Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 9/4/2011 10:42'(GMT+7)

Cần có chiến lược văn hóa đọc!

Thư viện Quốc gia cũng chỉ có khoảng 30 nghìn bạn đọc.

Thư viện Quốc gia cũng chỉ có khoảng 30 nghìn bạn đọc.

Nước ta chưa phải là xã hội đọc sách!

Theo TS Lê Văn Viết, thì ở Liên Xô những năm 60-70 của thế kỷ trước, đã được gọi là một dân tộc đọc và nước Mỹ cũng tự hào là dân tộc đọc. Ở nước ta hiện nay, bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số. Thư viện Quốc gia có khoảng 30 nghìn bạn đọc, thư viện các tỉnh chỉ có khoảng một đến hai nghìn người, thư viện huyện khoảng 500-600 người, còn xã thì rất ít phòng đọc và người đọc. Thói quen đọc sách của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc. Sau khi rời ghế nhà trường, nhiều người đã bỏ thói quen này, ở cơ quan họ chỉ đọc báo.

Một trong những nguyên nhân làm văn hóa đọc bị suy giảm là do sự phát triển ồ ạt của các loại văn hóa nghe nhìn. Nhiều người không đọc sách mà dành thời gian rỗi cho các trò chơi game, online và xem ti vi... Theo TS Phạm Văn Tình, không chỉ riêng Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề văn hóa đọc đang có những chuyển biến mạnh mẽ trước sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại. Kết quả thăm dò của hãng American online với câu hỏi: Nếu là nhân vật Rô-bin-sơn trên hoang đảo thì bạn cần cái gì? 68% trả lời là cần máy vi tính nối mạng, 23% cần máy điện thoại, 9% còn lại cần ti vi và ra-đi-ô, không ai cần sách cả. Theo điều tra của CNN và USA Today thì 56% thanh niên Mỹ mắc “bệnh nghiện” internet. Ở châu Á, riêng Hàn Quốc có 30 triệu người thường xuyên sử dụng internet, chiếm 2/3 dân số, thanh thiếu niên thì chiếm 97%.

Tại hội thảo “Người Việt có mê đọc sách”, mới được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn một trăm độc giả cùng nhiều nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa... đưa ra ý kiến quanh thực trạng “lười đọc”, “đọc ít” và “đọc theo phong trào” của nhiều người Việt Nam hiện nay. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Giám đốc NXB Trẻ cho rằng, người Việt chỉ ở mức độ thích sách chứ chưa bị cuốn hút bởi sách vở. Còn đào sâu hơn vào bản chất của văn hóa đọc, các diễn giả chỉ ra, người Việt chỉ đọc sách khi cần tra cứu, tìm kiếm một tư liệu gì, nghe giới thiệu sách mới thì tìm mua để đọc... Còn đọc sách như một thói quen, một nhu cầu thường xuyên tự thân và có phương pháp, có hệ thống thì chưa.

Thế giới sách vở còn quá xa lạ với người Việt Nam nói chung, ngoại trừ một bộ phận người đọc nhất định. Trong nước còn thiếu hẳn hình ảnh người đọc sách tại các bến phà, bến xe, nhà ga. Song song đó còn có tình trạng đọc nhiều, đọc tràn lan nhưng chưa có hệ thống, chọn lọc và thiết thực.

Cần một chiến lược

Đọc là một hoạt động văn hóa của con người, thông qua đó để tiếp nhận thông tin và nâng cao tri thức. Từ đó giúp nâng cao kỹ năng sống, mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc. Văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa ở tầm cao của một dân tộc. Thông qua văn hóa đọc, định hướng đọc cho mọi người dân, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống của mình. Văn hóa đọc có thể giúp mỗi cá nhân có cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các phương tiện nghe nhìn đang tỏ ra có nhiều ưu thế hơn, hấp dẫn hơn so với sách. Thậm chí, thực tế chúng đang có xu hướng cạnh tranh lấn át văn hóa đọc. Nếu trước đây, đọc sách là một thú vui, một thói quen của rất nhiều người thì ngày nay thói quen ấy đang có nguy cơ bị mất dần đi. Nhưng điều đó không có nghĩa là văn hóa đọc sẽ lụi tàn. Ngược lại, văn hóa đọc sẽ dần dần trở lại vị trí đúng của mình sau cơn “chao đảo”. Bởi lẽ, các loại hình văn hóa lành mạnh khác nhau chỉ bổ sung cho nhau chứ không thể triệt tiêu lẫn nhau. Hơn thế, văn hóa đọc bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá và tiếp thu tri thức một cách hệ thống và sâu sắc mà văn hóa nghe, nhìn (vốn có thế mạnh trong việc cung cấp thông tin và giải trí) không thể làm được. Tuy nhiên, để văn hóa đọc sớm “trở lại”, giữa thực trạng đáng buồn như hiện nay, chúng ta cần một chiến lược phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đọc sách vẫn luôn được khẳng định là một nhu cầu thiết yếu với những thế mạnh riêng của chính nó, một cách thưởng thức văn hóa sang trọng và có chiều sâu; là phương cách tốt nhất để làm giàu có vốn liếng ngôn từ của con người. Những thuộc tính đi liền với việc đọc là suy nghĩ, suy ngẫm, tra cứu, tìm tòi... là cơ sở hữu ích cho việc nâng cao tri thức, hiểu biết, tạo dựng những vỉa tầng sâu sắc trong toàn bộ hệ thống kiến thức, nhận thức của mỗi con người. Một chiến lược về văn hóa đọc hiện nay là rất cần thiết cho một dân tộc có bề dày văn hóa và xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội./.

(Diệu Mai/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất