Thứ Bảy, 12/10/2024
Thế giới
Thứ Năm, 18/8/2011 16:14'(GMT+7)

Palestine nỗ lực thành lập nhà nước độc lập

Tổng thống Mahmoud Abbas.

Tổng thống Mahmoud Abbas.

Trong một nỗ lực nhằm thành lập nhà nước Palestine độc lập, ngày 17/8, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas mở Đại sứ quán đầu tiên của nước này tại thủ đô Beirut của Lebanon

Phát biểu trong chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Lebanon, Tổng thống Mahmoud Abbas cho biết với sự ủng hộ của các nước Arập, ông tin tưởng vào nhà nước Palestine tương lai sẽ chính thức được LHQ công nhận: "Những ngày tới sẽ là những ngày tháng khó khăn, nhưng đó sẽ là những ngày vinh quang, bởi vì Palestine sẽ có tên trên bản đồ thế giới và sẽ có một nhà nước với sự ủng hộ của các nước Arập và tất cả người Hồi giáo”.

Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas dự kiến vào ngày 20/9/2011 sẽ chính thức trình LHQ đề xuất thành lập Nhà nước Palestine độc lập, khi diễn ra kỳ họp của Đại hội đồng LHQ. Theo phía Palestine, đây sẽ là thời điểm rất thuận lợi.

Bộ trưởng Ngoại giao Palestine – ông Ryad Malki cho biết: “Chúng tôi muốn nộp đơn trong tháng 9 bởi vì một lý do đơn giản đó là Lebanon sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 9 tới. Vì vậy vai trò của người đứng đầu Hội đồng Bảo an sẽ rất quan trọng và đáng kể”.

Hiện Palestine đang ở giai đoạn nước rút để vận động các nước ủng hộ mình trong bối cảnh bị Israel và Mỹ phản đối kịch liệt và có những động thái ngăn cản mục tiêu này của Palestine thành hiện thực.

Palestine đã tuyên bố mục tiêu rõ ràng của mình, đó là đề nghị LHQ công nhận một Nhà nước Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza nằm bên trong các đường biên giới năm 1967, với thủ đô là Đông Jesujalem, cũng như công nhận tư cách thành viên của Palestine. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể sẽ gặp trở ngại vì Mỹ, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đã từng tuyên bố ý định sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ tư cách thành viên của Palestine.

Ngoài ra, Israel đã mở chiến dịch vận động ngoại giao toàn cầu để chống lại kế hoạch của Palestine. Chiến dịch ngoại giao của Israel tập trung vào khu vực châu Âu.

Hiện 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang bị chia rẽ xung quanh kế hoạch của Palestine. Trong khi Đức và Italy phản đối, các nước Ireland và Bồ Đào Nha lại ủng hộ, còn Pháp và Anh chưa tỏ rõ lập trường. Các giới chức EU hiện đang thúc đẩy một thỏa hiệp nhằm đạt được sự nhất trí chung của toàn khối đối với kế hoạch của Palestine.

Trong nỗ lực ngăn chặn Palestine đạt được mục tiêu, Israel đã ráo riết thúc đẩy chiến dịch gây áp lực ngoại giao quốc tế. Các thành viên Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gửi thư riêng tới nhiều lãnh đạo nước ngoài đề nghị bỏ phiếu chống lại đề nghị thành lập Nhà nước Palestine độc lập. Đích thân Thủ tướng Netanyahu đã gửi thư riêng cho khoảng 40 nhà lãnh đạo ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, cho rằng việc Palestine đơn phương yêu cầu công nhận Nhà nước Palestine sẽ phá hỏng tiến trình hòa bình Trung Đông.

Bất chấp thực tế “vô vọng” trong các cuộc đàm phán với Palestine trong suốt mấy chục năm qua, Israel vẫn tin rằng chỉ có thông qua các cuộc thương lượng trực tiếp, chứ không phải qua các quyết định đơn phương, mới có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình khu vực./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất