Thứ Năm, 10/10/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Ba, 27/4/2021 10:23'(GMT+7)

Những cách làm sáng tạo, hiệu quả ở Ðắk Ðoa

Người dân làng Ðơk Rơng, xã Glar (huyện Ðắk Ðoa, Gia Lai) chăm sóc vườn cà-phê gây quỹ của địa phương.

Người dân làng Ðơk Rơng, xã Glar (huyện Ðắk Ðoa, Gia Lai) chăm sóc vườn cà-phê gây quỹ của địa phương.

Trên đường đi một vòng chung quanh làng Ðơk Rơng, xã Glar, chúng tôi như vui cùng với niềm phấn chấn của anh Byuih, Chi hội trưởng Chi hội nông dân. Mỗi khi đi qua một công trình, mà theo anh thì đó là công sức, tiền của của người dân làng anh xây dựng nên, anh hào hứng chia sẻ: đây là nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; kia là cổng làng khang trang bề thế xây dựng bằng bê-tông cốt thép; những con đường bê-tông ngày càng được nối dài… Dừng chân tại vườn cà-phê của làng, anh Byuih cho biết: Vườn cà-phê này có từ năm 2005, khi ấy nơi đây là đất bỏ hoang. Sau khi được lãnh đạo huyện, xã gợi ý, Chi hội nông dân đứng ra chủ trì sau đó nhận được sự thống nhất cao, người dân đã tự nguyện góp công, góp sức cải tạo và trồng cà-phê, xem đây là tài sản chung của làng. Nhờ chăm sóc đầy đủ, đúng kỹ thuật, cây cà-phê phát triển tốt, hằng năm đã giúp làng có được một số tiền khá lớn từ việc bán cà-phê, số tiền này được người dân nhất trí đưa vào quỹ chung của làng… Nhờ có số tiền thu được từ vườn cà-phê này, làng luôn chủ động trong việc chi tiêu phục vụ cho việc chung mỗi khi có việc cần. Năm 2015, quỹ hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn; 17 triệu đồng làm cổng làng. Trong hai năm 2019 - 2020, với số tiền thu gần 300 triệu đồng, làng đã đóng góp 100 triệu đồng bê-tông hóa 250 m đường giao thông; giúp cho nhiều hộ vay không lấy lãi bình quân khoảng ba triệu đồng/hộ; hỗ trợ gạo cho hàng trăm hộ nghèo thiếu ăn trong lúc giáp hạt…

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, đồng chí Thái Văn Hưng, Bí thư Ðảng bộ xã Glar cho biết: Mô hình “Gây quỹ tập thể của Chi hội nông dân xã Glar” triển khai từ năm 2003 đến 2004, xuất phát từ thực tế trên địa bàn xã diện tích đất bỏ hoang còn khá lớn, Ðảng ủy đã vận động và được sự đồng thuận cao của bà con tận dụng quỹ đất để phát triển sản xuất, chống lãng phí, đồng thời giúp người dân các làng nâng cao ý thức vì cộng đồng, tăng cường mối đoàn kết, gắn bó, chung tay xây dựng nông thôn mới. Quan trọng hơn, từ khi xây dựng được nguồn quỹ, nhiều việc của xã, làng được chủ động mà không phải chờ đợi hoặc phụ thuộc vào kinh phí cấp trên. Nói thêm về việc này, chị Nhem, Chủ tịch Hội Nông dân xã Glar cho biết:  Hiện toàn xã Glar có chín thôn, làng, thì tất cả đều xây dựng được quỹ với diện tích canh tác hơn 14 ha, chủ yếu trồng cây cà-phê, bời lời; làng nhiều nhất có từ 4-5 ha, làng ít nhất cũng có 0,3 ha. Năm 2020, số tiền thu được bổ sung cho quỹ của các xã là gần một tỷ đồng.

Theo đồng chí Lê Thị Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ðắk Ðoa, điểm nổi bật trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Ðắk Ðoa là tìm hiểu và vận dụng vào những việc làm cụ thể, phù hợp từng địa phương, đơn vị. Với đặc điểm là vùng có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện luôn chú trọng tuyên truyền giáo dục để người dân xây dựng được tính độc lập, tự chủ; mạnh dạn khai thác lợi thế của từng gia đình để vươn lên xóa đói, giảm nghèo, từ đó giúp xóa bỏ được tư tưởng ỷ lại, trông chờ. Và, không chỉ ở Glar, các vùng có số đông đồng bào dân tộc thiểu số như Yang Nam, A Dơk, Ia Băng… cũng trở thành những điểm sáng trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ở Ðắk Ðoa, ngoài xã Glar với mô hình “Gây quỹ tập thể của Chi hội nông dân”, hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương ở Ðắk Ðoa còn cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Ðó là mô hình “Góp của, góp công xây dựng nông thôn mới” của Ðảng ủy các xã: A Dơk, Tân Bình, Nam Yang, Trang, Hải Yang, Ia Băng, Hnol. Mô hình “Liên kết sản xuất, giúp nhau làm kinh tế giữa hộ dân tộc thiểu số có đất nhưng thiếu vốn, khoa học - kỹ thuật sản xuất với các hộ người Kinh có vốn, có kinh nghiệm sản xuất, nhưng lại thiếu đất sản xuất” ở các xã Hà Bầu, Ðắk Krong, Hnol, Kon Gang, Trang, K’Dang mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình “Kết nghĩa giữa doanh nghiệp, chủ rẫy, chủ trang trại với thôn, làng liền kề” của Ðảng ủy xã K’Dang giúp giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ðắk Ðoa tiếp tục tham mưu giúp Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xác định nội dung trọng tâm để việc học tập và làm theo Bác phù hợp tình hình thực tế địa phương. Cùng với đó là tiếp tục biểu dương, khen thưởng kịp thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm phù hợp để việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, đạt được kết quả toàn diện hơn nữa.

Theo Báo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất