Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 19/1/2009 15:59'(GMT+7)

Những thành tựu ngoại giao nổi bật của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2008

Năm qua cũng chứng kiến tình hình khu vực và thế giới biến động nhanh chóng và phức tạp. Đáng chú ý nhất là việc thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính và những biến động về giá dầu và lương thực, gây khủng hoảng lòng tin trầm trọng và đẩy kinh tế thế giới vào thời kỳ suy giảm mạnh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau tăng lên, cuộc khủng hoảng tạo tác động dây chuyền từ Mỹ sang Châu Âu, Châu Á và nhiều khu vực khác trên thế giới, gây khó khăn không nhỏ cho nhiều nước đang phát triển. Các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như khủng bố, biến đổi khí hậu, bệnh dịch…đã và đang trở thành các vấn đề bức xúc toàn cầu, thể hiện rõ qua hậu quả nặng nề của cơn bão Nargis (Mi-an-ma) và trận động đất Tứ Xuyên (Trung Quốc) cùng vào tháng 5-2008.

Tình hình chính trị và an ninh thế giới cũng có nhiều nét mới. Cục diện thế giới vẫn là “một siêu nhiều cường” song xu thế đa cực ngày càng rõ nét với sự vươn lên mạnh của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng thế giới vẫn chứng kiến sự tồn tại của chiến tranh cục bộ, chủ nghĩa khủng bố, ly khai và xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo và tài nguyên thiên nhiên với tính chất ngày càng phức tạp. Khu vực Ban-căng bất ổn hơn với việc Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập. Tại Trung Đông, tuy đối thoại được chú trọng hơn, song các điểm nóng (I-rắc, I-ran, quan hệ I-xra-en - Pa-lét-xtin...) vẫn chưa có giải pháp do còn nhiều khác biệt về lợi ích. Tại Nam Á, nội bộ một số nước diễn biến phức tạp, các hoạt động khủng bố gia tăng. Tại châu Phi, xu thế tự lực tự cường, chống can thiệp từ bên ngoài được thúc đẩy, song việc giải quyết các điểm nóng còn gặp nhiều trở ngại. Tại Mỹ Latinh, xu hướng các đảng thiên tả-dân tộc giành quyền lãnh đạo tiếp tục được củng cố; nhiều nước đẩy mạnh cải cách nhưng còn gặp nhiều khó khăn cả về đối nội và đối ngoại do quan hệ cạnh tranh giữa các nước lớn.

Điểm thuận lợi cho quá trình triển khai đường lối đối ngoại của ta trong năm 2008 là khu vực châu Á-Thái Bình Dương cơ bản ổn định, quá trình hợp tác khu vực được đẩy mạnh với nhiều cơ chế và khuôn khổ đa phương đan xen. Các nước lớn đều coi trọng vai trò của khu vực phát triển năng động và có tầm quan trọng chiến lược này và có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Quan hệ giữa các nước Đông Bắc Á và quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đều có những cải thiện thực chất mang tính bước ngoặt. Tại Đông Nam Á, các nước ASEAN đã đẩy mạnh việc xây dựng và phê chuẩn Hiến chương ASEAN, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Bất chấp những khó khăn kinh tế và biến động chính trị nội bộ tại một số nước, ASEAN vẫn đóng vai trò nòng cốt trong giải quyết các vấn đề khu vực và tiếp tục phát triển quan hệ với các nước đối thoại.

Trong bối cảnh đó, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên tinh thần “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của Tổ quốc, chúng ta đã đưa nhiều nội dung đối ngoại lớn của Nghị quyết Đại hội lần thứ X đi vào cuộc sống và thu được những thành tựu quan trọng.

Bằng các hoạt động ngoại giao tích cực, chủ động, hài hòa, có trọng tâm, chú trọng hiệu quả, chúng ta đã đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước tiếp tục đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, theo hướng bền vững.

Quan hệ với các nước láng giềng, khu vực tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển toàn diện trên tinh thần hợp tác hữu nghị, hoà bình, cùng nhau phát triển. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được nâng lên tầm “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” qua chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (cuối tháng 5 đầu tháng 6/2008). Sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10/2008), hai bên đang tích cực triển khai nhiều biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước; xây dựng quy hoạch tổng thể thúc đẩy toàn diện hợp tác trên các lĩnh vực... Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia ngày càng phát triển với nhiều hoạt động trao đổi đoàn, chú trọng tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác tại khu vực biên giới... Quan hệ giữa Việt Nam và các nước ASEAN đạt nhiều kết quả tích cực, trọng tâm là tăng cường hợp tác kinh tế, giáo dục - đào tạo, củng cố môi trường hoà bình trong khu vực, phối hợp tốt tại các diễn đàn khu vực, quốc tế.

Quan hệ với các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển đạt nhiều tiến triển rõ nét. Quan hệ Việt Nam – Mỹ có những bước phát triển mới trên nhiều mặt, nổi bật là sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (6/08). Hai bên thỏa thuận phát triển quan hệ song phương theo khuôn khổ đối tác hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Quan hệ “đối tác chiến lược” Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều lĩnh vực hợp tác và các biện pháp lớn được hai bên thống nhất qua chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (10/08). Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục được củng cố hướng tới “đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á”, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (3/08). Hai nước đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA), tích cực thúc đẩy thực hiện các dự án lớn về cơ sở hạ tầng. Quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục được đẩy mạnh thông qua nhiều chuyến thăm cấp cao, xác lập được các khuôn khổ hợp tác quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, xúc tiến đàm phán Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA). Quan hệ “đối tác chiến lược” Việt Nam - Ấn Độ có những bước phát triển tích cực; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường; Ấn Độ cam kết công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Quan hệ với các nước khác trong khu vực, các nước bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng ở Đông Âu, Mỹ La-tinh, châu Á, châu Phi, Trung Đông được đẩy mạnh ở nhiều cấp độ và có nhiều bước tiến mới. Chúng ta đã có nhiều biện pháp chủ động thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và hợp tác chuyên ngành nhằm làm cho quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu. Các nước đều mong muốn đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhất là về kinh tế, thương mại, hợp tác lao động, y tế, thăm dò và khai thác dầu khí v.v...

Ngoại giao đa phương đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của đất nước. Nổi bật là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ năm đầu tiên. Chúng ta đã bắt nhịp nhanh, xử lý thoả đáng nhiều vấn đề phức tạp tại HĐBA, đảm đương tốt cương vị Chủ tịch HĐBA/LHQ trong tháng 7/2008, đảm bảo các lợi ích của ta; đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của một thành viên LHQ, được các nước đánh giá cao. Việt Nam là một trong những nước sớm phê chuẩn Hiến chương ASEAN và đang tích cực chuẩn bị để thực hiện có hiệu quả Hiến chương. Chúng ta đã chủ động tham gia củng cố đoàn kết và nâng cao vai trò quốc tế của ASEAN, đóng góp tích cực vào những nỗ lực của tổ chức này nhằm giải quyết các vấn đề khu vực. Đồng thời, chúng ta cũng tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ACMECS và CLMV, tham gia tích cực và có nhiều sáng kiến được các nước hoan nghênh và hưởng ứng tại các diễn đàn khác như WTO, APEC, ASEM, hợp tác tiểu vùng sông Mê Công, Tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp, Phong trào Không liên kết...

Công tác biên giới, lãnh thổ đạt nhiều tiến bộ quan trọng có tính bước ngoặt. Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền theo đúng thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước. Đây là kết quả có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng biên giới Việt - Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài. Lần đầu tiên hai nước xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại. Việt Nam và Lào, Cam-pu-chia đã ký Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa ba nước; bắt đầu thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc biên giới Việt - Lào với việc khánh thành cột mốc đôi đầu tiên tại cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sạ Vẳn; tích cực thực hiện phân giới cắm mốc trên thực địa với Cam-pu-chia. Chúng ta cũng theo dõi chặt chẽ tình hình trên biển, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích của ta.

Công tác Ngoại giao Kinh tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả đáng kể. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng ta đã tích cực góp phần vận động thu hút trên 60 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trên 5 tỷ viện trợ phát triển chính thức (ODA); mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá và lao động của ta; thu hút du khách vào Việt Nam... Công tác thông tin, nghiên cứu dự báo được tăng cường liên quan đến biến động kinh tế thế giới, kinh nghiệm của các nước về kiềm chế lạm phát, vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, đánh giá quốc tế về kinh tế Việt Nam... Đồng thời, chúng ta tích cực vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường; thúc đẩy, đàm phán các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với nhiều đối tác quan trọng.

Đấu tranh trên các lĩnh vực tôn giáo, dân chủ, nhân quyền cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Thời gian qua, các thế lực phản động, thù địch có nhiều hoạt động lợi dụng các vấn đề nêu trên để can thiệp vào công việc nội bộ của ta với tính chất ngày càng tinh vi. Với tinh thần chủ động, đề cao cảnh giác và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, ta đã có những biện pháp đấu tranh kiên quyết, kết hợp với tăng cường tuyên truyền, đối thoại nên đã xử lý tốt các vấn đề nảy sinh, vừa ngăn chặn kịp thời và hiệu quả các hoạt động chống phá ta, vừa làm cho cộng đồng quốc tế ngày càng thấy rõ các chủ trương, chính sách đúng đắn của ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển quan hệ của ta với các nước.

Công tác bảo hộ công dân và vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh. Chúng ta tiếp tục triển khai tích cực các chính sách lớn liên quan đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài như thông qua Luật Quốc tịch sửa đổi, miễn thị thực cho kiều bào, tạo thuận lợi cho bà con mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, thúc đẩy thành lập các Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài..., qua đó tạo không khí phấn khởi và tin tưởng vào chính sách đại đoàn kết dân tộc Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chúng ta đã tổ chức tốt nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm làm cho kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương. Công tác bảo hộ công dân được chú trọng. Việc chúng ta xử lý thỏa đáng các vấn đề người lao động Việt Nam ở Ca-ta, Gióoc-đa-ni, Ma-lai-xi-a, vấn đề cô dâu ở Hàn Quốc, Đài Loan, vấn đề ngư dân ta gặp nạn trên biển và bảo hộ tàu, thuyền của ngư dân Việt Nam tại một số nước khu vực...đã góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân ta.

Công tác Ngoại giao Văn hóa và thông tin tuyên truyền đối ngoại được triển khai tích cực nhằm quảng bá rộng rãi và nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới. Chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tuyên truyền, quảng bá và bầu chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, tổ chức thành công một số sự kiện quan trọng (như Lễ hội Việt Nam tại Xinh-ga-po, Mát-xcơ-va; Tuần lễ Việt Nam 2008 tại Nhật Bản...), tích cực vận động UNESCO công nhận một số di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của ta là di sản thế giới. Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại có nhiều cải tiến về phương thức, chú trọng hiệu quả, góp phần tích cực tuyên truyền và phổ biến các chủ trương, chính sách, thành tựu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, về quan điểm và đường lối của ta trong lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền, đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận, góp phần đẩy lùi các luận điệu xuyên tạc.

Cùng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, ngành đối ngoại đã góp phần quan trọng cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức của năm 2008 đầy sóng gió để vững bước đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc và không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Những kết quả của hoạt động đối ngoại năm 2008 càng khẳng định chúng ta phải quán triệt sâu sắc những bài học quý báu và sinh động của thời kỳ đổi mới về sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa hội nhập quốc tế với việc giữ vững độc lập tự chủ, định hướng Xã hội chủ nghĩa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh-quốc phòng, tăng cường công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ để tiếp tục đứng vững, đi lên trong mọi hoàn cảnh và mọi biến động của tình hình thế giới.

Năm 2009, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể tác động nhiều mặt đến nước ta. Thuận lợi cơ bản là hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, tiến trình hợp tác tại châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được thúc đẩy. Tuy nhiên, kinh tế thế giới diễn biến khó lường và còn nhiều rủi ro; những diễn biến mới trong tình hình an ninh và chính trị, đặc biệt tại Đông Nam Á có thể làm nảy sinh những vấn đề phức tạp cần xử lý. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao Việt Nam là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2009, ngoại giao Việt Nam sẽ được đẩy mạnh dựa trên ba trụ cột: Ngoại giao Chính trị; Ngoại giao Kinh tế; Ngoại giao Văn hóa theo những phương hướng lớn sau:

Một là, tăng cường các hoạt động ngoại giao song phương theo hướng chủ động, chú trọng hiệu quả để tiếp tục đưa quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khu vực đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích kinh tế, tiếp tục mở rộng cục diện “đa dạng hóa, đa phương hóa” có lợi cho việc phát huy vị thế, vai trò và đảm bảo lợi ích của đất nước.

Hai là, nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động ngoại giao đa phương, trọng tâm là phát huy tốt vai trò của Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA/ LHQ và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN nhằm đảm bảo lợi ích và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Ba là, tích cực triển khai và bảo đảm tiến độ thực hiện các thoả thuận về phân giới cắm mốc trên đất liền với các nước láng giềng; theo dõi chặt chẽ tình hình trên biển, kịp thời phát hiện các vấn đề nảy sinh, triển khai các biện pháp thích hợp bảo vệ chủ quyền và lợi ích của ta.

Bốn là, tăng cường hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, nâng cao chất lượng và tính kịp thời của công tác thông tin, dự báo những tác động của kinh tế thế giới đối với nước ta; tranh thủ kinh nghiệm và ý kiến các chuyên gia kinh tế quốc tế trong việc xử lý các vấn đề kinh tế của Việt Nam; hỗ trợ các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế; tích cực đàm phán các khuôn khổ hợp tác kinh tế với các đối tác lớn, vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường, dành Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam...

Năm là, đẩy mạnh công tác Ngoại giao Văn hóa và thông tin tuyên truyền đối ngoại; nâng cao hiệu quả các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia; tổ chức thực hiện tốt “Năm ngoại giao văn hóa 2009”; tích cực vận động UNESCO công nhận một số di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của Việt Nam; xây dựng các biện pháp cụ thể triển khai Chỉ thị 26-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Sáu là, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 19/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới vào năm 2009, hoàn thiện các chính sách lớn về tăng cường vận động, khuyến khích đồng bào ta ở nước ngoài hướng về Tổ quốc; đẩy mạnh công tác bảo hộ công dân nhằm kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền lợi chính đáng của đồng bào ta ở nước ngoài, không để các thế lực phản động, thù địch lợi dụng để kích động, lôi kéo bà con.

Bẩy là, chủ động tuyên truyền và chủ động đối thoại về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; đồng thời làm thất bại các âm mưu lợi dụng những vấn đề này can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Tám là, nâng cao hiệu quả phối hợp các kênh đối ngoại Đảng, Nhà nước, Quốc hội và hoạt động ngoại giao nhân dân; đẩy mạnh thực hiện thống nhất quản lý đối ngoại; tăng cường phối hợp trong công tác nghiên cứu chiến lược, kịp thời phát hiện và dự báo những vấn đề có thể tác động đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta.

Phát huy những thành tựu đối ngoại đạt được năm 2008, bước sang năm 2009, ngoại giao Việt Nam tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất