Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 30/10/2013 21:55'(GMT+7)

“Những thay đổi của báo chí: những thách thức hiện tại cho xã hội tương lai”

PGS,TS. Trương Ngọc Nam- Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại hội thảo

PGS,TS. Trương Ngọc Nam- Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại hội thảo

Sáng ngày 30.10, tại trụ sở Báo Nhân dân (Hà Nội), đã diễn ra phiên thứ 3 Hội thảo “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: cơ hội, thách thức và triển vọng”. Chủ đề của phiên họp này là “Những thay đổi của báo chí: những thách thức hiện tại cho xã hội tương lai”.

Nhà báo Thịnh Giang – Phó Tổng biên tập thường trực báo Nhân dân; PGS. TS. Trương Ngọc Nam – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; GS.TS. Thomas A.Bauer – Giám đốc các Chương trình quốc tế, Đại học Tổng hợp Viên, Cộng hòa Áo chủ trì phiên họp.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận, các chia sẻ, các trao đổi của các đại biểu tập trung làm nổi bật cách làm báo thời toàn cầu; sức mạnh của báo chí trong quan hệ quốc tế thời kỳ hội nhập; các kinh nghiệm làm báo ở nước ngoài….

Nhà báo Thịnh Giang cho biết trước thách thức của quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, báo chí đang tồn tại sự cạnh tranh gay gắt về thông tin, thu hút nguồn nhân lực, tiềm lực kinh tế. Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN, là tờ báo đã khẳng định được uy tín, có sức sống lâu bền tại Việt Nam. Để thích ứng với những thách thức đó, báo Nhân Dân đã ưu tiên phát triển các trang thiết bị hiện đại; luôn có chính sách thu hút nhân tài; các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo Nhân Dân tích cực trau dồi kiến thức cả về chuyên môn và công nghệ thông tin. Báo đã cử nhiều cán bộ ra nước ngoài để đào tạo, học hỏi những phương thức làm báo hiện đại.

Theo PGS.TS Đinh Thuý Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), công chúng phải có hoàn toàn có cơ hội tham gia vào quá trình thu nhập và truyền tải tin tức thông qua các công cụ tương tác và mạng xã hội mà các cơ quan báo chí chính thông đã tạo ra. Theo chuyên gia tư vấn David Brewer (Anh), tất cả các loại hình truyền thông (các kênh truyền thông của một tổ chức) cần phải hỗ trợ cho nhau, hướng dẫn công chúng, giúp họ tìm được thông tin mà cơ quan truyền thông đan sản xuất, từ đó gắn bó với sản phẩm đầu ra của cơ quan truyền thông. Một nguyên tắc nữa liên quan đến bài toán kinh tế là không nên có tin, bài nào chỉ dành cho một loại hình truyền thông duy nhất, thay vào đó, các tin bài sẽ được đăng tải trên tất cả các loại thiết bị. Chiến lược truyền thông đa phương tiện sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan báo chí. Việc thu thập tin tức được sắp xếp hợp lý sẽ cải thiện được tốc độ phản ứng và hiệu quả với thông tin, giảm sự chồng chéo trong phân công công việc, từ đó tiết kiệm chi phí cho nguồn lực. Đặc biệt, trong bối cảnh công chúng của báo in đang giảm mạnh, phương thức truyền thông đa phương tiện sẽ có khả năng thích ứng với nhiều cơ hội kinh doanh mới từ các nguồn lực sẵn có. Những cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí Việt Nam đang hiện hữu và cấp bách đòi hỏi họ phải hành động.

Nhà báo Tô Vương (Báo Nhân Dân) chia sẻ, với tư cách là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, báo Nhân dân hết sức coi trọng tính chính xác của thông tin, đặc biệt là thông tin về các vấn đề như chủ quyền biển đảo, vấn đề đối nội, đối ngoại, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, báo Nhân Dân cũng như các tờ báo khác, các hãng truyền hình, thông tấn trong nước sẽ tiếp tục mở rộng sức lan tỏa để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa những đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS,TS. Trương Ngọc Nam khẳng định, các tham luận, ý kiến bám sát chủ đề đưa ra, chia sẻ được rất nhiều quan điểm, kinh nghiệm của các cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan báo chí nước ngoài. Muốn khẳng định mình, các cơ quan báo chí cần đảm bảo thông tin nhanh nhạy, chính xác, cân bằng, phải hiện đại hóa các phương thức truyền thông, xây dựng cơ sở kinh tế mạnh, dịch vụ hóa các sản phẩm truyền thông, đảm bảo tiện ích cho tiếp nhận thông tin và tăng cường tiếp cận nghiên cứu công chúng. Đặc biệt,  các cơ quan báo chí phải không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ người làm báo, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm báo.

Ngày 31/10 và 1/11, Hội thảo khoa học quốc tế: “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: cơ hội, thách thức và triển vọng” sẽ tiếp tục diễn ra tại Quảng Ninh với chủ đề: “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: cơ hội, thách thức và triển vọng”.

 

Hội thảo diễn ra với 8 chủ đề thảo luận, gồm:

- Báo chí trong tiến trình toàn cầu hoá

- Hoạt động báo chí ở Áo và Việt Nam: những điểm tương đồng

- Đào tạo báo chí và phát triển nghiệp vụ báo chí: Quan điểm mới về năng lực nghề nghiệp

- Ngoại giao công chúng: Báo chí và ngoại giao

- Những thay đổi của báo chí: Những thách thức hiện tại cho xã hội tương lai

- Báo chí điều tra: trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo

- Sự thay đổi mô hình nghiên cứu báo chí, xã hội và truyền thông

- Truyền thông toàn cầu và trách nhiệm của báo chí địa phương

 

Thu Hằng




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất