Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 10/4/2011 14:25'(GMT+7)

Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ: Trọng trách bảo tồn

Du khách nước ngoài thích thú chơi thử đàn bầu, một trong những loại nhạc cụ trong đờn ca tài tử Nam bộ. Ảnh: AN DUNG

Du khách nước ngoài thích thú chơi thử đàn bầu, một trong những loại nhạc cụ trong đờn ca tài tử Nam bộ. Ảnh: AN DUNG

 

  • Nét độc đáo: hàn lâm và dân gian

Có thể nói, ít có bộ môn nghệ thuật nào vừa mang tính hàn lâm, bác học lại vừa đậm tính dân gian và gần gũi như ĐCTT. Hàn lâm, bác học ở đây là những người chơi ĐCTT thường phải học và phải mất nhiều năm rèn luyện mới thành tài, còn tính dân gian thể hiện ở chỗ khi đã ngẫu hứng ĐCTT, dù ở bất cứ địa điểm nào, không gian nào người ta cũng có thể cùng hòa đàn, hòa ca. Với người nghệ sĩ, tài tử, những lúc sự ngẫu hứng đã thăng hoa, không gian, thời gian với họ không còn là vấn đề. Họ có thể chơi ĐCTT ngoài vườn cây, giữa sân nhà hay ở bờ ao, góc hè, thậm chí chèo xuồng trên sông đờn ca suốt đêm.

“Lý tưởng nhất là vào những đêm trăng sáng, cứ nghe tiếng đàn tài tử ở đầu xóm vọng về tửng từng tưng là tôi lại thấy nao nao trong bụng. Vậy là biết rồi đó, thế nào cũng phải ra ngồi bằng được mới thôi. Đã ra chiếu ngồi thì phải dợt vài bản, nếu không chẳng tài nào ngủ được, cứ thế có khi cả nhóm ngồi đờn ca đến trời sáng lúc nào không hay”, nghệ nhân dân gian ca tài tử Bạch Huệ kể lại.

Những ai đã từng đến với những buổi sinh hoạt nghệ thuật về âm nhạc truyền thống và ĐCTT tại nhà riêng của GS-TS Trần Văn Khê chắc hẳn rất thấm thía tính chất bác học và dân gian được kết hợp rất tài tình, độc đáo trong nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Ở đây luôn thu hút đông đảo khán giả: có người lớn tuổi, trung niên, có người là cán bộ công chức, người là tiểu thương, giáo viên, không ít các bạn trẻ là học sinh sinh viên và có cả nhà sư, tất cả cùng tham gia ĐCTT. Để giữ được nét truyền thống của ĐCTT, GS-TS Trần Văn Khê có lần tâm tình: “ĐCTT là cuộc tao ngộ đầy cảm hứng của khách tri âm, người tri kỷ. Không câu nệ, không hình thức và không khoảng cách, tiếng đờn hòa với tiếng đờn, lời ca quyện với lời ca, họ có thể ứng tác, ứng tấu, sáng tạo liên tục”.
  • Phát triển phải đúng bản chất

Theo thống kê trên 21 tỉnh thành Nam bộ, đang có hơn 2.000 câu lạc bộ ĐCTT sinh hoạt thường xuyên và thu hút 23.000 thành viên tham gia. Con số này phần nào minh chứng sức lan tỏa trong cộng đồng và sự thu hút của nghệ thuật ĐCTT đối với người dân. Hơn thế, không chỉ người dân Nam bộ mà thực tế có không ít người miền Trung, miền Bắc, người dân tộc thiểu số cũng tìm hiểu và tham gia chơi ĐCTT. Đây là một nét đặc sắc của nghệ thuật ĐCTT ít có loại hình nghệ thuật nào sánh được. Chưa kể một loại hình nghệ thuật nảy sinh từ ĐCTT là sân khấu cải lương, đã là người Việt hầu như ai cũng biết.

Hầu khắp các tỉnh thành Nam bộ, nơi nào cũng có các CLB, đội nhóm ĐCTT sinh hoạt thường xuyên, riêng tại TPHCM, các CLB, đội nhóm chơi ĐCTT có mặt khắp tất cả các quận huyện. Ở các tỉnh thành Nam bộ, lâu nay phong trào ĐCTT vẫn phát triển mạnh mẽ, nghệ thuật ĐCTT còn là một trong những loại hình thu hút du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo gửi vào cung đàn những tâm tư, trăn trở của người nghệ sỹ. Ảnh: AN DUNG

“Ban nhạc tài tử không nhất thiết phải quần áo chỉnh tề, vì như vậy có khi làm mất đi chất “tài tử” của người nhạc sĩ, tạo khoảng cách, trở nên xa lạ với người dân Nam bộ và khách mộ điệu” - nhạc sĩ Tấn Nhì nhận định. Đáng lo ngại hơn, nhiều ý kiến cho rằng, không ít nơi người ta lạm dụng nhạc tài tử và ĐCTT nhằm vào mục đích thương mại, câu khách, vô hình trung đã làm mất đi nét đẹp truyền thống của môn nghệ thuật này.
Trọng trách bảo tồn

Bảo tồn những giá trị truyền thống của ĐCTT và tạo điều kiện hỗ trợ để nghệ thuật ĐCTT phát triển là việc làm rất cần thiết. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình trong các cuộc hội thảo khoa học về ĐCTT, nhưng bảo tồn như thế nào?

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, một trong những bậc đại thụ và cả đời gắn bó với âm nhạc truyền thống, nói giọng buồn buồn: “Các nghệ nhân giỏi không còn nhiều, hầu hết đều đã lớn tuổi. Những lúc họ biểu diễn ĐCTT, tôi thường thấy người ta xúm vào thu âm, quay hình, chụp ảnh, nhưng việc đó không giúp bảo tồn ĐCTT. Cần phải có những chương trình hành động cụ thể. Phải làm sao để giới trẻ thấy được cái hay, cái độc đáo từ di sản của cha ông ta từ đời xưa để lại. Tôi nghĩ, nên chăng nhà nước và các ngành chức năng cần hỗ trợ để các nhạc sĩ, nghệ nhân giỏi ĐCTT có điều kiện sống thoải mái một chút, họ thư thả về tinh thần thì sẽ có thời gian, dành tâm huyết cho việc truyền nghề, dạy nghề”.

Đồng tình với ý kiến này, nghệ nhân dân gian ca tài tử Bạch Huệ tâm tình: “Lần này, ĐCTT Nam bộ được vinh danh sẽ là một niềm tự hào rất lớn. Học trò ca tài tử của tôi ở các tỉnh rất nhiều, từ 12 tuổi đến ngoài 60 tuổi, tôi nghĩ ngành văn hóa cần hỗ trợ mở các lớp tập huấn về ĐCTT (ít nhất phải 6 tháng) để việc truyền dạy hiệu quả hơn. Người ta nói tre già măng mọc, nhưng tôi đã già rồi vẫn chưa thấy măng đâu!”

Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất