Theo thống kê, đến cuối năm 2012, toàn tỉnh Ninh Thuận 16.523 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 11,19% và 12.790 hộ cận nghèo (tỷ lệ 8,66%). Sau nhiều năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã có nhiều dự án được đúc kết nhân rộng, trong đó có Dự án “nhân rộng mô hình giảm nghèo”...
Các mô hình giảm nghèo của các đơn vị, sở, ngành, đoàn thể địa phương đầu tư thực hiện, phù hợp với địa điểm riêng của từng địa bàn. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò vùng khô hạn đã được nhiều đơn vị triển khai nhân rộng vì tương đối phù hợp với nhu cầu và khả năng của các hộ nghèo. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt có khả năng nhân rộng cho các hộ trên địa bàn toàn tỉnh, phù hợp với thổ nhưỡng và tập quán của người nghèo. Bước đầu đem lại vốn làm ăn cho bà con, giảm thiểu thời gian nhàn rỗi trong sản xuất và tạo thêm nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hội Phụ nữ tỉnh cũng triển khai được nhiều mô hình như chương trình cho vay bò có bảo hành ở các thôn Bỉnh Nghĩa- xã Bắc Sơn, xã Lợi Hải, xã Công Hải (Thuận Bắc); Mô hình hoạt động tổ Thủ công mỹ nghệ, tuy bước đầu thu nhập không cao nhưng kỹ thuật đơn giản lại phù hợp với mọi lứa tuổi, đối tượng trong gia đình; Mô hình giúp phụ nữ nghèo tăng thu nhập (xã Phước Nam và xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam), mô hình CLB phụ nữ sản xuất kinh doanh, CLB phụ nữ không có hội viên nghèo… tạo điều kiện cho chị em nâng cao kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, được hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất; mô hình nuôi heo rượu kết hợp trồng sâm nam núi ở thôn Suối Giếng, thôn Xóm Đèn xã Công Hải, thôn Xóm Bằng xã Bắc Sơn.
Nhằm giúp các hộ gia đình tham quan học tập kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng, tỉa bắp, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây bắp lai, tổ chức hội thảo đầu bờ, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Khoa học- Công nghệ, UBND huyện Bác Ái tổ chức thực hiện giúp nhân dân thôn Đồng Dày thâm canh 3ha bắp lai, với ban đầu là 10 hộ tham gia mô hình, các hộ dân đã được hướng dẫn, tập huấn nắm vững kỹ thuật quy trình thâm canh giống bắp lai NK67. Ngoài ra, Tỉnh đoàn cũng phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Thuận Bắc, UBND xã Bắc Sơn thực hiện triển khai thâm canh trên 17,5ha lúa nước tại thôn Xóm Bằng với 70 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số tham gia. Mô hình thâm canh lúa nước được nghiệm thu và đánh giá cao với năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha.
Hội Nông dân tỉnh có nhiều mô hình như mô hình sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu có hiệu quả, mô hình sản xuất rau sạch, nuôi trùn quế, mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình tưới nước tiết kiệm. Chi cục Phát triển nông thôn cũng thực hiện 03 mô hình lúa nước, 04 mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi nhím…
Riêng huyện Bác Ái, trong năm 2012 triển khai Chương trình hỗ trợ các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, có giá trị kinh tế cao: Chương trình 135 đã thực hiện 13 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại 09 xã, tổng kinh phí 2,6 tỷ. Trong đó, 4 dự án sản xuất bắp lai thương phẩm, 05 dự án lúa nước, 02 dự án trồng cây Cao su, 01 dự án trồng cây Sầu riêng hạt lép và 01 dự án hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là 01 mô hình sản xuất lúa giống cao sản tại xã Phước Tiến, với diện tích 38 ha cho 135 hộ dân tham gia, năng suất đạt trên 5tấn/ha.
Ông Trần Văn Thể, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai từ năm 2008 đến nay chủ yếu tập trung mô hình nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản ở vùng bán khô hạn và mới nhân rộng thêm 2 mô hình từ các xã thuộc huyện Thuận Bắc và Ninh Sơn. Xét ở tính hiệu quả của dự án, vẫn còn một số hộ có khả năng trả nợ vẫn chây ỳ, cố tình không trả nợ để luân chuyển nguồn vốn cho các hộ nghèo khác; Đa phần dự án của các đơn vị, đoàn thể, địa phương tự đầu tư kinh phí làm thí điểm các mô hình Giảm nghèo, có sơ kết rút kinh nghiệm, nhưng thiếu kinh phí để tiếp tục đầu tư nhân rộng; Do đặc thù của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là hộ tham gia phải có vốn đối ứng. Điều này rất khó thực hiện vì đa phần những đối tượng tham gia là những hộ nghèo do đó họ không có đủ vốn đối ứng để thực hiện; Việc tổ chức triển khai các mô hình, dự án ở địa phương còn hạn chế do năng lực và kinh nghiệm của cán bộ cơ sở vẫn còn thấp; Thời tiết và tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, phẩm chất của cây trồng, vật nuôi (bệnh tai xanh, lở mồm long móng, sán lá gan, H5N1; sâu, rầy trên lúa, rau) dẫn đến thiệt hại khó có khả năng hoàn trả vốn; giá cả sản phẩm không ổn định, người dân tự tìm thị trường để tiêu thụ nên dễ dẫn đến bị thương lái ép giá; Hộ nghèo trình độ sản xuất còn tương đối thấp, tổ chức sản xuất và hạch toán kinh tế còn hạn chế, vẫn còn theo tập quán cũ mặc dù có tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn. Bên cạnh đó, một số hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc không có ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền và xã hội, một số hộ có bò chết không có khả năng trả nợ, cá biệt có một số hộ bán bò, bỏ địa phương đi làm ăn nơi khác, một số hộ kéo dài thời gian trả nợ với tư tưởng sẽ được xóa nợ. Kinh phí hỗ trợ còn hạn chế; Số hộ nghèo, hộ cận nghèo còn khó khăn về điều kiện tư liệu sản xuất chưa được hỗ trợ đầu tư vẫn còn nhiều. Số hộ tham gia vào chương trình đa phần ở những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức tương đối thấp, trong khi đó lực lượng cán bộ kỹ thuật thiếu nên việc cầm tay chỉ việc từng hộ dân còn nhiều hạn chế và hộ tham gia rất khó tiếp thu.
Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra của chương trình trong năm 2013 và phương hướng hoạt động năm 2014, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Thuận kiến nghị tăng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ vật tư sản xuất để nhân rộng nhiều mô hình, tạo thị trường để bao tiêu sản phẩm, đây là yếu tố quyết định cho các mô hình phát triển. Xây dựng thêm các mô hình sản xuất và phát huy, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Tăng cường hỗ trợ và đưa vào sản xuất các loại cây, con giống mới năng suất cao có giá trị kinh tế; trang thiết bị, máy móc cần thiết nhằm tăng năng suất lao động, tạo điều kiện cho người nghèo cùng góp vốn, cùng tham gia cùng có trách nhiệm, tránh việc cho không tạo ra tư tưởng trông chờ ỷ lại. Khi triển khai mô hình mới, địa phương đề nghị các nhà đầu tư cần quan tâm đến kinh phí nhân rộng và đầu ra của sản phẩm thu được từ mô hình, tránh trường hợp cung không có cầu. Hướng ra cho sản phẩm sẽ quyết định đến việc mô hình có được người dân ủng hộ và nhân rộng.
Theo molisa.gov.vn