Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 17/10/2008 21:28'(GMT+7)

Ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Lớp học thêu của phụ nữ Mông ở xã Thanh Kim, huyện Sa Pa (Lào Cai)

Lớp học thêu của phụ nữ Mông ở xã Thanh Kim, huyện Sa Pa (Lào Cai)

Vững vàng vượt qua thử thách

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt những thành tựu ấn tượng về xóa đói, giảm nghèo (XÐGN) được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Chính vì vậy, trước thực tế lạm phát đang gia tăng, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn.

Tác giả bản "Báo cáo giám sát toàn cầu: các mục tiêu thiên niên kỷ và môi trường" của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) diễn ra tại Hà Nội gần đây nhận định: "Lạm phát là những vấn đề hết sức lo ngại đối với các nhà lập chính sách. Nhưng dựa trên những thành tựu đã có của mình trong vòng 10-15 năm vừa qua thì Việt Nam có điều kiện tương đối thuận lợi để phản ứng lại với tình trạng lạm phát này và tiếp tục con đường tăng trưởng".

Thực tế cho thấy, năm 2007, chỉ tiêu giảm nghèo của chúng ta đạt 14,6%, tuy nhiên trong bối cảnh này, các thảo luận hiện nay của Chính phủ đều khẳng định cố giữ chỉ tiêu năm 2008 là 12%. Bởi chỉ tiêu này không chỉ bảo đảm ổn định kinh tế mà quan trọng hơn là bảo đảm an sinh xã hội.

Khoảng thời gian còn lại của năm 2008 sẽ là thời kỳ nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Song Chính phủ quyết tâm thực hiện tốt tám nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào ba nhóm chính là chính sách tiền tệ thắt chặt để ổn định khu vực tín dụng; kiểm soát xuất nhập khẩu để ổn định tỷ lệ nhập siêu; đồng thời giải quyết đời sống nhân dân, người nghèo, khu công nghiệp - nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tác động của nền kinh tế.

Tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 17%, thay vì giảm xuống khoảng 14% vào cuối năm nay vì các tác động của lạm phát và cách tính mới.

Bên cạnh các chương trình mục tiêu quốc gia về XÐGN, Chính phủ giữ mục tiêu an sinh xã hội trong nhóm tám giải pháp như là trọng tâm chính, đồng thời tăng cường các biện pháp hỗ trợ 61 huyện nghèo nhất mà Chính phủ đã công bố.

Chính phủ bảo đảm nhóm những người dễ bị tổn thương nhất nhận được hỗ trợ nhiều nhất, và họ không bị lọt khỏi mạng lưới an sinh xã hội.

Hiện những người thu nhập thấp ở nước ta còn chiếm tỷ lệ cao. Phần lớn họ vừa được XÐGN, nhưng thực ra vẫn đang ở vùng giáp ranh nghèo. Bởi vậy, dù trong bất cứ tình huống nào, người nghèo phải được chăm lo, bảo đảm nhu cầu tối thiểu trong cả những tình huống đầy khó khăn.

Giải pháp quan trọng là xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội, thể hiện ở hai lĩnh vực cơ bản: bảo hiểm và hỗ trợ, gồm Nhà nước, thị trường và xã hội cùng tham gia. Muốn vậy, cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả để đối phó với lạm phát và dành quan tâm nhiều hơn đến người dân nghèo, vì lạm phát cao đe dọa cướp đi công sức của hơn 20 năm XÐGN.

Nhấn mạnh đến việc tiếp tục bảo đảm ổn định đời sống nhân dân thông qua XÐGN, Nghị quyết số 23/2008/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2008 cũng nêu rõ: "Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chính sách hiện hành về an sinh xã hội, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng; đồng thời nghiên cứu, ban hành các chính sách mới, góp phần ổn định đời sống nhân dân". Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương ban hành cơ chế hỗ trợ giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với 61 huyện nghèo; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các chính sách đã ban hành về hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ cận nghèo, vùng bị thiên tai, người lao động có thu nhập thấp...

Ở một khía cạnh khác, theo nhận định của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LÐ-TB và XH), tình hình lạm phát của Việt Nam có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong vài năm tới.

Ðặc thù của nước ta khi xảy ra lạm phát là giá lương thực, thực phẩm tăng nhanh ở các thành phố lớn. Lạm phát đã, đang và sẽ tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam do gần 72% dân số là nông dân trong đó có 52% tham gia sản xuất lúa gạo (đặc biệt có tới 80% số hộ nghèo tham gia sản xuất lúa gạo).

Tuy nhiên, Viện này cho rằng, tác động không có nghĩa là hoàn toàn tiêu cực. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có khoảng 60% hộ nghèo trong lạm phát tăng được thu nhập, chủ yếu là những hộ thuần bán lương thực (lúa gạo), thực phẩm được hưởng lợi từ việc tăng giá. Và với tốc độ tăng giá như những tháng đầu năm 2008 (khoảng 28 - 30%), thu nhập của hộ gia đình làm nông nghiệp sẽ tăng thêm 4,5%, do đó sẽ có khoảng 330.000 hộ thoát nghèo, chiếm 12,2% số hộ nghèo cuối năm 2007.

Ngược lại, sẽ có khoảng 222.000 hộ "cận" nghèo bị rơi vào "vùng" nghèo trong đó các hộ dân ở Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên bị tác động nặng nề nhất với 80 - 90% số hộ bị giảm thu nhập. Ngay cả ở khu vực thành thị, các hộ nghèo cũng bị thiệt hại nhiều nhất. Như vậy, từ lạm phát, số hộ thoát nghèo đang nhiều hơn hộ rơi nghèo 108.000 hộ và dự báo tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm, từ 14,6% năm 2007 xuống còn khoảng 13,83% vào năm 2008.

Vấn đề đặt ra liệu con số này có phản ánh đúng thực tế hay không khi mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn được tính theo thu nhập bình quân một người một tháng với chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010 của Chính phủ là 200.000 đồng/người một tháng ở nông thôn và 260.000 đồng/người một tháng ở đô thị, tức chỉ một nửa đô-la/ngày/một người (chuẩn quốc tế là một đô-la/ngày/ một người)?

Hỗ trợ trực tiếp

Trong nhóm giải pháp điều hành cân đối vĩ mô liên quan tới chỉ số CPI, Chính phủ đã đề ra một loạt các giải pháp hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân thông qua một loạt các cơ chế chính sách.

Cụ thể như đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì được tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, bổ sung chế độ công vụ, nâng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc để nâng cao quyền lợi cho người tham gia đóng bảo hiểm.

Ðối với người dân, thực hiện cấp học bổng cho học sinh dân tộc các trường nội trú, hỗ trợ học sinh mẫu giáo, phổ thông học bán trú con hộ nghèo ở vùng khó khăn, nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế nông nghiệp, thủy lợi phí, tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ cho nông dân, các chính sách liên quan tới vay vốn ưu đãi, trợ cước các mặt hàng chính sách, giá điện tại vùng khó khăn...

Bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, các địa phương còn có thêm nhiều dịch vụ xã hội để trợ giúp cho người nghèo như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% người dân thuộc diện nghèo; miễn giảm học phí, hỗ trợ mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con em gia đình nghèo; trợ cấp thường xuyên, đột xuất cho gia đình nuôi trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người tàn tật, người cao tuổi; xóa nhà dột nát cho hộ nghèo và các dịch vụ nâng cao đời sống cho hộ nghèo như cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp gồm: Cho vay vốn để giải quyết việc làm; đào tạo nghề gắn với việc làm; tăng cường xuất khẩu lao động...Nhà nước tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và ngư dân. Ðiều chỉnh tăng thêm mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo và cận nghèo (từ 2% lương tối thiểu lên 3%); nâng mức hỗ trợ ngư dân theo mặt bằng giá mới. Tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ mới như bảo hiểm thất nghiệp, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, chính sách hỗ trợ cho 61 huyện, điểm nghèo nhất thuộc 19 tỉnh. Ðặc biệt, đối với ngư dân khai thác hải sản, ngay trong ngày điều chỉnh giá bán xăng, dầu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định tăng hỗ trợ về dầu đối với ngư dân là chủ sở hữu tàu đánh bắt hải sản hoặc tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản từ 1 đến 2 triệu đồng cho một chuyến đi đánh bắt hải sản.

Những chính sách kinh tế - xã hội được điều chỉnh kịp thời và cụ thể trên đây đã và đang phát huy hiệu quả, không chỉ giảm bớt gánh nặng cho người nghèo mà còn giúp nhiều gia đình vực dậy khả năng tiềm tàng, tiếp tục phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống./.

(Nhân Dân điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất