Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 18/9/2009 10:54'(GMT+7)

Nói và làm... Cần lắm!

Bác Hồ nói chuyện với bà con nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) năm 1954 (Ảnh minh hoạ).

Bác Hồ nói chuyện với bà con nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) năm 1954 (Ảnh minh hoạ).


Nói đi đôi với làm là vấn đề đã được đặt ra trong đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người điển hình trong việc luôn luôn đề cao truyền thống này. Không những vậy, Người còn tiếp thu, thực hiện một cách nghiêm khắc và nâng lên thành nguyên tắc trong xây dựng đạo đức cách mạng. Với Bác, lời nói phải đi đôi với việc làm, lý luận phải luôn gắn liền với thực tiễn, nói để mà làm. Song hành với việc thực hiện nguyên tắc đó, Người cũng kịch liệt lên án những gì đi ngược với nguyên tắc, đạo đức truyền thống của dân tộc.

Lời nói thể hiện lương tâm, bản lĩnh, lý trí và tình cảm ở mỗi con người. Việc làm thể hiện hành vi đạo đức cụ thể của con người. Và có thể khẳng định, nói đi đôi với làm là một đòi hỏi, yêu cầu tất yếu trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đạo đức, tư tưởng ấy được thể hiện trong tất cả các tác phẩm của người dù ở bất kỳ hình thức nào và trong cuộc sống của Người dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Ngay từ những năm còn bôn ba hoạt động cách mạng, khi giáo dục "Tư cách người cách mệnh" cho lớp cán bộ cách mạng tiền bối, trong 14 điều đối với bản thân mình, Hồ Chí Minh đã khẳng định "Nói thì phải làm". Và đến khi nhắm mắt về với "thế giới người hiền", Người vẫn không quên căn dặn các cán bộ, đảng viên và nhân dân về đạo đức truyền thống này.

Theo Bác, cán bộ, đảng viên là những người từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu. Cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ, công bộc của dân, là người góp phần làm ra chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Cán bộ, đảng viên là cầu nối giữa dân với Đảng và Nhà nước. Để thực hiện vai trò cầu nối, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ đảng viên cần luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, cần luôn thực hiện nói đi đôi với làm, gắn lời nói với hoạt động thực tiễn thì mới có tác dụng thuyết phục nhân dân, có lợi cho cách mạng, trở thành người cách mạng chân chính. Vào tháng 1/1946, khi nói chuyện tại trường cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh, Người đã khẳng định: Lúc này chúng ta không cần nói nhiều, mà phải làm thật nhiều. Đất nước đang trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc, đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng phải luôn hết lòng vì dân tộc, phải làm nhiều hơn nói, chỉ có việc làm thực tiễn mới đưa dân tộc ta ra khỏi nguy nan.

Lời dạy của Bác cho ta thấy, cách mạng muốn thành công phải lấy dân làm gốc và muốn có được gốc rễ bền chặt phải được dân quý dân yêu, dân tin. Đạo lý lấy dân làm gốc đã được sử sách lưu từ bao đời nay và nó sẽ không bao giờ cũ. Do đó, Người yêu cầu: "Những người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc". Hơn nữa, để quần chúng noi theo, làm theo, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước với tinh thần "đảng viên đi trước làng nước theo sau", đã nói là phải làm, lời nói không thể xa rời việc làm. Bác dạy "Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói, tay làm để làm gương cho nhân dân". Bởi, "một tấm gương có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Quần chúng nhân dân không chỉ nghe vào những gì cán bộ nói mà quan trọng nhất là họ nhìn vào thực tế những gi cán bộ làm hàng ngày và đặc biệt là hiệu quả công việc họ làm đến đâu.

Bên cạnh những lời dạy, nói đi đôi với làm, Bác cũng kịch liệt lên án, phê phán kiểu nói suông không đi đôi với làm. "Nói hay mà không làm thì là vô ích. Đó là một tật xấu". Bác dẫn chứng, "trong kháng chiến nếu cán bộ chỉ huy du kích miệng hô tiến lên mà bản thân mình lại thụt lùi thì các chú thấy thế nào?. Làm sao anh em có thể tiến lên được". Trong bất kỳ thời đại nào, hiệu quả công việc cũng là yếu tố hết sức quan trọng để đo năng lực, khả năng của con người, với cán bộ đảng viên điều này còn là thước đo ý chí cách mạng. Vì vậy, để giữ vững, phát huy vai trò của người cán bộ đảng viên, trước hết phải là người "đầu tàu" gương mẫu. Ngay cả với Đảng và Nhà nước, Bác cũng đặt vấn đề "đã hứa là phải làm". Đó là đạo đức cách mạng. Từ đó Người đã đưa ra luận điểm mà bất kỳ người đảng viên nào cũng đều ghi nhớ, đó là: Trước mặt quần chúng không phải cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý những người có tư cách đạo đức. Vì vậy, muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.

Thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của con người Hồ Chí Minh. Người là tấm gương hiện thân rõ nét nhất giữa lời nói đi đôi với việc làm, hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để làm dù là việc lớn hay nhỏ. Có lẽ đây cũng chính là sự thuyết phục mạnh mẽ nhất trong tấm gương đạo đức của Người mà muôn đời sau vẫn còn giá trị.

Trong thời đại ngày nay, sau hơn 20 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thành tựu mang lại trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội theo hướng mở cửa hội nhập là đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, đất nước phát triển mạnh mẽ đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Có được những thành tựu đó là do Đảng ta đã vận dụng triệt để được đạo đức truyền thống "nói đi đôi với làm", lấy dân làm gốc vẫn giữ vững được đạo đức cách mạng trong hầu hết các cán bộ đảng viên.

Tuy nhiên, không phải không còn những tồn tại, nhất là trong giai đoạn mở cửa kinh tế quốc tế mang theo nhiều cám dỗ và cùng những lợi ích cá nhân vào một số cán bộ đảng viên khiến cho lời nói không đi đôi với việc làm. Trong không ít các cơ quan, đoàn thể, tổ chức vẫn còn hiện tượng, hứa mà không làm hoặc hứa thì hay nhưng làm thì ngược lại. Đặc biệt, trong các báo cáo tổng kết, các kết quả thường được tô thêm nhiều gam màu sáng để nhằm phủ mờ đi những gam màu tối. Bệnh thành tích vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều cán bộ đảng viên. Ngại bị phê bình, ngại đối mặt với những tồn tại, thích được tung hô... và muốn được tung hô thì hứa thật nhiều và hô hào cũng thật nhiều nhưng kết quả quan trọng nhất là hiệu quả công việc lại chẳng được bao nhiêu... Đây không chỉ là một thách thức đối với nền kinh tế đất nước mà còn là lực cản cho sự phát triển chung của dân tộc. "Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu nhân dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng... Đó là một nguy cơ to lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ." - (Văn kiện Đại hội đại biển toàn quốc lần thứ X). Điều đó cũng có nghĩa với việc Đảng ta "tuyên chiến" với tệ quan liêu, nói không đi đôi với làm để làm trong sạch bộ máy cán bộ đảng viên./.

Đỗ Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất