Chi phí lao động rẻ được coi là lợi thế hàng đầu của VN trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng đến thời điểm này, lợi thế này đang trở thành điểm yếu, điểm bất lợi cho người lao động cũng như nền kinh tế VN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh thời hội nhập.
Theo một công bố mới đây của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (Eurocham), với mức gần 49 USD/tháng, chi phí lao động của VN thấp gần nhất khu vực châu Á, chỉ xếp trên Campuchia với 47,36 USD.
So với các nước như Indonesia là 82 USD/tháng, Trung Quốc 117 USD/tháng, Thái Lan 156 USD/tháng, Philippines 167 USD/tháng, Malaysia 336 USD/tháng, Hàn Quốc 830 USD/tháng, Singapore 1.146 USD/tháng và Nhật 1.810 USD/tháng thì con số này quả thực hết sức khiêm tốn.
Ông Matthias Duhn, Giám đốc Eurocham cho rằng, giá lao động rẻ là một trong những nguyên nhân khiến giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp ở VN thấp. Vì thế, không thể dựa vào giá lao động rẻ để đạt tới chuỗi giá trị gia tăng cao được.
Giá nhân công rẻ cũng là vấn đề mà GS Micheal Porter, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh hết sức quan tâm khi đến VN. Theo ông, VN không nên coi nhân công giá rẻ là lợi thế. Thậm chí, nên loại bỏ hẳn những ngành nghề lương thấp vì lương thấp đồng nghĩa với chất lượng thấp, năng suất thấp. Và nếu vậy, VN sẽ không thể xây dựng mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng cao.
Nói một cách đơn giản, khi được trả lương 1 đồng, thì người lao động ít nhất phải làm ra số sản phẩm, dịch vụ gấp đôi, gấp ba số tiền được trả. Cũng có nghĩa là, nếu được trả lương cao thì số lượng sản phẩm, dịch vụ làm ra nhiều hơn, chất lượng hơn. Từ đó khẳng định, chi phí lao động là tấm gương phản ánh chân thực nhất chất lượng lao động, năng suất lao động và mức độ thịnh vượng của nền kinh tế.
Trên thực tế, nếu chúng ta không thay đổi tư duy coi nhân công giá rẻ là lợi thế thì lợi thế này cũng không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư. Đã không ít doanh nghiệp FDI phàn nàn về tay nghề, kỹ năng của lao động VN. Nhiều công ty đa quốc gia vào VN trước đây vì giá lao động rẻ nay gặp khó khăn vì không tuyển được lao động có đào tạo, lao động kỹ thuật cao. Họ không còn cách nào khác là phải chấp nhận bỏ chi phí đào tạo để đạt yêu cầu công việc. Không ít công ty nước ngoài sang VN tìm hiểu về môi trường đầu tư những năm gần đây cũng quan tâm đến trình độ, chất lượng lao động có đáp ứng được với yêu cầu của dự án hay không chứ không chỉ là chi phí rẻ hay đắt.
Đặc biệt, trong bối cảnh VN đang dịch chuyển thu hút đầu tư vào những lĩnh vực giá trị gia tăng cao thì nhân công giá rẻ, chất lượng thấp đã trở thành điểm yếu bởi những ngành này thì lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao lại quyết định việc nhà đầu tư có chọn VN hay không. Vì vậy, đã đến lúc thay đổi tư duy về lợi thế nhân công giá rẻ để xây dựng năng lực cạnh tranh cho VN trong giai đoạn mới./.
Theo Báo Thanh niên