Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 14/2/2010 20:40'(GMT+7)

Tết xưa, Tết nay

Nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống tề tựu các thế hệ trong  đại gia đình đón giao thừa, phút giây đầu tiên của năm mới. Ảnh minh họa

Nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống tề tựu các thế hệ trong đại gia đình đón giao thừa, phút giây đầu tiên của năm mới. Ảnh minh họa

Ai cũng biết, Tết là những thời khắc quan trọng của người Việt. Dù tha hương nơi xa, thậm chí sinh sống ở ngoài nước cách xa hàng vạn cây số nhưng người Việt thường bằng mọi cách giành dụm tiền bạc để về sum họp với gia đình, để được cáo yết tổ tiên, gặp mặt ông, bà, cha, mẹ, anh em, bạn bè. Và thiêng liêng nhất vẫn là bữa cơm tất niên, đặc biệt là thời khắc giao hòa đất trời năm mới năm cũ lúc giao thừa. Ngày xưa sau tiếng pháo nổ báo hiệu năm mới đến, cũng là lúc các gia đình sum họp cùng nhau ôn lại một năm lao động vất vả kiếm kế sinh nhai. Con cháu thì có điều kiện báo hiếu, báo cáo thành tích với ông, bà, bố, mẹ. Thời khắc ấy sao mà thiêng liêng đến thế.

Ngày nay, ngày Tết ở các vùng quê về cơ bản còn giữ được nhiều phong tục Tết cổ truyền như thế. Ở các đô thị lớn tuy phần đông các gia đình vẫn duy trì được các phong tục Tết xưa, nhưng cũng có một số gia đình đã “rút gọn” các phong tục Tết lại, thậm chí bỏ qua những phong tục rất tích cực, có tác dụng giáo dục đạo đức gia phong cho con cái.

Có người nói thời @ này cuộc sống đã khác xưa nhiều, làm gì có nhiều thời gian nhàn rỗi để tề tựu, sum họp như trước. Ngày 30 tết, không ít gia đình không tổ chức đông đủ được con cháu trong bữa cơm tất niên. Cuộc sống đô thị hút con trẻ vào những cuộc vui xuân, chúng quên và đôi khi cũng do người lớn thiếu quan tâm giáo dục con trẻ sum họp gia đình vào thời khắc thiêng liêng này.

Ngày xưa, không khí Tết như vui hơn. Khi mùa xuân đến và vào những ngày giáp Tết, người ta làm rất nhiều việc để đón năm mới. Tâm lý chung của mọi người đều muốn vào năm mới, tất cả đều phải mới để cầu mong một năm mới may mắn, tốt đẹp hơn năm cũ. Người ta quét vôi tường nhà, sửa sang đường đi lối lại cho mới hơn, sạch sẽ hơn… Bố mẹ thường mua quần áo mới cho con cái… Trước đây cả người già và người trẻ đều hào hứng đón Tết. Có người nói thời nay khác xa thời xưa. Ngày xưa kinh tế khó khăn, ngày Tết mới có cỗ to, ngày thường đa phần chỉ có rau và cơm độn. Ngày Tết mới giành dụm cả năm để mua tấm áo mới. Nay kinh tế khá giả gấp nhiều so với xưa. Ở nhiều nơi, người lớn, trẻ con quanh năm ăn ngon mặc đẹp hơn. Cũng có người lại nói rằng ngày xưa ngày Tết có pháo nổ, có nhiều trò vui xuân như cơ người, đua thuyền, đấu vật, đánh cón, múa lân, múa rồng, thi thả chim bồ câu... tùy theo phong tục mỗi địa phương, nên không khí Tết vui hơn. Ngày nay Tết chủ yếu trên tivi nên con trẻ ít có điều kiện vui Tết, chơi Tết cùng cộng đồng, chỉ xem tivi và online đón Tết qua mạng. Do vậy mà sự hào hứng đón Tết cũng chẳng còn cảm giác lâng lâng như xưa.

Tết xưa ở chốn thôn quê thường vui về tinh thần là chính. Lời chào đon đả, rồi râm ran lời chúc Tết trong 3 ngày Tết, nhất là ngày Tân niên đầu năm mới, tạo nên không khí ngày Tết thật vui và đầm ấm. Những lời chúc “Năm mới chúc ông bà mạnh khỏe ạ”, “năm mới chúc bác, chúc anh, chị làm ăn phát đạt ạ”… mộc mạc và giản dị, tất cả đều mong cho mọi người ai cũng may mắn, bình an trong năm mới. Phong tục mà con trẻ thích nhất là được người lớn lì xì đầu năm mới. Ai cũng nhớ cảm giác thời thơ ấu. Một cảm giác sung sướng và lâng lâng khi được ông, bà, bố, mẹ, cô, gì, chú, bác…mừng tuổi một vài hào mới tinh, màu đỏ tươi. Nó không có giá trị lớn về tiền bạc, nhưng thật ý nghĩa về mặt tinh thần.

Còn ngày nay, chuyện lì xì đầu năm mới luôn được nói nhiều trên báo chí. Dường như ở đâu đó nó đã bị biến tướng, không còn được trong sáng như xưa. Chẳæng còn là lạ khi người ta nói nhiều chuyện lợi dụng ngày Tết để biếu xén cấp trên "dưới dạng" phong bao lì xì. Đã có năm, cơ quan công quyền phải có lệnh cấm địa phương chúc Tết cấp trên theo "phong tục" này!

Phong bao lì xì ngày nay in rất đẹp, bắt mắt và có cả phong bao loại rất to nữa. Đối tượng và cách thức lì xì ngày nay cũng lại “phong phú” hơn xưa nhiều. Người ta lì xì cho cả người lớn.... Đôi khi trẻ em chỉ là đối tượng nhận lì xì gián tiếp của người lớn mà thôi. Người ta có thể gửi lì xì thông qua bưu điện, thẻ điện tử mà không cần gặp trực tiếp như trước đây. Còn mệnh giá của quà lì xì thì đủ dạng. Một vài nghìn đồng thì chuyện đó hoàn toàn trong sáng, nó đúng với phong tục cổ truyền của người Việt. Còn phong bao lì xì có cả đến hàng trăm, hàng nghìn đô la mới là điều đáng nói!

Ngày xưa trong những ngày đầu năm âm lịch, người Việt thường đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để được tĩnh tâm, cầu xin cho gia đình mình, bản thân mình một năm mới bình an, mạnh khỏe. Có khi đến chùa cũng chỉ có thẻ hương hay hộp mứt tết và hoa qủa, cùng một vài tập tiền vàng mã. Còn ngày nay, dường như cả tháng Giêng đều tấp nập du khách đến cúng bái ở các đền chùa. Và sự cúng bái “thái quá” này được bắt đầu từ 23 tháng Chạp, hoặc có khi sớm hơn, kéo dài trong cả tháng Giêng. Sự mê tín dị đoan thì còn phải nói, có không ít người đến chùa không chỉ cầu mong bình an, mà xin rất nhiều điều viển vông, thậm chí xin cả thăng quan tiến chức, cầu được vào chức này chức nọ… Còn chuyện đốt vàng mã thì thật nan giải, đó cũng là điều mà báo chí nhiều năm gần đây tốn không biết bao giấy mực để phản ảnh. Không ít người thi nhau sắm tiền triệu vàng mã để đốt phung phí. Mà thuật ngữ báo chí luôn cảnh báo là “mua tiền giả đốt tiền thật” quả không ngoa. Vàng mã thì đủ loại, cả xe hơi, nhà lầu, ô tô, xe máy đắt tiền! Có người quan niệm càng đốt nhiều vàng mã bao nhiêu thì năm mới càng được phù hộ được nhiều tiền bạc bấy nhiêu! Chuyện đầu năm đến Đền Bà Chúa kho xin hoặc vay tiền tỷ mà báo chí nêu nhiều năm nay là chuyện không còn hiếm thấy.

Tản mạn vài chuyện phong tục Tết cổ truyền dân tộc xưa và nay để cùng suy ngẫm, nhâm nhi trong dịp Tết Canh Dần này. Thiết nghĩ, cuộc sống hôm nay tuy khác nhiều so với ngày xưa, cả về vật chất và tinh thần, nhưng người Việt Nam ta mãi mãi vẫn thế, vẫn mang trong mình những tâm hồn, cốt cách, phong tục, tập quán rất đặc trưng của mình. Các phong tục Tết Việt vẫn sẽ được nâng niu, gìn giữ. Những hủ tục mê tín dị đoan, những tiêu cực, tệ nạn xã hội trong dịp Tết sẽ dần dần bị loại trừ trong đời sống văn hóa của người Việt. Vì đây là những nét văn hóa tích cực rất cần được giữ gìn và phát huy, rất cần được giáo dục cho mọi thế hệ con cháu, trước hết là đạo lý với tổ tiên, ông bà và các thế hệ đi trước. Cũng là dịp để cổ vũ mọi thành viên trong từng gia đình, và rộng hơn là toàn xã hội làm được nhiều điều tốt đẹp hơn trong năm mới. Hy vọng rằng các phong tục tốt đẹp của Tết cổ truyền dân tộc mãi mãi được gìn giữ và tiếp tục được phát huy trong từng cơ quan, đơn vị, cũng như trong từng gia đình, ở mỗi làng quê, khu phố./.

Trần Doãn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất