Thứ Ba, 15/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 26/4/2011 20:2'(GMT+7)

Những “thiên thần” khốn khổ

Một em bé trong trại tị nạn ở Li-bi. (Ảnh: News.cn).

Một em bé trong trại tị nạn ở Li-bi. (Ảnh: News.cn).

Bé Đa-va (Dava), 5 tuổi, sống cùng cha mẹ ở thành phố Mi-xra-ta đã không còn cơ hội chơi các trò con gái yêu thích như mặc quần áo cho búp bê và xâu các hạt cườm. Em đã bị giết trong một cuộc nã pháo khi đang trên đường tới sân chơi cùng các bạn. Đa-va chỉ là một trong số những nạn nhân trẻ em đáng thương thiệt mạng vì bom đạn ở thành phố Mi-xra-ta, nơi các lực lượng chống chính phủ và trung thành với nhà lãnh đạo Ca-đa-phi giao tranh ác liệt. Bé Ai-sa (Aisha), 6 tuổi may mắn hơn vì cha của em đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn khi em vừa cúi xuống nhặt lên một quả bom bi nằm trên đường để chơi.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đã có khoảng 20 trẻ em Li-bi thiệt mạng vì bom bi ở thành phố Mi-xra-ta. Bác sĩ Mô-ha-mét An Pha-ki (Mohamed Al-Faqih) ở trung tâm y tế Mi-xra-ta trả lời trên kênh truyền hình Al-Jazeera rằng “trẻ em là nạn nhân chủ yếu của bom bi”. Ông thường phải cấp cứu các em nhỏ được đưa đến trung tâm trong tình trạng bị thương khắp người, với các mảnh kim loại găm khắp cơ thể từ mắt, đầu, cho tới tay, chân… Bé ít tuổi nhất bị bom đạn giết chết ở Mi-xra-ta mới được 9 tháng tuổi và hầu hết các em thiệt mạng khác đều dưới 10 tuổi.

Những gì mà trẻ em ở Mi-xra-ta đang phải trải qua vượt quá sức chịu đựng của một đứa trẻ. Nhiều em bị tổn thương tâm lý và thể chất nặng nề. Thiếu thốn nước và thức ăn cũng như các nhu yếu phẩm. Không em nào được đến trường. Sống trong sợ hãi vì tiếng bom đạn. Những em khác ở Din-tan cũng trong thảm cảnh tương tự. Chúng bị mắc kẹt giữa chiến trường và không loại trừ khả năng thảm kịch tương tự ở Mi-xra-ta sẽ xảy đến với các em. Còn ở Tri-pô-li, UNICEF không chỉ phân phát nước, thuốc men cho người dân mà họ còn mang tới cả nhiều đồ chơi cho trẻ em. Họ hy vọng, các em sẽ chơi đồ chơi trong nhà để tránh “bom rơi, đạn lạc” bên ngoài. Và quan trọng hơn, đồ chơi sẽ giúp các em tránh bị những tác động nặng nề của chiến tranh và những bất ổn trong cuộc sống hiện nay mà các em đang phải gánh chịu.

UNICEF đã tiếp nhận một số lượng khá đông trẻ em Li-bi chạy khỏi đất nước đang cần trợ giúp về y tế và đặc biệt là điều trị về tâm lý. Từ một trại tị nạn của UNICEF, bé Ma-ri-am (Mariam), 7 tuổi, vừa khóc vừa kể: “Cháu thấy đạn cối phá hủy toàn bộ các ngôi nhà và cháu chỉ kịp mang theo cuốn nhật ký của mình lên xe di tản cùng gia đình. Có rất nhiều tiếng nổ. Cháu đã khóc, bố mẹ cháu cũng khóc. Khi nào cháu có thể về nhà? Ngôi nhà của gia đình cháu có sao không?”. Những đứa trẻ ở các trại tị nạn tại Li-bi bị chấn thương tâm lý đã sợ hãi tới mức có thể bật khóc khi nghe thấy tiếng máy ảnh chụp vì tưởng rằng người ta đang chuẩn bị nổ súng.

Không chỉ ở Li-bi, các nước có “Cách mạng hoa nhài” tràn qua như Ai Cập, Y-ê-men, Ba-ranh, trẻ em cũng trở thành những nạn nhân vô tội của cuộc xung đột. UNICEF đã phải thành lập chương trình “tâm lý-xã hội” để hỗ trợ các trẻ em bị chấn động tâm lý tại Ai Cập. Chương trình được thực hiện tại nhiều thành phố của Ai Cập như Cai-rô hay A-lếch-xan-đri-a. Bác sĩ Ha-sem Ba-ha-ri, giảng viên tâm lý học tại Trường Đại học An A-da ước tính khoảng 30% trẻ em Ai Cập đang phải đối mặt với chứng hoảng hốt, trầm cảm, rối loạn tâm lý vì cuộc biểu tình vừa qua.

Một hiệu trưởng tại Y-ê-men là ông Gia-mi-la An Mu-gia-hít cho biết, ông rất lo lắng vì sự ảnh hưởng của làn sóng biểu tình đối với trẻ em vì chúng không quen chứng kiến và trải nghiệm những bạo lực như vậy. "Những gì đang xảy ra là một tội ác đối với trẻ em”, ông lên án.

Trước thực trạng này, UNICEF cảnh báo tình trạng bạo lực ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, từ Li-bi, Y-ê-men đến I-xra-en và các vùng lãnh thổ của người Pa-le-xtin bị chiếm đóng, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ em và yêu cầu tất cả các bên áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa để bảo vệ trẻ em trong khu vực./.

(Mỹ Hạnh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất