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, có nhiều cơ hội làm việc tốt, nhưng khi được Huyện ủy vận động, anh đã về công tác tại xã Thạch Lương với vị trí Chủ tịch UBND xã. Ngày ngày, anh bám thôn, bản, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung. Nhờ đó, đời sống bà con dân tộc Thái, Mường ở các bản được cải thiện rõ rệt. Hiện, anh vận động nhân dân làm vụ ba trên đất hai vụ lúa bằng các giống ngô lai, đỗ tương để tăng thu nhập. Anh Trịnh Xuân Thành cũng là cán bộ trẻ được điều động từ UBND huyện về công tác tại xã Thanh Lương, giữ chức Chủ tịch UBND xã trong khi đảng bộ xã hai năm liền (2010 - 2011) yếu kém. Để phát huy năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, ngay những ngày đầu nhận công tác, anh đã cùng Đảng ủy tổ chức nhiều cuộc họp nhằm củng cố và đánh giá năng lực cán bộ, xây dựng quy chế làm việc; chấn chỉnh tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ. Hằng tuần, tháng, Đảng ủy họp đánh giá công tác quản lý điều hành. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ xã xuống thôn, năm 2013, Đảng bộ được xếp loại khá và từ năm 2014 đến nay được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tinh thần làm việc của cán bộ được nâng cao, niềm tin của nhân dân với xã được củng cố… Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn Cao Văn Khải chia sẻ, thành công trong đào tạo cán bộ trẻ của Văn Chấn là mạnh dạn giao việc khó để thử thách. Thời gian qua, Huyện ủy đã điều động, luân chuyển gần 30 lượt cán bộ trẻ về cơ sở giữ các chức danh chủ chốt ở hầu hết các xã đặc biệt khó khăn. Phần lớn các đồng chí nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tế, phát huy năng lực trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố tổ chức đảng, đoàn thể địa phương vững mạnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Huyện ủy Văn Chấn, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đã được nâng lên một bước, song chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Huyện ủy Văn Chấn xác định trong năm 2016 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở; bảo đảm 95% số cán bộ có trình độ chuyên môn theo quy định; 100% số công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên… Để thực hiện mục tiêu này, Huyện ủy đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng, đánh giá đúng năng lực cán bộ. Từ đó bố trí, sắp xếp hợp lý; đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lâu dài; gắn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với điều động, luân chuyển cán bộ để tạo nguồn cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở...
Văn Toán, Thanh Sơn/TTXVN