Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 12/3/2009 9:1'(GMT+7)

Nhiếp ảnh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế

Một bức ảnh tham gia Triển lãm 100 bức ảnh cuối thế kỷ XIX

Một bức ảnh tham gia Triển lãm 100 bức ảnh cuối thế kỷ XIX

Tôn vinh người Việt Nam đầu tiên đưa nhiếp ảnh thế giới vào nước ta

Tại hội thảo, các tham luận của Nhà sử học Dương Trung Quốc- Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng đã làm rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ- người đầu tiên đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, người tiên phong cho những giá trị hiện đại của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Chỉ 30 năm sau ngày nhiếp ảnh ra đời, ở Việt Nam, Đặng Huy Trứ- một vị quan triều Nguyễn thời vua Tự Đức đã đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam. Hiệu ảnh mang tên "Cảm Hiếu Đường" của ông khai trương vào ngày 2/2 năm Kỷ Tỵ (tức ngày 14/3/1869), cách nay tròn 140 năm. Hiệu ảnh này toạ lạc tại phố Thanh Hà, gần Ô Quan Chưởng. Trong phương thức kinh doanh của mình, chủ nhân "Cảm Hiếu Đường" đưa ra tiêu chí: thu tiền của khách không phụ thuộc vào chất lượng mà vào nội dung ảnh. Kẻ quyền quý, cao sang thì phải trả phí cao hơn người có thân phận thấp hơn trong xã hội. Đây không phải là chiêu thức kinh doanh thuần tuý, mà nhằm nhấn mạnh đến những giá trị mà ngay nay ta gọi là "phi vật thể" của sản phẩm.

Chủ nhân "Cảm Hiếu Đường" - Đặng Huy Trứ- là một bậc trí thức yêu nước tiêu biểu, xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học, đỗ đạt. Ông là người Duy Tân khi tìm tòi những phương thức cứu nước mới mẻ, hợp với trào lưu mà việc du nhập công nghệ mới, tư tưởng mới. Phan Bội Châu coi ông là "người trông mầm khai hoá đầu tiên ở Việt Nam".

Nghệ thuật Nhiếp ảnh trong cơ chế thị trường và xu thế hội nhập

Theo nhà nhiếp ảnh Vũ Đức Tân (Trưởng ban lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam), ngày nay, nhiếp ảnh đã trở thành một nghệ thuật phổ biến được yêu thích với đại đa số công chúng. Nghệ thuật nhiếp ảnh giúp chúng ta khám phá thế giới. Đây cũng là một lợi thế của nhiếp ảnh. Cơ chế thị trường đã làm nghệ thuật nhiếp ảnh hòa nhập vào cuộc sống một cách tự nhiên và hoà hợp với thời đại.

Còn theo nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến- Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, thuận lợi của nhiếp ảnh VN trong cơ chế thị trường thể hiện ở những điểm như: mối quan hệ giao lưu của VN với các nước trên thế giới ngày càng rộng mở; đề tài của nhiếp ảnh không chỉ tập trung vào đề tài chiến tranh mà ngày càng phong phú, đa dạng; kỹ thuật và phát minh của nhiếp ảnh hiện đại du nhập vào VN rất nhanh và nhu cầu sử dụng ảnh trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhiếp ảnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: ảnh báo chí tuyên truyền thì thiếu thông tin sự kiện, thiếu phát hiện và khi nêu ra những hiện tượng mới thì lại có xu hướng đẹp hoá và sắp đặt dàn dựng. Trong khi đó, ảnh nghệ thuật của ta lại có xu hướng ép ý tưởng và hình ảnh một cách khiên cưỡng. Để hội nhập được tốt, nhiếp ảnh cần được đầu tư, củng cố về qui mô, tổ chức. Nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến cũng đề nghị đổi tên "Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam" thành "Hội Nhiếp ảnh Việt Nam".

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thành (Báo ảnh Việt Nam) nhấn mạnh "Cái tôi- tiềm năng của sự sáng tạo trong nghệ thuật". Hiện nay có nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ, đã tỏ ra không còn bị lệ thuộc vào những giải thưởng để giữ phong cách và cái tôi trong nhiếp ảnh của mình. Họ xa rời những giải thưởng thiếu tính chuyên nghiệp, đi tìm cái riêng biệt của mình trong cách thể hiện. Có thể nói, trong xu thế hội nhập quốc tế, phát huy sáng tạo cá nhân trong nhiếp ảnh là một nhu cầu thực sự. Chấp nhận đa phong cách là chấp nhận những dấu ấn mạnh mẽ của cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu không có những cá tính trong nhiếp ảnh thì không thể phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh một cách thực sự. Bởi lẽ "Cái tôi mang tính chủ động và năng động trong thời đại mới. Cái tôi giàu cá tính và đa dạng cách nhìn. Phát huy được cái tôi là khơi dậy cả một tiềm năng sáng tạo của người nghệ sĩ cầm máy"- nghệ sĩ Nguyễn Thành nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Mão- giảng viên Khoa báo chí (Học viện Báo chí và tuyên truyền) thẳng thắn nêu những bất cập khi giảng dạy nhiếp ảnh trong cơ chế thị trường. Công tác đào tạo báo chí nói chung, chuyên ngành nhiếp ảnh báo chí nói riêng hiện nay ở nước ta chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng đúng và đầy đủ yêu cầu của thực tế. Nhìn chung, việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên vẫn mang tính lý thuyết; thời gian đầu tư cho việc rèn nghề và làm nghề chưa thoả đáng. Trong 45 năm qua, Khoa báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đào tạo hơn 200 phóng viên ảnh, hầu hết họ đều làm được nghề. Trong những năm gần đây, khoa đã đổi mới nội dung giảng dạy, tăng thời gian thực hành và đặc biệt chú trọng rèn luyện bản lĩnh của người cầm máy: "Nhiếp ảnh là cuộc sống, mỗi khoảnh khắc nhà nhiếp ảnh ghi lại đều là một mảnh cắt của hiện thực cuộc sống. Cuộc sống lại không bao giờ dừng lại, nó luôn vận động và phát triển. Bởi vậy, người cầm máy phải luôn biết rèn luyện cho mình thói quen quan sát, phân tích, cắt nghĩa cuộc sống để có thể định dạng chúng trong mỗi tác phẩm của mình, cho dù đó là ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật. Làm được điều đó cũng có nghĩa là "Nhà báo nhiếp ảnh là những người chép sử bằng hình".

Khai mạc triển lãm "Những bức ảnh Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX"

Triển lãm giới thiệu những nét khái quát về cuộc sống gia đình và xã hội của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường- người sưu tầm bộ ảnh này cho biết: Để có những bức ảnh trưng bày này, ông đã phải dày công sưu tầm ở những gia đình giàu có, khá giả, quan lại xưa như: Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký, Tuần phủ Nguyễn Đình Chi, hay các nhà nghiên cứu văn hoá như: Vương Hồng Sển, Nguyễn Hữu Thông, Phan Thuận An..., hoặc các nhà nhiếp ảnh như: Võ An Ninh, Lê Đình Chữ, Phạm Văn Mùi, Đỗ Huân, Lê Vượng, Nguyệt Diệu, Mạnh Đan, Trịnh Đình Thu... Ông cũng sưu tầm ảnh chụp trong một số sách ảnh, tạo chí của các giả nước ngoài, các cơ quan lưu trữ như: Thư viện Khoa học Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Tạp chí Xưa và Nay...
 
Kết quả sưu tầm khá khả quan: thu thập được trên 1.200 ảnh và đã chọn được 140 ảnh có chất lượng về các đề tài: chân dung thiếu nữ và nam giới, nghề thủ công, ảnh kỷ niệm gia đình, sinh hoạt đời sống của các gia đình tầng lớp trên, quan lại vua chúa, người bình dân, sinh viên học sinh, cảnh sinh hoạt như: buôn bán, chợ búa, vui chơi văn nghệ, tế lễ, đám cưới, đám ma.v.v... Cùng với giá trị nghệ thuật, những bức ảnh trưng bày tại triển lãm thực sự là những tư liệu lịch sử quí giá để chúng ta hiểu hơn về đời sống xã hội của Việt Nam cách đây một thế kỷ./.

- Minh Tường -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất