Thứ Hai, 7/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 6/9/2009 23:19'(GMT+7)

Những căn nhà tình nghĩa ở Ðăk Lăk

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Ðặc biệt, tỉnh đã xây mới hơn năm nghìn ngôi nhà giúp đồng bào dân tộc thiểu số có nơi ăn, chốn ở, ổn định sản xuất.

Khởi đầu, thực hiện Quyết định 134 của Chính phủ, tỉnh Ðăk Lăk thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên 134 cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Giao nhiệm vụ cho cấp xã, phường làm chủ đầu tư, tạo điều kiện cho chính quyền cơ sở chủ động quản lý và tổ chức phối hợp giám sát thực hiện chương trình.

Ðồng chí Niê Thuật, Ủy viên TW Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ðăk Lăk khẳng định: "Chỉ có an cư, thì mới giúp đồng bào lập nghiệp, không du canh, du cư đốt rừng làm nương rẫy, sống nay đây mai đó. Chính vì vậy, từ nguồn vốn thực hiện Quyết định 134 của Chính phủ, toàn tỉnh Ðăk Lăk đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự hảo tâm của một số doanh nghiệp và tinh thần đùm bọc trong cộng đồng, đóng góp thêm tiền bạc, ngày công, cùng chung tay giúp sức xây dựng hàng nghìn nhà tình nghĩa tặng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn". Ngay sau khi Quyết định 134 của Thủ tướng được triển khai, Ban chỉ đạo 134 tỉnh Ðăk Lăk đã tiến hành làm mới và sửa chữa nhà cho bà con thuộc diện khó khăn, nghèo, đói. Quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo luôn chú trọng nguyên tắc bình xét, lựa chọn đúng đối tượng hỗ trợ, đầu tư công khai, dân chủ từ cơ sở, bảo đảm ngôi nhà xây mới phù hợp phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo sự chỉ đạo của tỉnh, Ban chỉ đạo 134 cấp huyện thường chọn một xã làm điểm triển khai hạng mục nhà ở, trên nguyên tắc tập trung dân chủ, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình ra toàn xã. Với khoản hỗ trợ chín triệu đồng (Trung ương năm triệu đồng, tỉnh ba triệu đồng, huyện một triệu đồng), các hộ dân được hỗ trợ có quyền lựa chọn mô hình nhà và góp thêm nguồn vốn (nếu có) để xây nhà theo ý mình. Vì vậy, bên cạnh những ngôi nhà theo mô hình chung, có diện tích cố định là 24 m2, kinh phí đầu tư chín triệu đồng, nhiều hộ đã góp thêm tiền để đầu tư về vật liệu gỗ, ván lát sàn. Trong quá trình làm nhà, các hộ dân được bà con xóm làng, dòng họ đóng góp hỗ trợ thêm tiền, gỗ và ngày công lao động, nên nhiều ngôi nhà sau khi làm xong khá khang trang hơn dự kiến ban đầu của Ban chỉ đạo. Tùy theo phong tục tập quán, các căn nhà có thể không giống nhau về kiến trúc, nhưng giống nhau là sự hỗ trợ, giúp nhau tiền bạc hoặc ngày công lao động. Vậy nên, có một số ngôi nhà được xây dựng với chất lượng tốt, kinh phí từ 12 đến 30 triệu đồng/nhà, diện tích sử dụng rộng rãi, khang trang, thoáng mát. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa lớn lao, thấm đậm tình cảm tương thân, tương ái.

Ở huyện Ea Kar, hầu hết các căn nhà xây dựng theo Chương trình 134 đều được xây với số tiền cao hơn so với số tiền cấp trên hỗ trợ. Quá trình xây 73 căn nhà tại thị trấn, ngoài việc trích từ ngân sách hỗ trợ thêm 12,5 triệu đồng, cấp ủy đảng, chính quyền còn huy động các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp ủng hộ được hơn 100 triệu đồng giúp những căn nhà xây mới theo Chương trình 134 đẹp, khang trang, kiên cố hơn. Căn nhà của ông Y Tlat Niê, ở buôn Ea Druôl, thị trấn Ea Kar rộng 32 m2, gồm ba phòng: phòng khách, hai phòng ngủ, trên mái lợp tôn, cửa sổ gắn kính. Khi tổ chức xây nhà cho ông Y Tlat, từ nguồn vốn được cấp chín triệu đồng, thị trấn đã vận động doanh nghiệp đóng trên địa bàn và một số nhà hảo tâm ủng hộ thêm 4,5 triệu đồng, góp thêm vào kinh phí xây nhà. Ông Y Tlat kể rằng: "Khi nhà của mình đang xây, anh Y Nao Mlô, cán bộ giao thông, thủy lợi thị trấn xuống tận buôn vận động đồng bào đến nấu cơm, đun nước cho thợ làm nhà, chở gạch, cát giúp nhà tôi. Rồi kêu chủ thầu xây dựng tặng bồn rửa mặt, bệ rửa chén, bát...". Gia đình Y Tép Mlô, ở buôn Tơng Sinh, xã Ea Ðar cũng thêm niềm vui. Bởi ngoài căn nhà đẹp không kém nhà của Y Tlat, xã còn vận động cán bộ, công nhân viên của xã đóng góp thêm mỗi người một ngày lương và các doanh nghiệp hỗ trợ tổng cộng được khoảng năm triệu đồng đủ tiền xây thêm cho gia đình Y Tép một gian nhà phía sau rộng hơn 8 m2, một bể chứa 2 m3 nước và mua được một số vật dụng gia đình như: Bàn, ghế, tủ, chén, bát...

Ðược biết, kết thúc chương trình làm nhà theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Ea Kar đã làm mới 1.324 căn nhà, với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Trong đó, vốn của Trung ương là 6.620 triệu đồng; vốn của tỉnh là 3.972 triệu đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình khác là 438 triệu đồng. Và số tiền do nhân dân, cán bộ, công nhân viên và các doanh nghiệp đóng tại địa bàn ủng hộ được 1.328 triệu đồng, còn lại là do chủ nhà và người thân trong dòng họ đóng góp.

Ðã từng là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên thời kỳ chống giặc Mỹ, đồng chí Trịnh Văn Sáu, Phó Ban chuyên trách Chương trình 134, Ban Dân tộc miền núi tỉnh Ðăk Lăk đã nói những lời tâm huyết: "Tôi và anh em được phân công trong Ban 134 gần như ăn, ở liên tục dưới các buôn làng để giám sát, kiểm tra mong xây được những căn nhà đẹp đẽ, thoáng mát giúp đồng bào dân tộc vơi đi nỗi nhọc nhằn". Trong căn nhà 134 khang trang thoáng mát, Hơ Run, ở xã Tân Triều, huyện Krông Pác ngập ngừng kể với chúng tôi: "Mình là người Ê Ðê, năm nay 25 tuổi, có chồng và một con gái bốn tuổi. Chồng mình hôm nay đi rẫy. Trước kia nhà mình là cái lán, lợp cỏ tranh, chung quanh thưng bằng tre trống hoác. Mưa to, gió lớn vợ chồng co quắp, che chắn nhưng con mình vẫn ướt. Giờ thì ưng cái bụng rồi, khỏi lo mưa nắng".

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về chất lượng nhà 134 và việc cấp đất có theo đúng quy định, anh YThuôn Mlô, Phó Chủ tịch xã Krông Búc khẳng định: "Quy trình giám sát việc xây nhà 134 ở xã được thực hiện qua nhiều công đoạn khá chặt chẽ. Việc đầu tiên là xã tiến hành rà soát các hộ có đất và chưa có đất. Sau đó tiến hành bình xét trong buôn để việc cấp đất và làm nhà mới đúng người, đúng đối tượng. Vấn đề thất thoát tiền và nguyên vật liệu xây dựng là không có". Bởi những gia đình được xây nhà theo Chương trình 134, sau khi đồng ý với thiết kế do nhà thầu đưa ra, số nguyên vật liệu sẽ được công khai, chở đến tận nơi bàn giao. Chủ nhà ký vào biên bản và nhận số lượng xi-măng, sắt, thép, gạch, gỗ, tôn... rồi tự quản lý. Nhà xây xong Ban 134 xã, gồm Ban giám sát; Ban tự quản buôn và gia đình tiến hành nghiệm thu công trình, nếu không có gì sai sót gia đình đồng ý, Phó Chủ tịch UBND xã mới ký biên bản nghiệm thu. Tiếp đó là Biên bản bàn giao nhà ở phải có xác nhận của UBND xã; chủ hộ nhận bàn giao; xác nhận của thôn, buôn (thường là Trưởng buôn ký)... Sau đó, Ban 134 của huyện và tỉnh mới nghiệm thu nhà. Riêng đơn vị thi công sẽ chịu trách nhiệm bảo hành nhà trong thời gian 12 tháng.

Bốn năm thực hiện Chương trình 134, Ðăk Lăk đã giải quyết được 5.531 hộ không có và thiếu đất ở đã được cấp 144,51 ha đất, kết hợp làm nhà ở; cấp 2.654,46/2.784,87 ha đất sản xuất cho 7.310/7.738 hộ... góp phần sắp xếp lại các điểm dân cư cho những vùng không còn quỹ đất và xây dựng những thôn, buôn mới theo quy định chung. Ðặc biệt, việc vận động đồng bào cùng hỗ trợ, giúp công, giúp của, san sẻ đất ở, đất sản xuất đã nâng cao ý thức cộng đồng tương trợ, tương thân, tương ái. Qua đó, tác động sâu rộng nâng cao nhận thức của người dân được thụ hưởng Quyết định 134 của Chính phủ, từng bước nâng cao ý thức tự lực, tự cường của nhân dân Ðăk Lăk, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số./.
 
(Theo: ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất