Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ Trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Lâm Thành Sĩ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lâm Thành Sĩ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hướng đến chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (22/11/1832 - 22/11/2022); đồng thời nêu rõ, là tỉnh địa đầu biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nói tới An Giang ngày nay là nói tới một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với đất đai phì nhiêu, cây trái ngọt lành, là địa phương có nền văn hóa vừa đặc sắc, vừa phong phú, đa dạng; là nơi khởi nguồn nhiều tôn giáo bản địa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống... Sự giao thoa văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế cùng với những giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống đã góp phần tạo cho An Giang một diện mạo văn hoá mang đậm dấu ấn riêng, một kho tàng di sản văn hóa hết sức phong phú, đa dạng. Chính sự đoàn kết giữa các tôn giáo, dân tộc trong tỉnh đã tạo môi trường để phát huy những giá trị tích cực, tạo điều kiện để các tôn giáo, dân tộc đóng góp thiết thực cho cộng đồng và xã hội.
Đồng chí Lâm Thành Sĩ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phát biểu.
Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu, tham luận đã tập trung vào 3 nội dung chính: 1) Khẳng định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tỉnh An Giang cụ thể hóa và triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của địa phương; 2) Khẳng định công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo đã được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; 3) Khuyến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo, qua đó góp phần thúc đẩy, phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ Trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Việc phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Hội thảo “Phát huy những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo” là dịp để trao đổi, chia sẻ, phân tích làm rõ những vấn đề liên quan đến công tác tuyên truyền dân tộc, tôn giáo hiện nay, qua đó góp phần thiết thực để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới.
Đại diện lãnh đạo Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những ý kiến, đề xuất tại Hội thảo có liên quan tới cơ chế, chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là liên quan đến công tác tư tưởng; khẳng định sẽ tổng hợp để có những tham mưu trong chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ Trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu.
Từ thực trạng công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo ở tỉnh An Giang thời gian qua, Phó Vụ Trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được; tìm ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác dân tộc, tôn giáo nói chung, cũng như trong công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo nói riêng. Trong đó, cần quan tâm các nội dung:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng về công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới. Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc, tôn giáo trong các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XII, XIII, Nghị quyết số 24-NQ/TW, 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX); Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị, Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định số 162 của Chính phủ...;
Hai là, xác định công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; cần phải tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo. Các ban, ngành cần tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng về dân tộc, tôn giáo.
Quang cảnh Hội thảo.
Ba là, bám sát yêu cầu thực tiễn của đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào các tôn giáo để triển khai công tác tuyên truyền, trong đó cần tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển kinh tế, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ cho bà con dân tộc thiểu số; tuyên truyền các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con tạo ra những sản phẩm đặc sản, hàng hóa có giá trị cao.
Bốn là, thường xuyên đổi mới hình thức và phương pháp tuyên truyền, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện trong công tác tuyên truyền; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội. Phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc; nắm chắc tình hình, tư tưởng, tâm trạng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, để lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng, từng đối tượng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành để làm công tác tuyên truyền; xử lý các vấn đề nhạy cảm, phức tạp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dân tộc thiểu số, ngôn ngữ dân tộc... cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền./.
TRƯỜNG GIANG - NGỌC HÂN