Tiến hành cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1930 - 1954)
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Vĩnh Phúc là nơi sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng, trên cơ sở đó, các tổ chức Đảng lần lượt được ra đời như: Chi bộ đồn điền Đa Phúc (tháng 3-1933), chi bộ đồn điền Tam Lộng (tháng 10-1933), chi bộ Vĩnh Tường (tháng 8-1938), chi bộ Dẫn Tự - Hoà Lạc (năm 1939)...
Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, các Ban cán sự Đảng và đặc biệt là sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương thông qua 2 đội công tác về xây dựng khu an toàn của xứ uỷ và Trung ương (khu ATK) trên đất Vĩnh Phúc cuối năm 1944, phong trào cách mạng của tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ. Phong trào thành lập Mặt trận Việt Minh phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Việc xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang ở phía Bắc hai huyện Tam Dương - Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Yên), Ngọc Thanh (tỉnh Phúc Yên) dược đẩy mạnh.
Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 15-8-1945, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, các địa phương trong tỉnh đã chớp thời cơ đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 17-8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Lập Thạch; ngày 18-8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Đông Anh, Bình Xuyên; ngày 19-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Kim Anh, Đa Phúc; ngày 20-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Yên Lãng; ngày 21-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở huyện Vĩnh Tường; ngày 22-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở huyện Yên Lạc; ngày 24-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở huyện Tam Dương.
Như vậy, đến ngày 24-8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền ở cấp huyện trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Đối với cấp tỉnh, ngày 19-8-1945 hàng nghìn quần chúng và tự vệ Phúc Yên đã giành chính quyền cấp tỉnh một cách nhanh gọn. Ngày 31-8-1945 hàng vạn quần chúng và tự vệ Vĩnh Yên với vũ khí tự tạo như súng kíp, giáo mác, gậy gộc… đã giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng tiến vào thị xã Vĩnh Yên giành chính quyền cấp tỉnh. Nhưng do bản chất ngoan cố của bọn việt gian, quốc dân đảng, chúng đã dùng súng đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa, làm cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp tỉnh ở Vĩnh Yên không giành được thắng lợi. Tuy thị xã Vĩnh Yên vẫn bị bọn phản động chiếm đóng, nhưng tất cả các nơi trong tỉnh chính quyền đã về tay cách mạng. Do vậy, đầu tháng 9-1945 Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Vĩnh Yên đã được thành lập, đóng trụ sở tại huyện Yên Lạc.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi có phần đóng góp quan trọng của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc. Trang sử vàng Cách mạng tháng Tám mãi mãi là niềm tự hào, là bài học quý đối với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Đảng bộ mới tròn 5 tuổi (1940-1945) đã lãnh đạo nhân dân phối hợp cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám huy hoàng. Kết quả đó là sự vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn địa phương. Đó là kết quả của việc xây dựng thành công Mặt trận Việt Minh ngày càng rộng lớn, đảm nhiệm công việc vận động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Nhân tố hết sức quan trọng khác để làm nên thắng lợi còn là truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, khi có sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống ấy càng được bồi dưỡng và phát huy cao độ.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với việc khắc phục nhiều khó khăn do chế độ cũ để lại, nhân dân Vĩnh Phúc đã tranh thủ thời gian hòa bình của những năm đầu kháng chiến, tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Về xây dựng lực lượng: Ngay sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các cơ quan quân sự từ tỉnh đến huyện, xã đã được thành lập. Các đơn vị du kích tập trung lần lượt ra đời ở tỉnh và huyện, đây chính là lực lượng nòng cốt để tỉnh xây dựng các đơn vị chủ lực sau này.
Về tiêu thổ kháng chiến: Thực hiện chủ trương của Đảng, tính đến năm 1948 trên địa bàn Vĩnh Phúc nhân dân đã phá 455 nhà 2 tầng, 808 nhà 1 tầng, phá bỏ tường 5.500 ngôi nhà, đào xẻ hàng trăm km đường và 18.850 hố trên các quốc lộ, cắt 40 cầu, đắp ụ và xây dựng chướng ngại vật dọc theo đê sông Hồng và sông Cà Lồ.
Về xây dựng làng kháng chiến: Tính đến năm 1948 Vĩnh Phúc đã xây dựng được 122 làng kháng chiến có đầy đủ hầm tránh máy bay, hầm bí mật, hầm cất giấu tài sản. Trong đó làng Minh Đức, Tuân Chính, Cao Đại (Vĩnh Tường), làng Thanh Lãng (Bình Xuyên), làng Hiệp Lực (Yên Lạc), làng Yên Dương (Lập Thạch) được tỉnh công nhận là làng kháng chiến kiểu mẫu.
Sau hơn 2 năm xâm lược, quân Pháp đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân ta, thất bại lớn nhất của địch là cuộc tấn công lên Việt Bắc thu đông năm 1947 đã làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Góp phần vào thắng lợi ấy, quân và dân Vĩnh Phúc có nhiều đóng góp trên mặt trận sông Lô, đã bắn chìm một tàu chiến và một ca nô của địch tại bến Khoan Bộ ngày 23-10-1947.
Ngày 18-8-1949 thực dân Pháp tập trung 3.000 quân mở chiến dịch Canigu chiếm toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc (bao gồm cả Vĩnh Yên và Phúc Yên). Đến đầu năm 1950 chúng thực hiện âm mưu “Đóng điểm chiến tuyến”, chia Vĩnh Phúc thành 2 vùng tự do và tạm chiếm. Tại vùng tạm chiếm, địch xây dựng trên 200 vị trí chiếm đóng, đồng thời chúng xây dựng 3 tuyến phòng thủ, chia cắt địa bàn tỉnh thành nhiều khu vực: Tuyến vành đai ngăn cách vùng tự do và vùng tạm chiếm, tuyến giao thông trên Quốc lộ số 2 với hệ thống lô cốt Boongke do quân cơ động chiếm giữ và tuyến đê sông Hồng.
Như vậy, từ cuối năm 1949 trở đi, cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh trở nên gay go, ác liệt, liên tục phải đối phó với âm mưu bình định, càn quét đánh phá liên tục của địch. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, quân và dân trong tỉnh đã tạo ra địa bàn kháng chiến rộng lớn, có vùng hậu phương vững chắc, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh vùng địch hậu thắng lợi. Căn cứ vào vị trí địa lý và mối quan hệ nhiều mặt của nhân dân 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên trong lịch sử, Chính phủ đã ra Nghị định số 03-TTg ngày 12-2-1950 về việc hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Hội nghị hợp nhất được tiến hành ở thôn Sơn Kịch xã Hợp Lý (nay là xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch). Tỉnh Vĩnh Phúc ra đời với diện tích 1.715km2 và 47 vạn dân, có 18.758 đảng viên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cuộc kháng chiến.
Thực hiện chủ trương “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc” của Trung ương, do đặc điểm tình hình cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh, từ năm 1950 Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và xác định nhiệm vụ cụ thể cho vùng tự do và vùng tạm chiếm.
Vùng tự do Lập Thạch được xác định là hậu phương kháng chiến của toàn tỉnh có nhiệm vụ tiếp nhận và tạo điều kiện để đồng bào tản cư, các cơ quan của tỉnh và trung ương đóng trên địa bàn an toàn công tác và sinh sống. Đồng thời phải đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm đáp ứng kịp thời về cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến và sẵn sàng chống địch càn quét bảo vệ vững chắc vùng tự do.
Vùng tạm chiếm là nơi trực tiếp đương đầu với kẻ thù phải có biện pháp chống lại âm mưu bình định của chúng, từng bước xây dựng căn cứ du kích, phá tề tiến tới giải phóng quê hương.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trong 9 năm kháng chiến (1946-1954) đặc biệt là từ năm 1950-1954 quân và dân Vĩnh Phúc đã vượt qua những khó khăn gian khổ, hy sinh và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc như đánh bại những trận càn quét lớn của địch vào vùng tự do Lập Thạch. Ở vùng tạm chiếm trong những chiến dịch lớn như tổng phá tề năm 1950, mở rộng khu du kích vùng địch hậu từ năm 1951 đến năm 1953 và phối hợp với chiến trường chính như chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ… Quân dân Vĩnh Phúc đã liên tục giành được những chiến thắng vẻ vang, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, giữ vững được các khu du kích, đồng thời lực lượng ta càng đánh càng thắng và trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt. Từ đầu năm 1954 trở đi, quân dân Vĩnh Phúc liên tiếp tiến công địch đã giải phóng được nhiều vùng đất đai trong tỉnh.
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Ngày 27- 7 ngừng bắn toàn bộ trên chiến trường 3 nước Đông Dương. Như vậy, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Trong 9 năm kháng chiến, quân dân Vĩnh Phúc đã đóng góp xứng đáng sức người, sức của để làm nên chiến thắng.
Về sản xuất và đóng góp: Toàn tỉnh đã phá hoang 16.420 mẫu ruộng vành đai trắng để sản xuất. Đóng góp hàng trăm tấn lương thực, hàng chục tấn thực phẩm để phục vụ kháng chiến. Huy động 15 triệu ngày công xây dựng làng chiến đấu. Phá trên 200km đường giao thông, đóng góp 45.700 dân công (gần 1 triệu ngày công) phục vụ từ chiến dịch Hòa Bình đến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Về chiến đấu: Quân và dân Vĩnh Phúc đã đánh địch 6.122 trận lớn nhỏ, trong đó có những trận nổi tiếng được đi vào lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam như trận Khoan Bộ (Sông Lô) trên dòng sông Lô thu đông 1947; trận Xuân Trạch (Lập Thạch) tháng 12-1950; trận núi Đinh (Vĩnh Yên) tháng 1-1951. Trong 9 năm kháng chiến Vĩnh Phúc đã tiêu diệt 15.887 tên địch, bắn bị thương 3.957 tên, bắt sống 6.590 tên, bức hàng 2.070 tên, địch ngụy vận 8.767 tên. Thu 47 đại liên, 26 súng cối các loại, 197 trung liên, 609 tiểu liên, 6.157 súng trường, 79 súng ngắn, 69 máy rađiô, 16 máy dò mìn, 28 máy điện thoại, 445 xe đạp, 5 mô tô, 9 xe vận tải, 3 xe Zép, 46 tấn đạn, 13 tấn quân dụng. Phá hủy 209 tháp canh, 10 đại bác, 178 đại liên, trung liên, 2 tàu chiến, 4 ca nô, 13 xuồng máy, 18 máy dò mìn, 285 xe cơ giới các loại, 2.190 tấn đạn.
Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng 4.191 Huân chương, 14.768 Huy chương các loại và hàng nghìn Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân. |
|
Bảo Châu