Đến thị trấn Đắk Đoa (huyện Đắk Đoa, Gia Lai), chúng tôi nghe người dân xầm xì về gốc sao độc nhất vô nhị hiện đang được trưng bày trong căn nhà chật hẹp của anh T.V.L. Do gốc sao quá to nên anh L. phải đập bức tường phía trước nhà để chuyển gốc sao này vào.
Chưa biết cây cảnh có giá trị đến đâu nhưng với việc “đập nhà” của anh L., nhiều người đã tò mò đến hỏi thăm, sờ mó và cuối cùng kết luận: Đây là gốc sao hàng mấy trăm năm tuổi, có dáng thế rất đẹp, lại được qua tay người thợ chạm trỗ tài hoa nên… có đập nhà cũng chả tiếc. Và thế là bộ tủ thờ, anh L. ngày càng nổi tiếng khắp huyện Đắk Đoa.
Bộ tủ thờ của anh L. được đặt tên là tứ linh vì có 4 con long, lân, quy, phụng làm chủ đạo, phụ họa theo là những con vật trong bộ 12 con giáp ứng với tuổi của người thân trong gia đình anh L. cầm tinh.
Anh L. còn cho tiết lộ thêm, ngoài bộ tứ linh này, hiện anh vẫn còn một số bộ gốc cây độc khác hiện vẫn đang gửi nhờ nhà người quen.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chúng tôi phát hiện việc chơi cây cảnh, gốc cây độc khai thác trong rừng hiện nay đang rất thịnh hành. Có những địa phương, người người săn cây cảnh, nhà nhà săn cây cảnh phục vụ cho các “đại gia lắm tiền”.
Những thợ săn gốc cây có thể kiếm thô (phát hiện ra cây độc, vận chuyển ra khỏi rừng) từ đôi ba triệu đồng/cây cho đến hàng chục hay thậm chí cả trăm triệu đồng nếu cây có dáng thế đặc biệt, có thâm niên.
Không chỉ những cây còn sống, những gốc gỗ khô như hương, trắc, cà te, cẩm, sao… lâu năm nằm dưới đất trong một thời gian dài cũng bị moi lên, những loại cây này đến những cái rễ cũng đẹp trong mắt dân chơi, được người bán tính theo kg rất đắt tiền.
Tiếp cận một số tay săn cây cảnh, gốc độc, chúng tôi được biết, một bộ gốc lọt vào mắt dân săn cây dù đã chết rồi nhưng không vì thế mà khi khai thác không gây hủy hoại rừng, môi sinh quanh nó. Cụ thể, để moi được cả gốc và bộ rễ lành lặn lên, phải khoét xung quanh nó những cái hố rộng gấp mấy lần chu vi gốc cây. Thế là những cây to, cây nhỏ xung quanh đều đổ rạp xuống, sống chết thì hên xui. Rừng tan hoang dưới sức tàn phá khủng khiếp của việc đào bới, săn cây cảnh, gốc độc.
Những năm gần đây, ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, đã bóc gỡ, bắt giữ được nhiều vụ khai thác, tàn phá rừng tự nhiên, tuy nhiên việc này dường như chỉ như muối bỏ bể nên rừng vẫn cứ tiếp tục bị chảy máu, thu hẹp dần.
Theo Bee,net