Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 3/12/2010 12:54'(GMT+7)

Nơi thắp sáng niềm tin cho trẻ khuyết tật trí não

Trung tâm Hy Vọng (Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội) nằm sâu trong ngõ 290, đường Kim Mã, Hà Nội, chuyên tư vấn, chăm sóc, phục hồi chức năng và dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Theo chân bác sĩ Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng, đi thăm các lớp học, tôi không khỏi ngỡ ngàng về những đứa trẻ khuyết tật nơi đây. Qua khung cửa sổ, tôi được chứng kiến những gương mặt còn vẻ ngây ngô, ngờ ngệch, đang học hát rất say sưa, giọng hát còn ngọng nhưng đã đúng điệu và hát đều nhau.

Bác sĩ Nga tâm sự: "Dạy cho trẻ khuyết tật trí não vất vả lắm, vì các cháu không có khả năng nhận thức nhanh như trẻ bình thường. Có khi mất cả ngày chỉ dạy được cho trẻ 1 chữ cái, cũng có khi mất cả tuần… Nhiều khi, các cháu không nhớ được, mà cứ nhắc lại y nguyên lời cô. Nên phải thật kiên nhẫn… Nhưng khi dạy được cho các cháu biết thêm một điều mới chúng tôi thấy mừng lắm!”

Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc 57 cháu mang trong mình nhiều loại bệnh: Down, bại não sau viêm màng não, chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ, trẻ có hội chứng tăng hoạt động, giảm trí nhớ, trẻ tự kỷ… Công việc chăm sóc, dạy học cho các cháu cực kỳ vất vả, có lúc các cháu ngoan, lúc các cháu la hét, ỉa, đái, nôn mửa, lên cơn giật, nhiều cháu tự kỷ nhảy từ bàn này sang bàn khác…

Bác sĩ Đỗ Thúy Nga – Giám đốc Trung tâm Hy Vọng bên các trẻ khuyết tật

Khó khăn như vậy, nhưng với sự kiên trì của các cô giáo, trẻ được nuôi dạy ở trung tâm đã có những chuyển biến đáng kể, khiến cha mẹ các cháu mừng rơi nước mắt. Nhiều trẻ ban đầu không nói được rõ lời, không cầm được thìa, bút, không nhớ được mặt chữ… đến nay đã có 60% học sinh lớp A1 (là những em sau khi được chăm sóc có trạng thái tâm lý trở lại bình thường) biết đọc, biết viết; 90% biết giao tiếp như chào hỏi lễ phép, biết mặc quần áo gọn gàng và giữ vệ sinh sạch sẽ. Một số còn biết giúp cô bảo mẫu gấp khăn ăn, dọn bàn, trải nệm ngủ và chăm sóc các em nhỏ hơn.

Trò chuyện với chúng tôi, các bậc cha mẹ đều bày tỏ: Mỗi bước tiến bộ của các cháu (biết ăn, biết nói, biết đọc, biết thế nào là sạch, thế nào là bẩn…), nghe thì quá bình thường với trẻ bình thường nhưng lại là những chuyện phi thường mà trước đó gia đình các cháu chỉ dám hy vọng. Mẹ cháu Đỗ Hoài Nam cho biết, 3 năm trước khi đưa vào đây cháu không biết gì, đến nay Nam đã biết đọc, biết viết, biết hát và con giúp được mẹ những việc vặt.

Bác sĩ Đỗ Thúy Nga cho biết thêm: "Dạy cho trẻ khuyết tật trí óc phải có chương trình đặc biệt, vì vậy thời lượng tiết dạy chỉ từ 5 phút đến 30 phút. Khi trẻ có biểu hiện không đáp ứng được thì giáo viên phải chuyển ngay nội dung khác để trẻ vẫn giữ được nhiệt tình học. Nội dung dạy cũng phải soạn sao cho phù hợp với khả năng của trẻ để trẻ không chán, có thể sẽ không đến lớp… Cô giáo phải chuẩn bị tiết học một cách tỉ mỉ, luôn phải sử dụng tranh ảnh, mô hình để minh họa khi dạy.”

Mỗi trẻ ở Trung tâm đều có sổ theo dõi sức khoẻ và một kế hoạch giáo dục cá nhân. Mọi diễn biến về sức khoẻ thể chất và tâm lý của bé đều được giáo viên và bác sĩ của Trung tâm theo dõi, điều chỉnh kịp thời. Được nuôi dạy đúng cách, trẻ đến đây đã dần học được kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Giờ học của trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hy Vọng

Trung tâm hiện có 13 giáo viên, tất cả các giáo viên đứng lớp đều đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng sư phạm khoa Tiểu học và Mẫu giáo. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hoa tâm sự (mới dạy ở trung tâm 6 tháng): “Khi đang còn là sinh viên, nhìn những đứa trẻ khuyết tật tôi rất đau xót. Sau khi tốt nghiệp khoa Mần non tôi xin về đây dạy những đứa trẻ khuyết tật, mong muốn bù đắp một phần khiếm khuyết cho các em.” Đó cũng là tâm trạng chung của các cô giáo đang dạy học ở đây.

Mới đây 1 tin vui đã đến với Trung tâm Hy Vọng, 2 học sinh của Trung tâm được chọn vào Đội tuyển điền kinh người khuyết tật TP HN thi đấu đã đạt huy chương, Đồng Đức Linh đạt huy chương Vàng và Nguyễn Hoài Nam đạt huy chương Đồng môn chạy. Đó là những món quà vô cùng quý giá tri ân các thầy cô giáo.

Ngoài những nỗ lực của các cô giáo nơi đây, cần có thêm tình yêu thương và sự quan tâm của cộng đồng và xã hội, tiếp thêm sức mạnh cho cô và trò trung tâm Hy Vọng đạt được kết quả tốt đẹp trong việc dạy học, để những thiên thần không may mắn trong có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Theo thống kê của Dự án giáo dục tiểu học lớn nhất Việt Nam mang tên: ''Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn'' đã chỉ ra rằng,Việt Nam có tới 1 triệu trẻ khuyết tật, tương ứng với 3% số trẻ em trên toàn quốc. Sáu dạng tật chính là khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật tinh thần, khuyết tật vận động và không có khả năng nói. Trẻ khuyết tật tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Theo các chuyên gia về giáo dục, nước ta cần khoảng 640.000 giáo viên để giảng dạy cho tổng số trẻ em khuyết tật nói trên.

Lê Vũ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất