Thứ Sáu, 22/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Sáu, 15/4/2011 10:12'(GMT+7)

Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam

Nội dung cuốn sách gồm hai phần. Phần thứ nhất: Lý thuyết nghiên cứu các giá trị và hệ giá trị tổng quát văn hóa truyền thống Việt Nam; Phần thứ hai: Giá trị văn hóa truyền thống trong một số lĩnh vực đời sống. Trong hai phần này, các tác giả tập trung vào ba nội dung chính sau:

Thứ nhất, nội dung cuốn sách đề cập đến việc tiếp thu và xây dựng một hệ thống các lý thuyết về văn hóa và hệ giá trị văn hóa, coi đó như là công cụ phương pháp luận để nhận thức hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Theo các tác giả, đây là vấn đề phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau, do vậy, ngoài những quan điểm chính thống, các tác giả còn cung cấp thêm các quan điểm khác để bạn đọc tham khảo.

Thứ hai, cuốn sách đề cập đến hệ giá trị tổng quát truyền thống Việt Nam - một vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu tiền bối khám phá và nghiên cứu. Các tác giả đã kế thừa kết quả nghiên cứu của người đi trước, đồng thời nghiên cứu nó trong bối cảnh khu vực và toàn cầu hiện nay. Đặc biệt, chú ý đến cách sắp xếp các giá trị tổng quát đó trong một hệ giá trị (bảng giá trị, thang giá trị), mà cách sắp xếp, ưu tiên trước sau là yếu tố biểu thị sự khác nhau giữa các giá trị văn hóa của các quốc gia, dân tộc.

Thứ ba, ngoài nghiên cứu hệ giá trị tổng quát, cuốn sách còn phân tích các giá trị văn hóa thể hiện trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống dân tộc, như thích ứng, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đời sống vật chất thỏa mãn nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, trong cách thức tổ chức và ứng xử xã hội, trong sáng tạo văn học - nghệ thuật, trong đời sống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng, trong giáo dục đào tạo, trong giao lưu văn hóa, trong đấu tranh chống ngoại xâm…

Ở cuốn sách, các tác giả đã cố gắng khắc phục một phần cách nhìn văn hóa, hệ giá trị văn hóa Việt Nam chủ yếu từ văn hóa người Kinh (Việt), và mở rộng ra các dân tộc thiểu số, qua đó, nhận biết tính chung cũng như những nét độc đáo của mỗi dân tộc trong đại gia đình văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở tiếp thu những kết quả những nghiên cứu về giá trị văn hóa truyền thống của các nhà nghiên cứu văn hóa lớn của nước ta như GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Văn Giàu, GS. Phan Huy Lê…; cũng như dựa trên những khảo sát của bản thân các tác giả trên ba miền Bắc, Trung và Nam, những người làm sách đã lựa chọn ra năm giá trị hàng đầu và tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trong tổng số 19 giá trị văn hóa đã đưa ra để khảo sát, đó là: Chủ nghĩa yêu nước; tính cộng đồng (làng xóm, vùng miền, dân tộc); cần cù, chịu khó; hiếu học, khát vọng học; gắn bó huyết thống (gia đình) và làng bản. Bên cạnh đó, các tác giả còn nhìn nhận vấn đề hệ giá trị văn hóa một cách hệ thống và đặc biệt là đặt nó trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đã và đang hội nhập với văn hóa khu vực và toàn nhân loại.

Theo các tác giả, giá trị văn hóa cũng như bản sắc văn hóa, hình thành và định hình trong trường kỳ lịch sử, là yếu tố khá bền vững. Tuy nhiên, các giá trị đó không phải là bất biến, mà luôn biến đổi theo sự biến đổi của xã hội. Do vậy, cần phải nhìn các giá trị văn hóa trong động thái. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, trong xu hướng Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Với hơn 700 trang sách, nội dung cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, giúp bạn đọc có thêm tư liệu tìm hiểu một cách hệ thống về văn hóa truyền thống Việt Nam, với những bản sắc riêng có - là tài sản tinh thần, là hành trang vô giá để dân tộc Việt Nam có thể vững vàng, đủ bản lĩnh để hội nhập quốc tế trong thế giới đầy biến động./.

Phạm Ngọc Huệ

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất