Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 20/4/2010 22:41'(GMT+7)

Văn chương là văn chương…

Quầy bán sách văn học. (Ảnh minh hoạ)

Quầy bán sách văn học. (Ảnh minh hoạ)

Bởi vì, mặc dù công việc sáng tác là một cõi rất riêng tư của nhà văn, nhưng viết mà lại nhằm để không ai ngoài chính bản thân mình đọc thì đấy là một kiểu viết tình thư đơn phương cất kỹ đáy rương chứ không phải là viết văn, hoặc chí ít thì cũng không phải là viết văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn. Và một khi đã viết ra cho mọi người đọc mà lại chẳng hề có ai chịu đọc thì dù sao đi nữa vẫn là một sự đáng buồn, đồng thời cũng là rất đáng ngại đối với người viết. Bị một hoặc hai biên tập viên chê bản thảo thì chưa thành vấn đề gì. Nhưng, ông thứ ba, thứ tư, thứ năm vẫn vậy, nhà văn không thể nào không tự vấn. Cũng thế, nếu trong dư luận văn học tất cả mọi luồng ý kiến đều nhất loạt đánh giá thấp một tác phẩm nào đó thì rất nhiều khả năng tác phẩm ấy, một cách khách quan, là không hay.

Tuy nhiên như vậy hoàn toàn không có nghĩa là nhà văn cần phải nương theo dư luận khen chê và chạy theo số lượng độc giả. Nói rằng nhà văn không cần biết tác phẩm của mình có nhiều hay ít người đọc là nói ẩu, thế nhưng, mặt khác, quả thực, số lượng người đọc chưa nói lên được điều gì về giá trị của một cuốn tiểu thuyết, thậm chí ngay dù số lượng ấy có đông tới cả biển người mà tiểu thuyết đó vẫn không chắc đã đáng được coi là một tác phẩm văn học.

Thời nào cũng vậy, nước nào cũng vậy, số lượng nhà văn nhà thơ có thể rất đông đảo nhưng đích thực là nhà văn nhà thơ thì không bao nhiêu. Số lượng người đọc thực sự là độc giả văn học, yêu và am tường văn học cũng thế, thường chỉ chiếm một tỉ lệ phần trăm dân số rất vừa phải. Điều ấy là hoàn toàn hợp lý, bởi trong văn chương đương nhiên có một sự chọn lọc như vậy. Ở ta ngày nay thời kinh tế thị trường, người người đa dạng sở thích và thị hiếu, mức sống khác nhau, tầm tri thức chênh nhau, nên văn hóa đọc trong xã hội lại càng phân tầng ra và trở nên cách biệt hơn ngày trước.

Thời nay, trước tiên, phải kể tới số lượng đông đúc những người chẳng bao giờ đọc sách. Đây không phải là tính gộp cả những người chưa biết chữ hoặc người lao động nghèo phải ngày đầu tắt mặt tối kiếm kế sinh nhai, mà chỉ kể ở tầng lớp khá giả có học, có tiền có địa vị. Chắc chắn là có một tỉ lệ khá cao trong số những người này nói chung chẳng bao giờ đọc cái gì hết. Đại khái họ có xem tivi, thế thôi. Tầm văn hóa trưởng giả qui định cho họ như vậy. Tẻ ngắt và vô vị, nhưng họ vô hại.

Tiếp nữa, đông đảo không kém các đối tượng kể trên là đội ngũ những người trái lại, bạ gì cũng đọc. Và tất nhiên theo luật của kinh tế thị trường có cầu thì có cung, đội ngũ những người bạ gì cũng đọc đẻ ra đội ngũ những người bạ gì cũng viết. Thị hiếu tầm phào, sở thích nhăng cuội được thỏa thuê đáp ứng nhu cầu bởi tràn lan bể sở những tiểu thuyết ba xu và truyện ngắn gà vịt. Cả văn chương giải trí nữa, như nhiều người vẫn gọi, tuy có ra điều chữ nghĩa văn vẻ hơn một chút song cũng là được sinh ra từ nhu cầu hàng xén, đọc để giết thì giờ. Đấy là những thứ vô bổ, mà xét về lâu dài, xét đến sâu xa đời sống dân trí thì hẳn nhiên là có hại rồi, ai cũng biết vậy. Có điều hẵng cứ biết bây giờ, hẵng cứ biết trước mắt, con người ta thường là như vậy. Ừ thì là phù phiếm và vớ vẩn, nhưng dễ đọc dễ hiểu và nhất là dễ dàng viết ra, dễ dàng sản sinh sản xuất. Người đọc thì được mua vui, được giải khuây, người viết thì chẳng mất mấy sức mà kiếm bộn tiền. Vả chăng mặc dù lá cải nhưng hầu hết các ấn phẩm ấy không phạm pháp. Đã không phạm pháp thì dẫu vô bổ vẫn có thể coi là thứ hàng hóa vô hại phục vụ những nhu cầu vô thưởng vô phạt của đời sống thường nhật.Tất nhiên khi đã là nhà văn bạ gì cũng viết thì rất dễ trở thành thứ nhà văn sẵn sàng viết lách và in ấn bậy bạ, đăng phục vụ những nhu cầu và khát thèm tuy có thể là tồn tại, phát triển nhan nhản trong đời sống và lối sống đương thời nhưng vẫn rất chi là nhảm nhí, thậm chí hết sức hạ đẳng. Những ấn phẩm như vậy ngay dù là sống chui lủi phi pháp vẫn có thể cuốn được lượng " độc giả" đông đến khó tin, giúp "tác giả" hốt được những đống tiền thù lù, và ở vài trường hợp thậm chí còn gây được cả những sự xôn xao bát nháo trong dư luận, khiến cho trò hề gần trở thành ra như là sự cố văn chương rình rang.

Tình trạng ấy rành là chẳng hay ho gì, không chỉ cho giới xuất bản mà còn làm hổ lây đến giới nhà văn, có điều thực ra đấy cũng chỉ là những sự thể chẳng sao tránh xuể được trong cuộc sống thời nay đang phát triển ngày một thêm đa dạng và phức tạp về mọi mặt. Xét cho cùng đấy cũng chỉ những hiện tượng bình thường thôi của cuộc sống. Cho nên chẳng việc gì mà phải cả lo, phải lấy làm kinh sợ. Không bỏ qua, không phó mặc, cần phải lên tiếng ở mức cần thiết, nhưng thế thôi. Như trường hợp " Sợi Xích " và nói chung những thứ đại loại như vậy, các nhà văn đâu cần phải đụng bút tới. Đấy đâu phải văn, đấy đâu phải những thứ đáng để nhà văn và độc giả văn học để mắt bàn tới, dù là để phê phán.

Văn chương là văn chương, mãi mãi giản dị và thuần khiết cái điều muôn thuở ấy. Bất cứ những gì không liên quan tới văn học thì không bao giờ, không tài nào có thể ám được vào văn học và làm nhơ được văn học./.

(Theo: Mã Pí Lèng/QĐND)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất