Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 12/4/2011 11:21'(GMT+7)

Thờ Hùng Vương: Dấu ấn bản sắc Việt

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

 
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền rộn rã câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
 
Có người cho câu ca dao này chỉ mới xuất hiện vào năm 1917, khi nhà Nguyễn ấn định ngày giỗ Tổ được chọn là ngày 10 tháng 3. Bởi lẽ trước đó, người dân thờ cúng Vua Hùng vào mùa Thu, một số nơi như làng Trẹo ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh thờ Hùng Vương vào 24 tháng Chạp với ý nghĩa rước vua về ăn Tết... Thế nhưng, đâu phải đến nhà Nguyễn mới có quy định tổ chức ngày giỗ Tổ vào 10-3 âm lịch vì tấm bia thời Lê hiện còn ở Đền Hùng đã khắc rõ điều này. Và nếu cứ truy nguyên dòng thời gian thì thật khó xác định từ bao giờ tín ngưỡng vua Hùng trở thành Quốc lễ. Từ những năm 40 - 43 sau công nguyên, khi nổi dậy đánh đuổi giặc Hán, Hai Bà Trưng đã có bốn lời thề tại Hát Môn: “Một xin rửa sạch nước thù; Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng; Ba kẻo oan ức lòng chồng; Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”. Như thế, sức sống của việc tưởng nhớ vua Hùng thật là bất diệt, đã được thử thách qua đêm trường ngàn năm thuộc Bắc. Giặc phương Bắc đã dùng đủ mọi thủ đoạn đồng hóa, đã dùng bạo quyền nhằm xóa tan văn hóa dân tộc Việt (kể cả cho tới thế kỷ 15 dưới thời thuộc Minh) nhưng bất thành. Trong tiến trình lịch sử, không biết bao nhiêu dân tộc khác xung quanh đã bị Hoa Hạ đồng hóa, hàng trăm dân tộc Việt đã hòa vào Trung Hoa, chỉ duy dân tộc Việt (Kinh) là trường tồn. Có được sự vững bền ấy, không gì khác là nhờ ở tinh thần chung đúc ý chí đại đoàn kết quanh biểu tượng thờ Quốc Tổ Hùng Vương.
 
Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hóa thế giới đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “Như nước Đại Việt ta, thực là một nước văn hiến”. Văn hiến này tỏa rạng từ thời Hùng Vương và ngày càng được các nhà khoa học khảo cổ khai quật nghiên cứu làm rõ thêm. Những đợt khảo cổ học trên đất Tổ và các vùng địa phương khác cho thấy những tinh hoa văn hóa cách nay mấy ngàn năm đã bác bỏ những ghi chép trong sách sử Trung Hoa rằng thời Hùng Vương nước ta lạc hậu, việc truyền lệnh theo kiểu thắt nút dây... Nhà văn Khánh Hoài - người sinh sống và nghiên cứu về văn hóa chữ viết thời Hùng Vương suốt mấy chục năm ròng vừa hoàn thành công trình về chữ viết người Việt cổ (chuẩn bị xuất bản). Với các chữ cái của người Việt cổ, ông có thể viết thành văn bản như ta viết chữ quốc ngữ bây giờ. Nhân thêm niềm tin này là tại phường Dữu Lâu, TP. Việt Trì có miếu Thiên cổ thờ vợ chồng người thầy giáo Vũ Thê Lang dạy công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa thời Hùng Vương thứ 18...
 
Nhân dân thành kính lễ Quốc Tổ Vua Hùng
                                                                    Ảnh: TTXVN
 
 
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã ăn sâu đậm vào tiềm thức người dân Việt Nam. Đền Hùng không phải là gốc của một tôn giáo, các Vua Hùng không phải là giáo chủ, người Việt thờ cúng Hùng Vương không có học thuyết và cũng không có giáo hội truyền bá, nhưng từ hàng ngàn đời nay, người Việt Nam dù bất kể theo tôn giáo nào (đạo Phật, Thiên Chúa giáo, Đạo Hồi, Cao Đài, Hòa Hảo...) vẫn hành hương về đền Hùng để tri ân quốc Tổ, những người đã có công dựng nước. Cứ mỗi khi đất nước có nạn ngoại xâm, tinh thần vì Quốc Tổ lại trỗi dậy xóa tan gông xiềng. Lịch sử thời đại ngày nay cũng đã tạc ghi câu nói của Hồ Chủ tịch: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”...
 
Nhà nước ta đã khôi phục lại tín ngưỡng thờ Hùng Vương và coi đó là Quốc lễ, người dân được nghỉ làm một ngày. Nghi thức thờ Vua Hùng cũng không có gì cầu kỳ, phức tạp. Tất cả đều dựa ở sự trang nghiêm, thành kính, tưởng nhớ tiền nhân, tiên tổ. Dần dà từ tín ngưỡng này hình thành đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc. Thế nên, những sự “mâm cao cỗ đầy”, làm những chiếc bánh khổng lồ (như một vài năm trước) để khoa trương các kỷ lục là đi ngược với thuần phong mỹ tục.
 
Ngoài ban thờ chính tại vùng đất thiêng Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, Phú Thọ, có tới hơn 1.400 di tích khác nằm dải rác trên đất nước thờ các Vua Hùng, vị tướng thời Vua Hùng. Dân gian gọi những đền thờ ở các địa phương khác ngoài khu di tích đền Hùng là nơi “thờ vọng”. Một số nơi thờ vọng Vua Hùng nổi tiếng như: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Tiền Giang, Nha Trang. Hay như đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Biên Hòa, tuy mới xây dựng nhưng sớm trở thành trung tâm văn hóa tâm linh của khu vực Tam Hiệp, Bình Đa, Tân Mai. Ở Đồng Nai, còn có đền thờ Hùng Vương ở Tân Phú, Long Khánh. Thậm chí, nhiều Việt kiều còn hành hương về đất Tổ “thỉnh” chân hương, nắm đất từ đền Hùng rồi mang đi thờ để có cảm giác gắn bó với cội nguồn...
 
Nhân dân thành kính lễ Quốc Tổ Vua Hùng
                                                              Ảnh: ĐỨC HIÊP
 
 
Hình tượng Quốc Tổ Hùng Vương trong tâm thức người dân Việt là “hạt nhân” trung tâm tạo sự gắn kết, vừa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian để làm chỗ dựa tâm linh cho cộng đồng. Đó là điều gần như chưa xuất hiện ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Thật đau xót khi có những người Việt hiểu biết nông cạn, xuyên tạc truyền thuyết rằng: Làm sao sinh được bọc trăm trứng. Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra quái thai? Tại sao lại có thể đánh đồng một câu chuyện truyền thuyết thành một câu chuyện có thực? Rồi từ sự không tin này lại bác bỏ truyền thống 4.000 năm của dân tộc? Như trên đã viết, khảo cổ học đã và sẽ xác nhận thêm truyền thống này. Còn câu chuyện truyền thuyết về bọc trăm trứng - đó là một sự sáng tạo vĩ đại của dân gian Việt Nam, ít có một hình tượng nghệ thuật nào sánh bằng. Và chính Hồ Chủ tịch đã sử dụng rất thần tình ý nghĩa của hình tượng đó trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch khi đọc Tuyên Ngôn độc lập đã dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu “đồng bào” của Bác trở nên thân thiết và lay động tình cảm biết bao.
 
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương như mạch máu của dân tộc Việt. Quá trình đắp đê hàng ngàn km tạo dựng đồng bằng sông Hồng màu mỡ hay quai đê lấn biển nếu không có tinh thần đại đoàn kết từ nghĩa đồng bào chung đói no thì sao có được. Và phải chăng cũng từ tinh thần này mà tại Việt Nam, mặc dù đã có Đảng Cộng sản lãnh đạo nhưng những nhà cách mạng vẫn tổ chức ra các Mặt trận Dân chủ, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt... kể cả hiện thời là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc?
 
Kế thừa và phát huy truyền thống, hiện tại chúng ta đã trình UNESCO hồ sơ xét công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cho “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Phú Thọ”. Và cũng chính mảnh đất Tổ này đang được xây dựng thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam./.
 
(Theo: Từ Khôi/ĐĐK)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất