Thứ Năm, 5/12/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 4/11/2016 10:11'(GMT+7)

Nhiều hoạt động thú vị nhân Ngày di sản văn hóa Việt Nam

Các đại biểu tìm hiểu các hiện vật tại triển lãm 'Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới.' (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Các đại biểu tìm hiểu các hiện vật tại triển lãm 'Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới.' (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Mở đầu chuỗi hoạt động là sự kiện triển lãm “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới” do Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khai mạc tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ, số 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm. Triển lãm đã đem đến cho mọi người cái nhìn mới mẻ về di sản Việt.

Lần đầu tiên công chúng trong và ngoài nước được thưởng lãm bảo vật Quốc gia tượng A-Di-Đà (chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh) được phục dựng hoàn chỉnh với tỷ lệ nhỏ nhất; hay bức tượng Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương (Hà Nội)... Ngoài ra, còn nhiều mẫu tượng khác được phục chế với kích thước nhỏ để mỗi người có thể dùng để thờ cúng hoặc trang trí.

Cũng trong triển lãm này những đồ án đồ gỗ nội thất mang dấu ấn thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Mạc lần đầu tiên ra mắt trong bộ sưu tập như: ghế gỗ, trấn phong gỗ sử dụng những hoa văn, họa tiết đặc trưng Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "Chúng ta có một kho tàng di sản nhưng trong đời sống hàng ngày, chúng ta lại vay mượn rất nhiều yếu tố trang trí của nước ngoài. Do đó những người tổ chức đã đưa những nét đẹp của các di sản vào cuộc sống thông qua các sáng tạo, các thử nghiệm của mình."

Trong khuôn khổ của triển lãm, còn có các buổi tọa đàm về Bảo vật quốc gia tượng A-di-đà chùa Phật Tích dưới sự chủ tọa của Thượng tọa Thích Đức Thiện – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức ngày 5/11 và tọa đàm "Mỹ thuật truyền thống ứng dụng vào sản phẩm mỹ thuật công nghiệp" dưới sự chủ tọa là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Nghị – Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 9/11.

Tại các điểm di sản khác của khu phố cổ Hà Nội cũng diễn ra hoạt động văn hóa chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam . Ở Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây giới thiệu đến công chúng văn hóa trà Việt Nam . Tại đình Kim Ngân, số 42 – 44 Hàng Bạc giới thiệu nghệ thuật thêu truyền thống do nghệ nhân Vũ Hải, xã Toàn Thắng, huyện Thường Tín, Hà Nội đảm nhiệm. Thời gian diễn ra các hoạt động này từ nay đến cuối tháng 11.

Đặc biệt, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, số 50 Đào Duy Từ còn có triển lãm giới thiệu trang phục cung đình Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 27/11.

Triển lãm sẽ sắp đặt không gian ước lệ theo lối cung đình do họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức chủ trì, giới thiệu trang phục cung đình và cách phục dựng do nghệ nhân Vũ Giỏi chủ trì. Cũng tại triển lãm này sẽ tổ chức hai buổi tọa đàm về nghệ thuật thêu truyền thống và hướng dẫn cho khách tham quan thực hành thêu do nghệ nhân Vũ Giỏi chủ trì. Cũng trong thời gian này, tại đây đồng thời tổ chức triển lãm giới thiệu về trang phục hầu đồng và tọa đàm về văn hóa Đạo Mẫu. Giáo sư, tiến s​ỹ Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian sẽ giới thiệu về văn hóa Đạo Mẫu và trang phục trong giá đồng đến nhân dân. Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng tâm linh cũng giới thiệu các trích đoạn tiết mục Chầu văn tiêu biểu.

Trong ngày 18/11, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ sẽ tổ chức trình diễn trang phục truyền thống áo dài với chủ đề “Nét xưa.” Buổi trình diễn giới thiệu trang phục áo dài phục dựng theo lối cung đình của nghệ nhân Vũ Giỏi, thư pháp trên áo yếm của nhà thiết kế Lan Anh và Thư họa gia Kiều Quốc Khánh, thời trang áo dài của nhà thiết kế La Hằng, Minh Minh, Duyên Hương và Peony. Bên cạnh đó, còn tổ chức nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: chèo, tuồng, quan họ…/.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất