Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 17/4/2011 15:21'(GMT+7)

Nâng "chỉ số cảm xúc".

(Hình minh họa).

(Hình minh họa).

Dù cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp răn đe, ngăn chặn, xử lý vi phạm theo pháp luật, nhưng tình trạng bạo hành học đường, nữ sinh đánh nhau, hiện tượng giới trẻ hành xử theo lối côn đồ, phản văn hóa đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Có những vụ việc tính chất, mức độ vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng. Lý giải nguyên nhân của các hiện tượng xã hội này, chúng ta thường tập trung xem xét công tác quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội cùng với sự tác động, ảnh hưởng của lối sống ngoại lai...

Tiến sĩ Phạm Đào Thịnh (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) nhìn nhận dưới góc độ đạo đức, tâm lý thì cho rằng, những hiện tượng bất thường ấy có nguyên nhân sâu xa từ việc “chỉ số cảm xúc" của một bộ phận không nhỏ giới trẻ đã và đang bị xơ cứng. Tiến sĩ Thịnh lý giải: Một đứa trẻ chào đời và lớn lên, được người mẹ bế bồng ru con theo nhịp nôi đưa. Đó chính là những thao tác để ươm mầm, vun đắp “chỉ số” cảm xúc cho con từ tâm trạng, nỗi niềm, tâm hồn, trái tim, tình thương của người mẹ. Nay, mọi thứ đã dần thay đổi. Trẻ được nằm nôi điện với chế độ đung đưa tự động, được nghe hát ru bằng những giọng hát của những ca sĩ hàng đầu. Chỉ cần đưa đĩa vào máy, ấn nút là xong. Vào trường mầm non, thay vì được nghe cô giáo bế bồng, tâm tình, kể chuyện, các cháu lại được học, chơi, tập múa hát theo đĩa ghi hình, ghi âm. Sự tiện lợi ấy đã vô hình trung làm cho cảm xúc của em bé bị “lập trình” hóa một cách cứng nhắc. Lớn lên, khi tiếp xúc với đời sống xã hội, trẻ không có được nền tảng vững chắc của văn hóa phong tục, yếu kém về đối nhân xử thế, dễ bị kích động, lôi kéo. “Tôi cam đoan rằng nếu có một cái máy để đo “chỉ số” cảm xúc của con người, thì những trẻ bạo hành bạn học, tung clip sex lên mạng... sẽ có kết quả rất thấp. Nếu có đủ “chỉ số” cảm xúc cần thiết, trẻ phải biết cân nhắc, suy nghĩ, biết đau trước nỗi đau của bạn, biết chia sẻ, cảm thông, biết đặt mình vào vị trí của người khác. Và như vậy, những hiện tượng đau lòng như chúng ta thấy, sẽ được hạn chế đi rất nhiều.” - Tiến sĩ Thịnh nói.

Tiến sĩ Phạm Đào Thịnh cùng những người bạn làm công tác nghiên cứu khoa học của anh đã và đang làm một việc mà anh cho là cần thiết để nâng chỉ số cảm xúc cho các con mình. Ấy là các anh đi sưu tầm, tìm kiếm các tài liệu, các cuốn sách về hát ru, ca dao, dân ca, tục ngữ, chuyện kể dân gian... đem về cùng nhau chọn lựa, biên soạn thành “giáo án” phổ biến cho vợ và những người thân trong gia đình học để nuôi, dạy trẻ trên nền tảng văn hóa phong tục, cốt cách gia phong.

Công tác tuyên truyền, giáo dục trẻ em của chúng ta hiện nay đang có nhiều vấn đề cần bàn, cần giải quyết. Chỉ lấy ví dụ ở riêng lĩnh vực truyền hình, chúng ta có quá nhiều kênh, nhiều đài truyền hình nhưng lại quá thiếu những chương trình chuyên sâu tuyên truyền, giáo dục về văn hóa phong tục, về lối sống thuần Việt. Đưa văn hóa, phong tục, giao tiếp, ứng xử, hát dân ca, hát ru, âm nhạc dân tộc... vào giảng dạy ở các nhà trường cũng là việc cần làm để góp phần vun đắp “chỉ số” cảm xúc cho học sinh. Vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu đề cập, nhưng đến nay vẫn chỉ mới dừng lại ở những thể nghiệm./.

(Lữ Ngàn/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất