Thứ Tư, 27/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 2/1/2011 12:53'(GMT+7)

Nước non vững bền

Năm 2010, Việt Nam tăng trưởng vượt so với kế hoạch đặt ra. (Ảnh minh hoạ).

Năm 2010, Việt Nam tăng trưởng vượt so với kế hoạch đặt ra. (Ảnh minh hoạ).

Đã lâu lắm rồi tôi mới lại nghe đến cái từ “thắt cổ chai” – tình trạng “thắt cổ chai” trong phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2010, cùng với cái từ nói và nghe đều thấy đắng miệng, đắng tai ấy, còn hàng loạt từ ngữ buồn lắng khác nào là nghẽn, tắc, ngưỡng, nút thắt… và nữa “cái bẫy của thu nhập trung bình”. Sau 25 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta đã đưa đất nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau nhiều chục năm chiến tranh phát triển với tốc độ khá cao, thoát khỏi vị trí đất nước kém phát triển, nâng thu nhập bình quân đầu người từ ngưỡng thấp lên mức 1.200 USD, mức thu nhập trung bình (thấp) của thế giới. Với mức thu nhập ấy, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7% mỗi năm trong hơn một thập kỷ qua, thậm chí vẫn tăng trưởng khá cao trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã và vẫn đang tác động mấy năm qua, đó là sự phát triển đáng tự hào. Song những nghẽn, thắt, bẫy… là có thật, là cái nhìn thật về thử thách phía trước, thử thách của phát triển mang tên “thắt cổ chai”.

“Thắt cổ chai” là một từ địa lý - quân sự phổ biến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một từ đầy máu và nước mắt về một thời kỳ miền đất trên eo lưng đất nước ngập tràn bom đạn. “Thắt cổ chai” là phòng tuyến dày đặc các tập đoàn cứ điểm kiên cố ở Quảng Trị với hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra, là miền đất nam khu Bốn ngày đêm hứng bom, đạn pháo giặc. “Thắt cổ chai” là một trọng yếu của chiến lược chia cắt Bắc-Nam, ngăn chặn cuộc chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, một thách thức lớn nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhưng với đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, với quyết tâm và niềm tin vào đường lối cả nước đánh giặc, với sự kiên cường của quân, dân trên vùng đất “thắt cổ chai”, với sự phát huy của yếu tố thời đại, tình đoàn kết quốc tế, chúng ta đã chiến thắng, đã đi đến thắng lợi cuối cùng.

Bây giờ, thách thức “thắt cổ chai” đang hiển hiện giữa chặng đường đất nước băng tiến đến cái đích cơ bản công nghiệp hóa vào 10 năm tới. Mỗi thời kỳ, mỗi hoàn cảnh đòi hỏi có phương cách giải quyết khác nhau. Chiến tranh và hòa bình hoàn toàn khác nhau, khác đến từng chi tiết cuộc sống của mỗi con người, nhưng sự liên tưởng về thách thức “thắt cổ chai” hướng tôi đến suy nghĩ về một điểm chung nền tảng, ấy là ý chí quyết tâm vượt lên thách thức. Đã xa rồi, thời làm việc gì cũng hay nói đến ý chí quyết tâm, xa rồi những lầm lỗi “duy ý chí”, nhưng cuộc phấn đấu và tranh đấu dựng xây, không có ý chí vượt lên chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, có nghĩa là chúng ta sẽ thụt lùi, đau đớn. Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tự thân là một cuộc cách mạng lớn lao đụng chạm đến mọi lề lối làm việc, nếp sống, suy nghĩ, ứng xử của cả dân tộc và từng con người để làm thay đổi, biến cải cả hình hài đất nước đến từng cánh đồng, làng xóm, ngôi nhà. 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, toàn Đảng, toàn dân ta đã từng bước, từng bước làm được bao điều kỳ diệu. Thực tế thành, bại, sáng tạo và sai lầm càng làm sâu sắc thêm trong chúng ta nhận thức về những yếu kém, trở lực cũng như những năng lực, sức vóc cũ, mới của chính mình. Điều quan trọng hơn hết là ta càng ngày càng thấy rõ hơn con đường phía trước và càng tự đòi hỏi phải giàu có ý chí vượt lên. Không có ý chí chính trị tinh thần mạnh mẽ không chiến thắng được quan liêu, lãng phí, tham nhũng, không tạo dựng được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không xây dựng được nhà nước pháp quyền…

Đã xa rồi thời bưng bít, tô hồng, Đổi mới đã gây dựng cho chúng ta thái độ và tư duy cách mạng và khoa học “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”. Trước thềm năm mới 2011 và thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, trước thềm của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, một bầu không khí dân chủ, nhìn thẳng, nói thẳng vào sự thật đã tỏa lan từ đại hội Đảng các cấp đến các diễn đàn khoa học và toàn xã hội. Bên cạnh những “thắt cổ chai”, ngưỡng, nghẽn, bẫy… của cơ sở hạ tầng còn non yếu, nhân lực thiếu đào tạo, của lạm phát, tham nhũng, lãng phí, hàng giả, hàng lậu… là sự giới hạn của những động lực mang tính tự phát do “cởi trói”, “bung ra” thuở ban đầu, là những tác động tiêu cực của các chương trình, dự án, cách làm “thiếu bền vững”… Nhận thức đúng và dũng cảm đối mặt với thực tế ấy, tôi thấy ở các đại hội, hội nghị, diễn đàn, hội thảo không có những ý kiến nản lòng. Hiểu rõ mảnh đất dưới chân mình đang đứng là sự tự tin để mạnh bước đi tới.

Từng một thời kỳ là chiến sĩ hải quân, tôi vẫn nhớ chuyện về con tàu vận tải tải trọng 1000 tấn đầu tiên của công nghiệp đóng tàu Việt Nam do một nhà máy đóng tàu dân sự tại Hải Phòng đóng từ những năm 1960. Con tàu mang tên “20 tháng bảy” vừa hạ thủy thì bị lệch, không hoạt động được bình thường. Rồi các kỹ sư, công nhân ta cũng có cách sửa chữa, căn chỉnh. Con tàu thô sơ, lắm khuyết tật thuở ấy ám ảnh bao người, vậy nên nửa thế kỷ sau được thấy những con tàu hiện đại 2, 3, 5 vạn tấn nối nhau rời những nhà máy đóng tàu của ta, ai chẳng mừng. Cũng bởi vậy, ai chẳng xót xa khi một tập đoàn công nghiệp đóng tàu non trẻ, đang lên của ta lại vấp phải lỗi lầm, đổ vỡ to vì quản lý kém cỏi, vì nôn nóng ăn nên làm ra… Và cũng chẳng lạ khi đồng bào, chiến sĩ nơi nơi trông ngóng từng ngày VINASHIN được gỡ rối, tái cấu trúc, tiếp tục hạ thủy những con tàu hiện đại.

Cuối năm, đọc những con số, những sơ đồ, biểu đồ phân tích, phân tích có những lên, những xuống đan xen. Đằng sau con số GDP tăng trưởng 6,74% năm 2010 là đóng góp của 200.000 tỷ đồng của ngành Bưu chính viễn thông, một ngành có mức phát triển liên tục 30-40% mỗi năm trong những năm qua; là con số xuất khẩu kỷ lục hơn 6 triệu tấn gạo; là gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu,… là thủy, hải sản của nông dân được giá; là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã vận hành đúng tiến độ, các chế phẩm được tiêu thụ kịp thời, đáp ứng hơn 30% nhu cầu sử dụng xăng, dầu của đất nước; là một khu công nghiệp hiện đại đã đưa Quảng Ngãi, một tỉnh nghèo của miền Trung phát triển bứt lên trở thành một trong 5 tỉnh, thành phố có GDP cao nhất cả nước; là kỷ lục đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm…

Sau những vấp ngã là đứng dậy, sau những mất mát, buồn đau là nảy nở, sinh sôi. Khi những đoàn người, xe từ phía Bắc, phía Nam nườm nượp đổ về cứu trợ bà con vùng mưa lũ miền Trung, ấy là nguồn lực, là tình đồng bào, đồng chí không bao giờ vơi cạn. Cuối năm, được ngắm nhìn và lắng nghe những gương mặt, những giọng nói bình dị hồn nhiên của những người “thi đua”, những người “làm theo lời Bác” giàu lòng nhân ái, giàu ý chí vượt lên gian khó từ mọi miền đất nước mà thấy ấm lòng. Gốc của nước ở lòng dân là vậy. Gốc của hòa bình, yên ấm là vậy. Đấy là chỗ dựa cho chí khí cùng những quyết sách đưa đất nước đi lên, cho vị thế tự tin của đất nước làm tròn trọng trách Chủ tịch ASEAN trong năm 2010 và đàng hoàng mời đón các cường quốc đến Việt Nam bình đẳng và thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng, bàn bạc kế sách “giữ tình hòa hiếu, tắt muôn đời chiến tranh”.

Phát triển nhanh và bền vững, ấy là chiến lược để chúng ta khắc phục những khuyết tật, yếu kém, tổ chức lại nền kinh tế để non nước mấy ngàn năm ngày càng bền vững, tiếp đà vươn tới, bay lên cùng Thủ đô ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. “Nước non Việt Nam ta vững bền” – lời Tiến quân ca hào hùng từ một thời khói lửa vẫn vang động trong mỗi con tim, nhịp bước hòa bình./.

Tùy bút của Mạnh Hùng

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất