Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua cái gọi là Nghị quyết H.Res.20 kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo”. Ngay sau sự việc này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản bác và cho rằng, đó là nghị quyết “không khách quan, phản ánh không đúng tình hình thực tế tại Việt Nam hiện nay”.
Đúng như những gì mà Bộ Ngoại giao ta đã khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, 80% người dân có đời sống tín ngưỡng, trong đó có 22,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau và có 25.000 cơ sở thờ tự-tôn giáo... Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo... đều có mặt tại Việt Nam. Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (năm 1946) đến Hiến pháp của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam ngày nay, Việt Nam luôn khẳng định quyền “tự do tín ngưỡng, tôn giáo” là một trong các quyền cơ bản của con người. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng. Ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, các tín đồ theo các tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật”. Cùng với đó, Việt Nam khẳng định quan điểm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân. Nhà nước Việt Nam cam kết tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trên thực tế, đồng thời không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng và tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy có thể thấy, quan điểm, chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo là rất ưu việt, rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, không hiểu vì thiếu thông tin hay vì tư tưởng định kiến mà một số cá nhân, nhất là ở nước ngoài vẫn chưa hiểu hết, hiểu đúng về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam?
Còn nhớ cách đây mấy tháng, cũng xảy ra một sự việc tương tự. Lợi dụng thời điểm Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tổ chức kiểm điểm định kỳ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, một số cá nhân, tổ chức thù địch trong đó có cả những người trong Hạ viện Mỹ đã gửi kháng thư thông tin sai sự thật về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam tới Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Sau khi hợp tác với Việt Nam làm rõ các vấn đề nêu trong bản kháng thư dài tới hơn 70 trang ấy, tại khóa họp thứ 17 (từ ngày 31-8 đến 3-9-2010), Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đã bác bỏ toàn bộ kháng thư xuyên tạc, sai sự thật nói trên.
Sự việc Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết H.Res.20 phản ánh thiếu quan, không đúng tình hình thực tế tôn giáo tại Việt Nam là hết sức đáng tiếc và không đáng có. Hơn thế, trong khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đang ngày càng được củng cố, phát triển, thậm chí hai bên đang đặt vấn đề nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược thì việc làm trên quả là lạc lõng và phương hại đến lợi ích của cả hai bên.
Theo QĐND