Thứ Hai, 25/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Ba, 7/9/2010 21:33'(GMT+7)

Nhớ một thời tiếng loa hoà tiếng súng

Hệ thống loa truyền thanh tại bờ Bắc sông Bến Hải qua cầu Hiền Lương (ảnh tư liệu).

Hệ thống loa truyền thanh tại bờ Bắc sông Bến Hải qua cầu Hiền Lương (ảnh tư liệu).

Trong chiến tranh chống Mỹ, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã trở thành cánh tay nối dài của Đài TNVN, đưa tiếng nói của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, của khát vọng độc lập tự do đến với đồng bào miền Nam ruột thịt.

Tiếng nói của Đài đã trở thành vũ khí đấu tranh vạch trần âm mưu thâm độc của kẻ thù, tiếp thêm nghị lực cho đồng bào hai bên giới tuyến đấu tranh với đế quốc Mỹ và tay sai vì một Việt Nam thống nhất.

Bây giờ, mỗi khi đi qua Khu di tích đôi bờ Hiền Lương, du khách có thể dễ dàng trông thấy một chiếc loa đại đường kính gần 2m và giàn loa 40 chiếc vươn cao, hướng về phía bờ Nam. Những chiếc loa ấy một thời đã khuấy động dòng Bến Hải trong cuộc chiến tuyên truyền đòi thực hiện Hiệp định Geneve thống nhất nước nhà - một giai đoạn làm báo hào hùng của những người làm báo phát thanh, dệt nên khúc tráng ca bên bờ sông giới tuyến...

Năm 1955, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh được thành lập, gồm hệ thống truyền thanh Hồ Xá với 3 máy tăng âm và 4.000 loa nhỏ phục vụ một số xã của Đặc khu Vĩnh Linh, cùng hệ thống truyền thanh giới tuyến chạy dọc theo bờ bắc sông Bến Hải từ Cửa Tùng đến Hói Cụ dài trên 10km với 4 cụm, 140 loa, tổng công suất của Đài Vĩnh Linh đến 7.000W, vang đến tận vùng Chợ Cầu, quận lỵ Gio Linh. Ngoài ra, Đài còn dùng xe phát thanh lưu động gắn loa 180W và một loa đại công suất 500W để át giàn loa ở bờ Nam của chính quyền Mỹ - ngụy. Tiếng nói của Đài là niềm động viên lớn lao cho đồng bào miền Nam vững tin vào cuộc đấu tranh chính nghĩa cho ngày thống nhất.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, ở xã Trung Hải, huyện Gio Linh, từng bám trụ chiến đấu ở bờ Nam Bến Hải sau năm 1954 cho rằng: “Đài Vĩnh Linh như mạch máu trong cơ thể. Tiếng nói của Bác, của Đảng như mệnh lệnh để người dân miền Nam chiến đấu, tin tưởng vào cuộc kháng chiến do Bác Hồ và Đảng lãnh đạo. Đài là niềm tin cho nhân dân bờ Nam Bến Hải dù có đói cơm rách áo, dù bị tù đày, dù có hy sinh thân mình cũng một lòng một dạ đi theo Cách mạng”. 

Còn ông Phạm Đình Hải- nguyên Trưởng Đài Truyền thanh Vĩnh Linh không quên những ngày tháng gian khổ mà hào hùng làm phát thanh dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, khẳng định: “Dù ác liệt mấy cũng không để mất tiếng nói của Đài, bất luận tình huống gì. Khi Mỹ đánh bom cũng phải có tiếng nói để ổn định tư tưởng. Đồng bào phía trong nghe tiếng nói của Đài, cũng như nhìn cột cờ phía Bắc sông Bến Hải mà còn thì niềm tin càng sâu sắc hơn”.

Dẫu đã ở tuổi 84, nhà thơ Tạ Hữu Yên, người phụ trách chương trình phát thanh Binh vận của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) tại Vĩnh Linh ngày ấy nhớ lại: “Khi chiếc loa đại này lên giọng thì cả một vùng sông nước cứ sôi sùng sục, vang xa cả chục cây số về phía Gio Linh. Huyện Vĩnh Linh có làng bên này, bên kia; nhiều gia đình người bờ Bắc, kẻ bờ Nam... Cuộc chia ly ấy chỉ cách nhau một con sông không quá rộng, một cây cầu không quá dài. Thế nên những chương trình của Đài truyền thanh Vĩnh Linh là sợi dây gắn kết họ với nhau, vững tin vào ngày đoàn tụ trong niềm vui thống nhất non sông. Bên cạnh tin tức thời sự, ca nhạc, Đài Vĩnh Linh đã mời những người miền Nam đang sinh sống, công tác ở miền Bắc đến đài giao lưu trực tiếp trên sóng, xem như một mũi nhọn trong công tác binh vận, địch vận. Mưa dầm thấm lâu, nghe theo tiếng nói chính nghĩa của Cách mạng, nhiều binh sĩ ngụy quyền vượt tuyến sang bờ Bắc, số ở lại làm cơ sở cho ta, cùng nhân dân bờ Nam đấu tranh chống khủng bố, chống dồn dân lập ấp chiến lược. Nhớ lại kỷ niệm những ngày ở Vĩnh Linh, ông ngân nga mấy câu ca dao viết thời ấy: “Anh ơi quay súng về đây/Mái tranh ai đợi luống cày ai mong/Tim còn đỏ giọt máu hồng/Lời thiêng Tổ quốc trong lòng có hay”.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên bảo: “Cứ thủ thỉ, rỉ rả, lấy nhân nghĩa, lấy đạo lý dân tộc mà thuyết phục họ. Cuối cùng nhiều binh sĩ đã nghe theo”.

Dẫu chiến tranh leo thang, kẻ thù khủng bố ác liệt, người dân đôi bờ Bến Hải vẫn giữ trọn niềm tin vào ngày nước non thống nhất. Hằng ngày trông về bờ Bắc, thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, nghe Đài Truyền thanh Vĩnh Linh như nghe tiếng nói của Đảng, của Bác Hồ, của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa nhắn gửi miền Nam. Vì vậy, bà con hoang mang khi nghe loa địch rêu rao sau trận bom của Mỹ ném xuống Hồ Xá ngày 8/2/1965: "Vĩnh Linh đã bị thiệt hại nặng nề, Bí thư Hồ Sĩ Thản chết, Đài Vĩnh Linh bị bom tan hoang, "thằng" và "con" đọc đài bỏ mạng...”.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhạn - nguyên là phát thanh viên của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh nhớ lại: “Đồng chí Hồ Sĩ Thản chỉ đạo phải phát thanh trở lại có tiếng O Nhạn để đồng bào bờ Nam khỏi băn khoăn. Còn một chiếc xe lưu động, anh em chạy dọc về Hiền Lương tìm chỗ đặt cái loa to. Anh em tìm được một cống thoát nước làm phòng bá âm. Tôi ở dưới đó đọc luôn, nối dây lên loa. Khi nhạc hiệu cất lên “Đây là Đài truyền thanh Vĩnh Linh” thì nghe bà con lao xao phía bờ Nam.

Lúc đó anh Hách là kỹ thuật viên của Đài chạy vào nói: Chị đọc to lên, bà con bờ Nam phấn khởi dữ lắm. Lúc đó, mình rất cảm động, đọc thật to. Báo cho bà con biết mặc dù bị đánh bom, nhưng anh em ở Đài vẫn còn sống. Bà con yên tâm, hãy tin vào Đài, Đài vẫn luôn bên bà con. Buổi phát thanh ấy lẽ ra chỉ đọc trong 30 phút, nhưng mà đã kéo dài đến 3 tiếng”.

Cuộc đấu tranh bằng hệ thống loa phát thanh giữa ta và địch kéo dài mãi đến năm 1967. Trạm truyền thanh tại cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh phá dữ dội, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh phân tán thành 4 trạm hoạt động dọc các xã phía Bắc sông Bến Hải. Dẫu Đế quốc Mỹ có trút xuống mảnh đất này hàng triệu tấn bom, những cán bộ, phóng viên của Đài Vĩnh Linh có người phải hy sinh nhưng chưa bao giờ đất thép Vĩnh Linh vắng tiếng nói quen thuộc của Đài TNVN, tiếng nói của khát vọng thống nhất non sông. Các anh, các chị xứng đáng là những chiến sĩ đi tiên phong - những nhà báo biết đem tiếng loa hòa với tiếng súng thành thứ vũ khí đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, hiến dâng nhiệt huyết tuổi xuân cho đất nước vui ngày toàn thắng./.

(Theo: Vân Thiêng/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất