Thời gian qua, nhiều kỷ vật của các liệt sĩ như: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc; những lá thư của liệt sĩ viết từ ngày ở chiến trường hay những vật dụng của liệt sĩ... khi được xuất bản thành sách, trưng bày, giới thiệu đã được đông đảo độc giả, người xem đón nhận như một biểu tượng sinh động về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tinh thần kiên cường bất khuất và lý tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam một thời.
Ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội có Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng. Đến đây, dường như ai cũng xúc động khi được tận mắt chứng kiến những dụng cụ mà kẻ thù dùng để tra tấn thể xác và khủng bố tinh thần những chiến sĩ cách mạng ở Nhà tù Phú Quốc. Bảo tàng cũng lưu giữ những hiện vật, kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng, thể hiện sự trân trọng của người còn sống đối với đồng đội, những người đã hy sinh vì Tổ quốc...
Trên đây chỉ là một số dẫn chứng về cách làm sinh động của các tổ chức, cá nhân, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, sâu sắc trong tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc, nhất là cho thế hệ trẻ, thông qua những kỷ vật kháng chiến, kỷ vật của liệt sĩ.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách; các ngành, các cấp có nhiều việc làm thiết thực trong gìn giữ, phát huy giá trị kỷ vật kháng chiến. Nhiều ngành, địa phương tổ chức các cuộc phát động sưu tầm kỷ vật và tổ chức trưng bày, tuyên truyền đạt được hiệu quả tốt. Chẳng hạn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến”. Bằng nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả, Cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân cả nước. Đặc biệt, nhiều cựu binh Mỹ và Pháp, những người từng tham chiến tại Việt Nam, cũng tham gia cuộc vận động này. Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức Cuộc thi viết “Những kỷ vật kháng chiến”, thu hút đông đảo cựu chiến binh, thanh niên xung phong và các tầng lớp nhân dân tham gia. Các hoạt động trên không chỉ sưu tầm, hiến tặng và viết về những kỷ vật kháng chiến, mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, tình đồng đội và tình đoàn kết quân dân của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Trân trọng, phát huy giá trị kỷ vật kháng chiến, kỷ vật của liệt sĩ không chỉ qua những bài viết, hình tượng văn học, tuyên truyền trong hệ thống các bảo tàng, các cuộc triển lãm, trưng bày, mà nhiều cơ quan, đơn vị còn sáng tạo những cách làm, mô hình độc đáo để tuyên truyền hiệu quả cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Lữ đoàn Xe tăng 273 (Quân đoàn 3) đặt tên đường nội bộ gắn với số hiệu của những chiếc xe tăng của đơn vị đã lập nhiều chiến công trong chiến đấu, như: Đường xe tăng 377, đường xe tăng 980, đường xe tăng 985. Dưới tên mỗi đường xe tăng là những dòng lý lịch và thành tích của chiếc xe tăng ấy, qua đó, tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ hôm nay luôn tự hào và noi gương chiến đấu, quyết tâm giữ vững và phát huy truyền thống đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tuy vậy, hiện nay còn rất nhiều kỷ vật kháng chiến, kỷ vật của liệt sĩ có giá trị đang được các cá nhân, gia đình, dòng họ lưu giữ, hoặc đang còn bị lưu lạc, chưa phát huy hết giá trị. Nhiều kỷ vật đã được sưu tầm nhưng công tác tuyên truyền, phát huy giá trị còn hạn chế; biện pháp, hình thức tổ chức còn đơn điệu, cá biệt có những hiện vật giá trị lớn đang bị mai một, xuống cấp do trách nhiệm chưa cao của các tổ chức, cá nhân. Do đó, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức, có những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng để phát huy giá trị của những kỷ vật trong giáo dục truyền thống, góp phần xây dựng con người mới Việt Nam.
Đạo đức, nhân cách cũng như bản lĩnh của một con người luôn gắn bó mật thiết với truyền thống của quê hương, đất nước. Muốn cho con em chúng ta phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ mới, cần coi trọng giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc, trong đó những kỷ vật của liệt sĩ, kỷ vật kháng chiến của các thế hệ cha anh để lại có sức chuyển tải mãnh liệt nhất./.
Nguyễn Tiến Đạt (QĐND)