Thứ Bảy, 23/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 31/3/2011 10:42'(GMT+7)

“Tôi thấy có trách nhiệm chia sẻ với người dân Nhật Bản”

Những ngày qua, cộng đồng cư dân mạng truyền nhau nghe một bài hát đầy cảm xúc, chạm đến trái tim của người nghe, thể hiện sự sẻ chia và sát cánh bên người dân Nhật Bản để vượt qua thảm hoạ sóng thần, động đất vào ngày 11/3 vừa qua. “Gửi lời yêu thương” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và nhà thơ Vũ Mão đã thoát ra khỏi ý nghĩa của một bài hát thuần tuý, nó trở thành một thông điệp bằng âm nhạc kêu gọi mọi người chung sức, chung lòng cùng người dân Nhật Bản.

Phóng viên VOVNews ghi lại những chia sẻ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân về bài hát này.

** Trong chặng đường sáng tác của mình, đây là một trong những bài hát mà ông thai nghén và hoàn thành nhanh nhất. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi sáng tác bài hát này?

Với “Gửi lời yêu thương”, tôi đã viết rất nhanh kể từ lúc bắt gặp chất xúc tác hay có thể ví như một tia lửa điện, là sự đồng điệu với nhà thơ Vũ Mão, sự trùng lặp ý tưởng của tôi và anh Mão. Hơn nữa, trước đó tôi cũng đã nghe một bài hát tiếng Anh - có thể coi là bài hát đầu tiên thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với người dân Nhật Bản, nên với những người làm sáng tác, điều đó càng thôi thúc tôi phải viết, phải  thể hiện trách nhiệm sẻ chia của bản thân mình cũng như của người dân Việt Nam đối với người dân Nhật Bản.

Để có được những lời thơ đầu tiên nhanh như thế, phải nói rằng nhà thơ Vũ Mão là người có những tình cảm rất thân thiết, gắn bó với nhân dân, đất nước Nhật Bản khi ông còn làm việc ở Quốc hội và Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội. Còn riêng với bản thân tôi, đó là những tình cảm gắn bó nghề nghiệp của giới nhạc sĩ Việt Nam và Nhật Bản trong Liên đoàn Nhạc sĩ châu Á; với người bạn lớn của nhạc giao hưởng Việt Nam - nhạc trưởng Tetshuji Honna - người đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu và gắn bó với khí nhạc Việt Nam hơn 10 năm nay.
Có thể nói, bài hát đã chạm được đến trái tim người nghe không chỉ nhờ ca từ giản dị, chân thành, mà giai điệu của bài hát là sự kết hợp giữa âm hưởng hùng tráng của nhạc giao hưởng, sự nồng nàn, sâu lắng của tình ca đã đóng một vai trò rất quan trọng. Đó là ý đồ của nhạc sĩ hay nó được hình thành một cách tự nhiên?

Phải nói rằng, khi nảy sinh ý tưởng viết bài hát này, tôi đã có một dụng ý rõ ràng là cố gắng đưa vào giai điệu bài hát những âm hưởng dân ca Nhật Bản, vừa trữ tình, vừa phảng phất buồn. Vì vậy phần đầu của bài hát, những nét nhạc như thể hiện một lời tâm sự, sẻ chia; Phần hai được xây dựng bằng những nét nhạc tương phản hoàn toàn, với những nét nhạc khoẻ khoắn, kiên cường để thể hiện đúng tinh thần của người dân Nhật Bản, họ đã có một tâm lý vững vàng để cùng nhau vượt qua thảm hoạ.

Có thể nói, trong bài hát này, phần giai điệu mang một giá trị độc lập, khi vang lên, nó đã thổi vào người nghe cùng một cảm xúc, cùng một cảm giác về sự kiên cường, vững vàng của người dân Nhật Bản trước thảm hoạ. Ca từ trong bài hát đồng hành với giai điệu. Đây là một trong những thủ pháp sáng tác một bài hát, không nhất thiết lời bài hát có trước, mà đôi khi, phần nhạc được sinh ra trước. Ở bài hát này, phần nhạc được xem như bộ khung, nó được đắp thêm bằng những ca từ giản dị, chân thành nhưng đầy cảm xúc. Nó đã không còn mang ý nghĩa của một bài hát thuần tuý mà trở thành một thông điệp bằng âm nhạc, hợp với hoàn cảnh và đối tượng người nghe.

** Để người dân Nhật Bản có thể cảm nhận sâu sắc sự đồng cảm của người dân Việt Nam, được biết bài hát đã được dịch sang tiếng Nhật Bản, thưa ông?

“Gửi lời yêu thương” hiện đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Nhật. Bản tiếng Anh đã được hoàn chỉnh. Riêng bản tiếng Nhật còn một chút khó khăn, mặc dù phần dịch nghĩa đã hoàn thành nhưng để phần phát âm ngôn ngữ khớp với nhạc thì chúng tôi chưa tìm được chuyên gia giúp đỡ. May mắn là tôi vừa được biết ca sĩ Hồng Hạnh (TP.HCM) thông thạo tiếng Nhật, chúng tôi đang liên lạc với chị để đặt lời tiếng Nhật cho bài hát này.

Tôi hy vọng, bài hát sẽ sớm được đến với người Nhật, góp phần hỗ trợ tinh thần để họ vượt qua đau thương.

** Được biết, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có dự định tổ chức đêm nhạc gây quỹ ủng hộ nhân dân Nhật Bản với sự tham gia của các nghệ sĩ Nhật Bản. Ông có thể cho biết thêm thông tin về ý tưởng này?

Về phía Hội Nhạc sĩ, chúng tôi rất mong muốn được tổ chức chương trình này và vẫn đang tích cực để liên hệ. Tuy nhiên, để tổ chức được chương trình, chúng tôi đưa ra tiêu chí: chương trình mang tính chất của một cuộc giao lưu văn hoá, âm nhạc giữa hai nước, nên những tác phẩm âm nhạc của cả hai nước, đặc biệt là của Nhật Bản sẽ là chất liệu chính. Tuy nhiên, trừ một vài bài hát của Nhật Bản đã thân thiết với công chúng Việt Nam như Người yêu dấu ơi hay một số bài dân ca Nhật Bản, chúng ta có rất ít các bài hát của Nhật Bản để chuyển cho ca sĩ Việt Nam thể hiện. Trong cuộc giao lưu đó, chúng ta không thể hát các bài hát của Việt Nam, mà chúng ta phải hát các bài hát của Nhật Bản, mới mang ý nghĩa chia sẻ với người dân Nhật Bản. Tổ chức cuộc giao lưu này khó khăn hơn rất nhiều so với việc tổ chức một chương trình ca nhạc kêu gọi ủng hộ người dân Nhật Bản.

Ngoài các ca sĩ, nghệ sĩ trong nước, cũng có rất nhiều tốp nhạc đã từng có mối quan hệ với đất nước, con người Nhật Bản mong muốn bằng mối quan hệ của họ sẽ mời các nghệ sĩ Nhật Bản sang tham gia chương trình giao lưu. Chương trình này thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của giới nhạc sĩ Việt Nam mong muốn chia sẻ với người dân Nhật Bản bằng tài năng lao động nghệ thuật của mình.

** Xin cảm ơn ông!./.

Theo Thanh Hà/VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất