Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Năm, 2/8/2012 17:35'(GMT+7)

Nước Lào luôn trong trái tim tôi!

 

Hôm nay, người cựu chiến binh từng chiến đấu, đóng quân bên nước bạn Lào rất hào hứng, phấn khởi. Bởi lẽ, những kỷ niệm, những hồi ức của năm tháng sống, chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và những ngày trú quân tại Xiêng Khoảng (Lào) đã góp phần giúp ông đoạt giải Nhất trong tuần thi trắc nghiệm thứ 11 của Cuộc thi tìm hiểu Việt – Lào.

Trung tá Phạm Hồng Phong


Hồi tưởng lại kỷ niệm năm xưa, cũng như bao thanh niên thời điểm bấy giờ, cậu thanh niên Phong xếp bút nghiêng lên đường nhập ngũ, cầm súng để giành lại độc lập cho tổ quốc. Cậu được phiên chế về trung đoàn 48, sư đoàn 320, đơn vị hành quân sang nước bạn Lào vừa chiến đấu, vừa tập trung để dồn binh lực cho chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Sau một thời gian chiến đấu tại chiến trường Lào, đơn vị Phong được huy động tập trung cho chiến trường Quảng Trị. Cũng tại thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm đỏ lửa. Người lính trẻ bị thương, mất một con mắt, gãy một bên chân, sau đó được đưa về hậu phương và ra Bắc học tập, giờ đây người cựu chiến binh năm nào vẫn đang sống cùng với một mảnh đạn trong đầu.

Nhắc lại kỷ niệm năm xưa, cựu chiến binh này cho biết: Khi đó ở lứa tuổi thanh niên, đang cái tuổi ăn tuổi lớn, quân lương thì thiếu thốn, cái đói, cái sốt rét hành hạ nhưng những người lính trẻ Việt Nam vẫn nhận được tấm lòng của các bộ tộc nhân dân Lào. Khi đóng quân tại Xiêng Khoảng, bà con các dân tộc thường đem cơm nắm, rau rừng, đồ ăn cho bộ đội Việt Nam ăn, để lấy sức chiến đấu. Bà con các bộ tộc Lào anh em cũng có con em mình đang tham gia bộ đội Pathét Lào, nên họ thấu hiểu hoàn cảnh của người lính, đặc biệt hơn nữa khi bộ đội Pathét Lào và bộ đội Việt Nam đều cùng chiến đấu chung một chiến hào, cùng mục tiêu giành lại độc lập cho tổ quốc mình. Những nắm cơm, bó rau rừng của đồng bào đã giúp cho những người lính trẻ có thêm sức lực để chờ đến ngày ca khúc khải hoàn, non sông độc lập.

Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, ông Phong thi thoảng vẫn sang Lào chơi, thăm thú đó đây. Vì theo ông, bạn bè bên đó còn nhiều, thi thoảng đi lại thăm nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm ngày gian khó, vừa kết hợp du lịch nghỉ ngơi.

Đến với cuộc thi này, ông Phong không chỉ tham gia thi trắc nghiệm mà còn thi viết, đây cũng là một động lực để ông thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, phần nữa ông muốn lớp con cháu trong gia đình nhìn vào đó để học tập.

Ông xúc động bày tỏ: Quan hệ Việt - Lào trước nay rất gắn bó, thân thiết keo sơn, tình anh em chiến đấu bền chặt, bộ đội hai nước từng hợp đồng tác chiến rất hay, quân đội Việt Nam cũng có thời gian chiến đấu bên Lào lâu, hy sinh xương máu cho các bộ tộc dân tộc Lào rất lớn. Và ngược lại nhân dân các bộ tộc Lào cũng rất đùm bọc, che chở cho bộ đội Việt Nam.

Với ông tình cảm giữa dân tộc Việt Nam và rất tộc Lào là hết sức mẫu mực, từ trước đến nay chưa có gì thay đổi được. Dù có biến cố gì cũng hết sức gắn bó. Những kỷ niệm đó luôn sống mãi trong ông.

Trung úy Lê Thanh Hải


Khác với ông Phong, trung uý Lê Thanh Hải đến với cuộc thi tìm hiểu Việt – Lào từ ngay trong chính công việc hằng ngày. Hải tốt nghiệp Khoa lịch sử Đảng trường Khoa học xã hội và nhân văn, Hải về công tác tại Viện nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam từ năm 2009. Cũng tại Viện nghiên cứu, Hải được phân về Ban lịch sử tổng kết chiến tranh Lào, chuyên viết lịch sử quân sự và các công trình cho nước bạn Lào. Trung uý Lê Thanh Hải cũng đã giành giải nhì tuần thứ 13 cuộc thi trắc nghiệm Việt – Lào.

Chính vì công tác tại Ban lịch sử tổng kết chiến tranh Lào, Hải có điều kiện tiếp cận các tài liệu nghiên cứu một các chi tiết, hệ thống và khoa học. Tâm sự với phóng viên TCTG, Hải cho biết ngoài quá trình tìm tài liệu qua sách báo, mạng điện tử, Hải còn tập trung tìm hiểu 6 công trình nghiên cứu của Ban Tuyên giáo Trung ương về quan hệ lịch sử Việt Nam. Các tài liệu viết, phim ảnh, băng hình và tài liệu trong kho nghiên cứu của cơ quan đã giúp Hải tự tin hơn trong các câu trả lời trắc nghiệm.

Không chỉ tham gia thi trắc nghiệm, Hải còn tham gia thi viết, trong bài thi viết của mình, Hải đã mạnh dạn đề nghị nên có khoa tiếng Lào tại đại học ngoại ngữ Quốc gia. Hiện nay ở Việt Nam chưa thấy một trường đại học nào đào tạo bài bản tiếng Lào, ngay cả đại học ngoại ngữ quốc gia hiện nay cũng chỉ có khoa tiếng Thái, chưa có khoa tiếng Lào. Nếu muốn học tiếng phải sang Lào để học 4 năm, chính vì thế ở tư cách cán bộ nghiên cứu, Hải muốn có thêm cơ hội được học tiếng Lào ngay tại quê hương mình, điều đó giúp cho người lính trẻ có thêm vốn ngoại ngữ phục vụ công việc của mình.

Qua công việc và qua tài liệu nghiên cứu, trong hình dung của Hải, Lào là nước thanh bình, nhân dân hiền hoà, mến khách, quan hệ việt Lào có từ xưa, từ mối quan hệ của chủ tịch Hồ Chí Minh với hoàng thân Xu-va-nu-vông, đó là một mối quan hệ gắn bó, bền chặt và ngày nay mối quan hệ đó càng được hai nước phát triển.

Trung uý trẻ cũng mong rằng, một ngày nào đó sẽ được đặt chân lên nước bạn thân yêu./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất